Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLộ sách lược “ngoại giao cao bồi”

Lộ sách lược “ngoại giao cao bồi”

Lẽ ra Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) sẽ được tổ chức trong hai ngày 18- và 19/1 tới tại Siem Reap – Campuchia. Thế nhưng, hội nghị này bất ngờ bị hoãn.

Lý do phía Campuchia nêu ra là, do Bộ trưởng Ngoại giao nhiều nước thành viên ASEAN “chưa sẵn sàng tham dự”. Thật là một cách nói lấp lửng, đằng sau nó là chuyện gì?

Trước hết, cần khẳng định, đây là hội nghị quan trọng đầu tiên trong năm 2022. Campuchia với cương vị Chủ tịch ASEAN là chủ tọa hội nghị. Cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên này nhằm thảo luận hướng tới các quyết định và kế hoạch mà các nước đã nhất trí từ năm 2021. Hội nghị cũng sẽ bàn thảo về các sáng kiến mới thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN.

Phía chủ nhà nói tránh vậy thôi, thực ra Campuchia đã bị các nước trong khối tẩy chay. Sự kiện này nói lên hai điều: Ông Thủ tướng Hun Sen đã lộ rõ bản chất của một nhà chính trị theo đóm ăn tàn, trở thành cái đuôi của chính quyền Bắc Kinh; hai là ASEAN đã thể hiện sự trưởng thành, không một quốc gia nào có thể dễ dàng thao túng.

Đây mới chỉ là một mắt xích trong dây chuyền do Trung Nam Hải điều khiển. Chính quyền Bắc kinh sẽ còn sử dụng Samdech Hun Sen với mưu mô làm thất bại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), từ đó thực hiện chiến lược lát cắt salami, từng bước độc chiếm Biển Đông.

Vì sao Campuchia bất ngờ đình hoãn hội nghị. Số là Thủ tướng Hun Sen vừa thăm Myanmar trở về. Ông ta trở về và đã hứng chịu lời chỉ trích rất nặng từ phía các nhà lãnh đạo một số nước ASEAN: ông chủ của sách lược “ngoại giao cao bồi”.

Tại Myanmar, Hun Sen đã gặp Thống tướng Min Aung Hlaing và nói ý định sẽ mời ông Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng của cánh quân phiệt Myanmar tham dự hội nghị Siem Reap. Thật là một thách thức đối với bốn quốc gia nòng cốt ở ASEAN là Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia. Bốn quốc gia này đã thẳng thừng từ chối công nhận cánh quân đội làm binh biến là đại diện hợp pháp của Myanmar cho đến khi họ thực hiện cam kết hòa bình 5 điểm.

Trước đó, Campuchia đã phát tín hiệu rằng Phnom Penh sẽ không loại bỏ đại diện chính quyền quân sự Myanmar khỏi các cuộc họp của ASEAN trong năm 2022 khi mà Hun Sen giữ vai trò chủ tịch luân phiên.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khảng khái tuyên bố: Jakarta không thay đổi quan điểm cho đến khi chính quyền quân sự Myanmar thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” với ASEAN. Còn Thủ tướng Lý Hiển Long đã gọi điện cho Hun Sen sau khi ông này vừa trở về nước. Ông Lý đã thúc giục chủ tịch ASEAN, phải để tất cả các bên trong cuộc xung đột của Myanmar tham gia vào quá trình tìm giải pháp. ASEAN cần tiếp tục mời một đại diện “phi chính trị” từ Myanmar đến các cuộc họp của mình và bất kỳ quyết định thay đổi nào đều phải có sự bàn bạc trước.

Ông Hun Sen cố vớt vát rằng ông đã nêu một số sáng kiến về cách điều phối lệnh ngừng bắn và hỗ trợ nhân đạo ở Myanmar. Thế nhưng theo ông Lý Hiển Long thì những điều này có thể gây thêm phiền phức, vì thiếu sự tiếp cận một cách đầy đủ từ tất cả các bên.

Cách hành xử của Hun Sen có điều gì na na như Bắc Kinh từng làm hồi tháng 9/2021. Khi đó Trung Quốc đã ráo riết vận động ASEAN để cho cái gọi là “giới lãnh đạo” quân phiệt Myanmar được dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực. Nhưng rồi, các nước Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore đã quyết định không cho Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc.

Việc cấm các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Myanmar tham gia các cuộc họp đã làm thất bại của chính sách “cái gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc. Bản lĩnh tự cường và lập trường cứng rắn của các thành viên “rường cột” trong ASEAN đã tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam cũng như các nước khác trong toàn khối. Rõ ràng, không phải Trung Quốc muốn cản trở, muốn phá cái gì cũng được.

Từ lâu, Trung Quốc dùng Hun Sen để mặc cả với ASEAN, hòng chia rẽ sự cố kết trong khối. Vị Samdech này chắc chắn sẽ được Bắc Kinh “chăm sóc” chu đáo để gây khó khăn cho các cuộc đàm phán về COC. Thế nhưng con bài ấy đã bị lộ. Sự kiện hoãn họp là một gáo nước lạnh dội vào “quan hệ nồng ấm” Bắc Kinh Phnom Penh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới