Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngCác nước tăng tốc đối phó TQ ở Indo-Pacific

Các nước tăng tốc đối phó TQ ở Indo-Pacific

Không chỉ Mỹ mà các đồng minh của nước này là Nhật Bản và Úc cũng đang tăng tốc, chủ động phối hợp để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Các chiến hạm của “bộ tứ an ninh” trong cuộc tập trận chung vào năm 2021.

Ngay trong những ngày đầu năm 2022, tình hình khu vực Indo-Pacific đã gây chú ý mạnh mẽ khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Scott Morrison có cuộc hội đàm.

Qua đó, hai bên ký kết thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) cho phép lực lượng quân sự Nhật và Úc đóng quân, tập luyện chung, hỗ trợ thảm họa tại 2 nước với nhau. Diễn biến này được cho là nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.

Cấu trúc hợp tác an ninh mới

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Việc Nhật – Úc ký kết RAA, đồng thời cập nhật tuyên bố chung về hợp tác an ninh là bước quan trọng để hình thành hệ thống an ninh dựa trên mạng lưới tại khu vực này”.

Theo ông Nagao, suốt nhiều năm qua, an ninh trong khu vực này phụ thuộc vào hệ thống theo mô hình “trục và nan hoa”. Theo hệ thống này, dù đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Úc và Nhật không hợp tác với nhau. Hệ thống này phụ thuộc rất nhiều vào Washington. Tuy nhiên, cán cân quân sự Mỹ – Trung đã thay đổi. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự của họ lên 76% trong giai đoạn 2011 – 2020. Trong cùng thời kỳ, Mỹ đã giảm 10% chi tiêu quân sự. Vì thế, hệ thống “trục và nan hoa” không còn đủ để ngăn chặn các hành vi gây quan ngại của Trung Quốc. Do đó, Washington cũng muốn các đồng minh và đối tác như Úc và Nhật Bản… hợp tác nhiều hơn và chia sẻ gánh nặng an ninh. Giờ đây, thay vì hệ thống “trục và nan hoa”, mạng lưới “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ), AUKUS (thỏa thuận hợp tác ba bên Mỹ – Anh – Úc), hoặc các hợp tác an ninh song phương, ba bên, tứ giác khác đã tạo nên một hệ thống an ninh dựa trên mạng lưới ở Indo-Pacific. Theo mô hình, Nhật Bản và Úc là các quốc gia có ảnh hưởng, nên việc hợp tác song phương giữa 2 nước rất quan trọng.

“Bên cạnh đó, cùng với Mỹ, 3 thành viên còn lại của “bộ tứ an ninh” là Úc, Nhật Bản, Ấn Độ đều sở hữu khả năng tấn công tầm xa, thì Trung Quốc cần phải phân chia nguồn lực quân sự ra nhiều hướng nên cũng rất quan trọng”, TS Nagao phân tích và nhận định thêm: “Ngoài ra, dù Úc và Nhật không thành lập một liên minh chính thức, nhưng đã ký kết nhiều thỏa thuận như GSOMIA (Thỏa thuận chung về an ninh thông tin quân sự) để chia sẻ thông tin quân sự nhạy cảm, ACSA (Thỏa thuận thu nhận và dịch vụ tương hỗ)… Khi bổ sung thêm RAA thì Nhật – Úc đạt mức độ hợp tác sâu sắc hơn”.

Úc và Nhật Bản cập nhật tuyên bố chung về hợp tác an ninh song phương là sự thay đổi cần thiết để đối phó Trung Quốc phù hợp hoàn cảnh mới, theo ông Nagao.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới