Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc đua tổng thổng Philippines, cơ hội cho ai?

Cuộc đua tổng thổng Philippines, cơ hội cho ai?

Bầu cử tổng thống Philippines bắt đầu nóng lên. Nhân tố nào sẽ ảnh hưởng tới cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực nhất quốc gia hơn 110 triệu dân này? Không bất ngờ, câu trả lời là: Trung Quốc.

Bà Robredo, ứng cử viên Tổng thống Philippines muốn học hỏi cách tiếp cận của Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc, nếu thắng cử.

Bầu cử tổng thống là câu chuyện quốc nội. Cử tri sẽ quyết định kết quả. Điều đó hiển nhiên. Tuy nhiên, một quốc gia đầy giông bão, theo cả nghĩa đen (bão như một hiện tượng thời tiết cực đoan, có thể gây thiệt hại nặng nề), và nghĩa bóng (hứng chịu những xung đột vì yếu tố địa lý – chính trị), như Philippines, trước khi đặt lá phiếu, cử tri sẽ không thể không xem xét, ông này, bà kia, nếu ngồi vào vị trí kế nhiệm ông Duterte, thì quan điểm, chủ trương, thực hành đối ngoại sẽ như thế nào, nhất là với Trung Quốc.

Tại sao lại là Trung Quốc? Lý do vừa đơn giản, vừa phức tạp.

Đơn giản bởi Trung Quốc là quốc gia láng giềng; trong những năm gần đây, Philippines chịu sự can dự từ người láng giềng này một cách vừa chủ động, vừa bị động. Chủ động bởi Philippines (cũng như bất cứ quốc gia nào) không thể không nhìn nhận Trung Quốc như một đối tượng làm ăn quan trọng, còn rất nhiều tiềm năng. Riêng về thương mại thôi, quốc gia 1,7 tỷ dân như Trung Quốc là thị trường khổng lồ; hàng hóa các nước Asean mà chen được vào thì quá tốt. Đó là chưa kể, chiều ngược lại, đố quốc gia nào trong Asean dám nói cứng, nền kinh tế của họ không ăn hàng (nguyên liệu, máy móc, sản phẩm các loại…) do Trung Quốc cung cấp, ngay cả khi phải cắn răng chấp nhận nhập siêu.

Nhưng cũng Trung Quốc, trong quan hệ với ít nhất quá nửa Asean, phức tạp như một bài toán tầm thế kỷ, vì dính đến vấn đề Biển Đông. Mà Biển Đông, hai từ ấy thôi, ai cũng có thể hình dung ra là khu vực này “nóng” như thế nào lâu nay.

Thực ra, Biển Đông đủ rộng cho tất cả, miễn là đừng tham. Oái ăm, Trung Quốc không chỉ tham, mà còn “nhất đẳng tham”. Bằng chứng của cái “nhất đẳng tham” đó, là yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương đưa ra và đòi thiên hạ, trước hết là các nước duyên hải Biển Đông thừa nhận. Phẫn nộ trước yêu sách ngang ngược, quái gở, chẳng có chút cơ sở công pháp quốc tế nào đó, dư luận mới ví nó như yêu sách “đường lưỡi bò” để đặc tả hết cái tham của nó.

Trở lại câu chuyện bầu tổng thống Philippines. Nửa năm nữa, ông Rodrigo Duterte mới hết nhiệm kỳ. Nhưng chưa cần tới ngày đó, nhiều chính trị gia và người dân Philippines đã quá hiểu và quá… chán, chủ trương đối ngoại “thân Trung Quốc” của ông.

Cứ cho là ông Duterte không hèn, chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhưng cái sự “vì” đầy trách nhiệm đó của ông, thử hỏi, đã mang lại được gì cho Philippines trong bảo vệ lợi ích của nước này trên Biển Đông?

Này nhé: Bãi cạn Scarborough, coi như “biếu” Trung Quốc từ năm 2012. Những tháng đầu năm ngoái hằng trăm tàu dân quân biển, trá hình tàu cá Trung Quốc ở lỳ khu vực Đá Ba Đầu. Tháng 11 năm 2021, 3 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã phun vòi rồng và ngăn chặn 2 tàu của Philippines đang trên đường vận chuyển thực phẩm cho quân nhân ở bãi cạn Ayungin (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây và cũng tuyên bố chủ quyền). Những lời hứa viện trợ kinh tế của Bắc Kinh cho Manila, tới nay, cơ bản thành hứa…hão. Ngay cả Phán quyết của PCA đưa lại phần thắng cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông đình đám, tới nay cơ bản cũng “nằm ngăn kéo”, vì chỉ đôi khi, can đảm lắm, ông Duterte mới thậm thò rút ra và thì thào, nỉ non vài lời trước ông Tập Cận Bình. Đó là chưa kể, nhiều nhiều vụ việc khác ngư dân Philippines phải gánh chịu, như “vụ Cỏ Rong” cay đắng giữa năm 2019…

Thế nên, nhìn dàn các ứng cử viên nặng ký đã đăng ký tranh cử tại Philippines, gồm Ferdinand Marcos Jr. (con trai của cố tổng thống Ferdinand Marcos), Leni Robredo (Phó Tổng thống đương nhiệm), Francisco Domagoso (Thị trưởng Manila) và Manny Pacquiao (cựu ngôi sao quyền anh), nhiều người cho rằng, ông Marcos coi như “hỏng hẳn” vì đã khen ông Duterte “đúng cách” với Trung Quốc. Còn lại, bà Robredo – người chủ trương sẽ học hỏi cách tiếp cận của Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc; ông Pacquiao – người chê ông Duterte quá mềm mỏng trước các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông; và ông Domagoso – người từng thề thốt sẽ “kiên quyết tuân theo phán quyết của PCA”, sẽ chia đều cơ hội thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 5/2022 ở Philippines.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới