Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông lại nóng?

Biển Đông lại nóng?

Đầu năm 2022, vào ngày 12/1, Washington lại bồi thêm cho Bắc Kinh một cú đòn mới với việc công bố Báo cáo số 150 bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các tàu Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 3/2021 (ảnh qua vệ tinh)

Biển Đông là khu vực nóng. Dù chưa bùng nổ chiến sự quy mô lớn, nhưng diễn biến ngày một phức tạp khiến không ít người đánh giá, vùng biển này đang như một thùng thuốc súng âm ỉ. Nếu các bên liên quan không kiềm chế, một kích hoạt nhỏ cũng có thể biến Biển Đông thành biển lửa chiến tranh. Một khi như thế, hệ lụy của nó liên quan toàn cầu do tuyến thương hải quan trọng bậc nhất thế giới bị ngăn chặn.

Xung đột cục bộ giữa Trung Quốc với các quốc gia duyên hải cùng có tuyên bố chủ quyền, như Việt Nam, Philippines, Malaysia – đó là chuyện xưa. Chưa xưa, nhưng cũng không mới, là căng thẳng ngày một gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ từ mươi năm nay.

Trung Quốc tố Mỹ, chẳng cơn cớ gì, từ đâu bỗng nhảy bổ vào; gây sự chưa đủ, lại còn kéo bè kéo cánh, làm cho các nước nhỏ li ti như ba nước trên, Trung Quốc bóp là chết, được nước.

Còn Mỹ, vin vào “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) – để “…thực hiện và khẳng định các quyền, sự tự do và việc sử dụng biển theo cách thức cân bằng lợi ích của các bên như đã được thể hiện trong Công ước Luật biển”, nhưng kỳ thực, ai cũng biết, Washington hàm ý phủ định các yêu sách của Trung Quốc trong một khu vực có vị trí cực kỳ chiến lược; đồng thời, gây áp lực, buộc Bắc Kinh phải rõ các yêu sách biển của mình theo đúng luật pháp quốc tế. Mục tiêu sâu xa, ngoài lợi ích tại một khu vực biển dự đoán là giàu tiềm năng, còn là nhằm kiềm chế một Trung Quốc quá nhiều tham vọng, trong đó có mục tiêu muốn soán ngôi vụi số 1 của Mỹ để thành “lãnh đạo thế giới”. Sự can dự của Mỹ vào câu chuyện Biển Đông biến nơi này hình thành xu hướng cuộc đối đầu giữa hai siêu cương bậc nhất thế giới.

Báo cáo 150, gồm 47 trang của Cục Đại dương, Môi trường quốc tế và khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, là sự tiếp nối Báo cáo số 143 công bố tháng 12-2014, nhưng về nội dung, nó “nặng đô” hơn nhiều.

Nếu Báo cáo 143, Mỹ mới chỉ yêu cầu Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý quốc tế của cái gọi là “đường 9 đoạn”, thì tới Báo cáo 150 vừa công bố, cũng căn cứ Phán quyết của PCA năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Mỹ khẳng định “trắng phớ” rằng: Trung Quốc không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho yêu sách mà Bắc Kinh đưa ra để chồng lên vùng biển của Philippines, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Hơn thế nữa, báo cáo còn quy Trung Quốc vào tội danh “Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền trên các vùng biển và đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước (UNCLOS 1982)”. Nói cách khác, Trung Quốc là kẻ vi phạm pháp luật.

Sự kiện quốc tế liên quan trực tiếp Biển Đông đầu năm này không thể không khiến nhiều người liên hệ nó với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7/2020, trong đó, Mỹ đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và các văn bản luật pháp quốc tế khác.

Lần này, sau có nhõn 2 năm, với việc bồi thêm một đòn mới bằng Báo cáo 150, Washington muốn gì, nếu không phải tiếp tục thách thức và răn đe rằng: Vừa phải thôi Bắc Kinh. Mọi chịu đựng đều có giới hạn!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới