Saturday, November 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cháy nhà hàng xóm”!

“Cháy nhà hàng xóm”!

Tình hình Kazakhstan, một quốc gia Trung Á, tuyên bố độc lập năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, đang hết sức nguy ngập. Làn sóng biểu tình đã nhanh chóng trở thành các cuộc bạo loạn chống chính phủ. Trước tình hình này ba cường quốc lớn là Nga, Trung Quốc và Mỹ đều cảm thấy như có con dao nhọn đâm vào cơ thể mình.

Tuy cho rằng đây là công việc nội bộ, nhưng sự lo lắng về khủng hoảng ở Kazakhstan của chính phủ ba nước nêu trên là có lý do chính đáng, bởi lợi ích kinh tế, quân sự. Lẽ đương nhiên, các nước này đã và đang chủ động cao nhất để can thiệp, không để nội chiến dẫn tới xảy ra chiến tranh, thậm chí đám cháy có thể loang nhanh, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nóng.

Tuy Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau nhằm chống lại hành động “thù địch” của Mỹ, nhưng vào lúc này thì cả hai “phe” đều cùng hướng tới Kazakhstan và cùng chung một mục tiêu: Không để ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi đất nước giàu tài nguyên và thơ mộng này.

Trước hết, xin thông tin những diễn biến mới nhất. Trong những ngày đầu tháng 1/2022, hàng ngàn người dân Kazakhstan đã xuống đường phản đối tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, sau khi chính phủ vào đầu năm nay quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Làn sóng biểu tình sau đó đã trở thành các cuộc bạo loạn chống chính phủ. Truyền thông địa phương hôm 6/1 cho hay, hàng chục phần tử cực đoan đã bị bắn chết khi đang tìm cách tấn công các tòa nhà chính quyền và trụ sở cảnh sát thành phố Almaty đêm hôm trước.

Tuy nhiên, về phía lực lượng của chính phủ cũng thiệt hại về người. Ít nhất 8 cảnh sát và thành viên Lực lượng Vệ binh quốc gia thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra khắp Kazakhstan trong hai ngày 4 và 5/1. Hãng tin TASS dẫn nguồn tin Bộ Y tế Kazakhstan cho biết có tới hơn 1.000 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình, trong đó hơn 400 người bị thương nặng phải nhập viện.

Hôm 5/1, chính phủ Kazakhstan buộc phải từ chức nhằm hóa giải cơn cuồng nộ của dân chúng. Mặc dù vậy, bạo loạn vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi với quy mô, số người tham gia không hề giảm. Một số người biểu tình đã xông vào cướp phá cơ sở quân sự và tấn công lực lượng an ninh. Có thông tin cho rằng, những người biểu tình hành động theo lệnh của các nhóm khủng bố quốc tế.

Đến mức độ này thì Tổng thống Tokaiev buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp khắp nước. Ông kêu gọi sự giúp đỡ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CTSO) gồm 6 quốc gia thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan.

Hôm 6/1, CTSO đã gửi lực lượng đến để giúp ổn định tình hình Kazakhstan. Các đơn vị của Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nhưng không tiết lộ quy mô. Đặc biệt, binh sĩ thuộc lực lượng lính dù Nga đã được phái đến Kazakhstan và bắt tay ngay vào việc chống bạo loạn.

Ngọn lửa phản kháng tại Kazakhstan đã khiến hai nước láng giềng Nga và Trung Quốc hết sức quan ngại. Kazakhstan hiện xuất khẩu phần lớn dầu sang Trung Quốc và là đồng minh chiến lược chủ chốt của Nga. Kazakhstan cũng quan trọng đối với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Được biết, hai tập đoàn năng lượng Exxon Mobil và Chevron đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào miền Tây Kazakhstan. Miền Tây lại chính là điểm khởi đầu nổ ra biểu tình.

Phản ứng “mồm”nhanh chóng nhưng khá nhạt nhẽo là Trung Quốc. Hôm 6/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại nước này khẳng định, những gì xảy ra là chuyện nội bộ của Kazakhstan, tình hình ở đây nhất định sẽ sớm ổn định trở lại.

Còn phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov thì mềm mỏng: Kazakhstan có thể tự giải quyết những vấn đề của mình, không ai có quyền can thiệp từ bên ngoài. Nga đang theo dõi sát những gì diễn ra ở nước láng giềng này và hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường sớm nhất có thể.

Tại Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng thúc giục nhà chức trách Kazakhstan kiềm chế trong lúc đối phó với làn sóng biểu tình bạo lực.

Trong ba cường quốc, Nga liên quantrựctiếp nhất đến tình hình Kazakhstan. Nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn, Moscow chắc chắn sẽ phải can thiệp mạnh mẽ hơn. Vì sao Moscow phải động thủ? Đơn giản một lẽ, Nga và Kazakhstan có đường biên giới chung dài khoảng 7.000 km, đây là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Nga. Khi Kazakhstan mất ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nga nhất là về kinh tế, chính trị.

Tại Kazkhstan có sân bay vũ trụ nổi tiếng Baikonur. Nga thuê sân bay này và còn có một cơ sở không gian khác là Vostoc (sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ không người lái). Cho đến khi sẵn sàng thay thế đầy đủ năng lực của Baikonur, Nga sẽ cần cả Baikonur và sự ổn định chính trị ở Kazakhstan.

Ngoài yếu tố kinh tế, quân sự, Kazakhstan còn là nơi tập trung một cộng đồng lớn người Nga. Sự an toàn của cộng đồng người Nga ở Kazakhstan là mối quan tâm lớn của Moscow. Như vậy, tình hình ở Kazakhstan có ý nghĩa quan trọng đối với Nga cả về đối nội và đối ngoại.

Ngọn lửa đang bùng lên sát nách Nga và Trung Quốc. Chưa thấy phản ứng từ các cường quốc khác, nhưng rõ ràng mọi sự bất ổn đều bắt đầu từ tình hình nội bộ, từ sự mất dân chủ của chính phủ, từ sự bất công đối với người dân. Công việc nội bộ không ai có thể thay thế chính quyền và người dân Kazakhstan. Tuy nhiên, để ổn định tình hình thì không chỉ có những tuyên bố ngoại giao mà cần có thực lực về kinh tế, quân sự, lực lượng. Đặc biệt, Nga và những quốc gia khác trong khu vực cần đóng một vai trò trong nỗ lực giải quyết bất ổn Kazakhstan bằng cách hỗ trợ các cuộc đàm phán của các lực lượng nội địa Kazakhstan.

“Cháy nhà hàng xóm” không thể “bình chân như vại”, bởi nó có thể cháy lan sang nhà mình. Thế giới đang chăm chú theo dõi thái độ và hành động tiếp theo của liên minh mới Nga- Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới