Sunday, November 3, 2024
Trang chủQuân sựHải quân Việt Nam có thể mua tàu chiến cũ của Hàn...

Hải quân Việt Nam có thể mua tàu chiến cũ của Hàn Quốc

8 tàu chiến mà Hàn Quốc vừa loại biên dường như vẫn rất hữu dụng với những nước có tiềm lực hạn chế, trong đó có Hải quân Việt Nam.

Một tàu hộ vệ lớp Pohang thuộc loạt Flight IV.

Hàn Quốc loại biên 8 tàu chiến có khí tài hiện đại…

Theo Naval Today, hôm 28/12/2021, tại căn cứ hải quân Jinhae ở Changwon, Hải quân Hàn Quốc tổ chức buổi lễ “chia tay” 8 tàu chiến sau khi chúng hoàn thành sứ mệnh phục vụ.

Các tàu bị loại biên bao gồm 3 tàu hộ vệ tên lửa lớp Pohang Flight IV mang tên ROKS Wonju (số hiệu PCC-769), ROKS Seongnam (số hiệu PCC-775) và ROKS Jecheon (số hiệu PCC-776); và 5 tàu tuần tra cao tốc lớp Chamsuri mang số hiệu 313, 315, 317, 318, và 319.

Tất cả các tàu đều đã phục vụ trong Hải quân Hàn Quốc liên tục khoảng 40 năm trước bị loại biên. Cụ thể: Ba tàu lớp Pohang gia nhập biên chế trong giai đoạn 1988-1989, trong khi các tàu tuần tra lớp Chamsuri thì sớm hơn vài năm.

Theo truyền thông Hàn Quốc, việc loại biên các tàu trên dù chúng còn ở trong tình trạng kĩ thuật khá tốt, chỉ nhằm để trang bị các tàu chiến khác hiện đại hơn, giúp nâng cao năng lực tác chiến của Hải quân nước này.

Ví dụ: Các tàu hộ vệ lớp Pohang sẽ được thay thế dần bằng các khinh hạm lớp Incheon và lớp Daegu mới hơn (sau khi loại biên 3 chiếc hôm 28/12/2021, Hải quân Hàn Quốc chỉ còn 7 chiếc Pohang thuộc các phiên bản hiện đại). Còn các tàu tuần tra lớp Chamsuri sẽ phải nhường chỗ cho các tàu pháo – tên lửa cao tốc lớp Yun Youngha.

Theo Naval Today, nhiều khả năng các tàu chiến vừa bị loại biên này sẽ được viện trợ hay bán với giá rẻ cho các quốc gia thân thiện với Hàn Quốc, trong đó các tàu lớp Pohang có thể được chuyển giao cho các nước Đông Nam Á và châu Mỹ Latin.

Đến nay, Hàn Quốc đã chuyển giao nhiều tàu lớp Pohang cho hải quân Colombia (1 tàu Flight IV), Ai Cập (1 tàu Flight III), Peru (1 tàu Flight II và 1 tàu Flight IV), Philippines (1 tàu Flight III và 1 tàu Flight IV đang chờ chuyển giao),…

Giai đoạn 2017-2018, Hải quân Việt Nam cũng đã nhận được hai tàu hộ vệ lớp Pohang (Flight III) trong tổng số 4 chiếc mà Hàn Quốc từng đóng, lần lượt mang số hiệu mới là 18 và 20.

… cơ hội cho Hải quân Việt Nam?

Với quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng được củng cố, rất có thể nếu Việt Nam đề nghị thì phía Hàn Quốc sẵn sàng viện trợ, chuyển giao thêm một số vũ khí trang bị đã qua sử dụng, trong đó có các tàu chiến vừa bị loại biên.

Hiện nay, cả 4 tàu Flight III đều đã có chủ mới, nên những tàu Flight IV có thể được xem xét trong những đợt viện trợ tiếp theo (nếu có) của Hàn Quốc dành cho Việt Nam.

Có thể thấy, những tàu Pohang lớp Flight IV rất phù hợp với nhu cầu của Hải quân Việt Nam.

So với hai tàu Flight III mà Việt Nam đã nhận, các tàu lớp Pohang thuộc Flight IV hiện đại hơn. Về kết cấu tổng thể, Flight IV không khác nhiều so với Flight III đều có giãn nước đầy tải khoảng 1.200 tấn.

Loạt Flight IV được trang bị hệ thống động lực CODOG gồm động cơ turbine khí GE LM2500 và 2 động cơ diesel MTU 12V 956 TB82, cho phép đạt tốc độ tối đa 32 hải lí/h (59km/h), tầm hoạt động 4.000 hải lí (7.400km) ở tốc độ hành trình 15 hải lí/h (28km/h) với biên chế thủy thủ đoàn 95 người (10 sĩ quan).

Ưu điểm vượt trội của Flight IV so với Flight III nằm ở hệ thống điện tử: sử dụng radar điều khiển hỏa lực Marconi ST1802 và hệ thống chỉ thị mục tiêu quang điện tử Radamec 2400 thay thế cho loại Signaal WM28 và Signaal LIOD cũ hơn.

“Trái tim” của tàu là hệ thống quản lý chiến đấu tự động hóa WSA-423, một sản phẩm hợp tác giữa Samsung Aerospace Industries (sau này là Hanwha Systems) và Ferranti của Anh. So với hệ thống điều khiển hỏa lực Signaal SEWACO ZK kiểu cũ, WSA-423 hiện đại hơn rất nhiều.

Nếu được nhận viện trợ tàu Pohang Flight IV, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam sẽ có cơ hội được làm quen với hệ thống chiến đấu hiện đại WSA-423. Hệ thống này đang là xương sống của hệ thống chiến đấu hiện đại trong Hải quân Hàn Quốc, được mệnh danh là “Lá chắn Hải quân”.

Về hỏa lực, sự khác biệt lớn nhất chính là Flight IV được trang bị 4 tên lửa chống hạm Harpoon, điều này chứng tỏ ngay từ khâu thiết kế khung thân, loạt Flight IV đã được tính toán để mang phóng tên lửa, thay vì chỉ có pháo và ngư lôi như Flight III.

Mặc dù có thể khi chuyển giao, các bệ phóng tên lửa Harpoon nguyên bản trên tàu Flight IV sẽ được gỡ bỏ, nhưng kết cấu khung thân của chúng hội tụ đủ yếu tố rất thuận lợi, để nếu sau này điều kiện phép Hải quân Việt Nam có thể nâng cấp chúng thành tàu tên lửa.

Thêm tàu pháo cho Hải quân Việt Nam?

Không chỉ các tàu hộ vệ lớp Pohang Flight IV, mà các tàu tuần tra cao tốc lớp Chamsuri mà Hải quân Hàn Quốc vừa loại biên cũng được cho là rất phù hợp để bổ sung thêm sức mạnh cho Hải quân Việt Nam.

Lớp tàu này dài 37m, rộng 7m, giãn nước 170 tấn, trang bị hệ thống động lực CODAD với hai động cơ diesel MTU MD538 TU90, cho phép đạt tốc độ tối đa 37 hải lí/h (69km/h).

Tàu được trang bị radar cảnh giới STX RadarSys SPS-100k, pháo chính Bofors 40mm, hai pháo Gatling Sea Vulcan cỡ nòng 20mm, hai súng máy 12,7mm. Hỏa lực bắn nhanh này rất phù hợp để tác chiến tầm gần.

Sau khi thay thế lớp Chamsuri bởi các tàu tuần tra hiện đại hơn, Hàn Quốc đã chuyển giao chúng cho nhiều quốc gia khác như Philippines (ít nhất 8 chiếc), Đông Timor (3 chiếc), Bangladesh (4 chiếc), Kazakhstan (3 chiếc, mua với giá tượng trưng 100 USD/tàu), Ghana (1 chiếc). Ngoài ra, một số chiếc đã được dùng phục vụ các mục đích khác.

Vì vậy, nếu Hàn Quốc chuyển giao, chúng sẽ là sự bổ sung đáng kể cho đội tàu tuần tra gần bờ của Hải quân Việt Nam.

Mặc dù các tàu Chamsuri đã phục vụ Hải quân Hàn Quốc ngót 40 năm, nhưng điều đó vẫn chưa thể so sánh được với “thâm niên” phục vụ gần 70 năm của các tàu pháo 100 tấn K-62A lớp Thượng Hải trong biên chế Hải quân Việt Nam kể từ khi chiến đấu dưới màu “cờ đỏ sao vàng” từ năm 1965, một “kỉ lục” về sự bền bỉ.

Mặc dù các phân tích trên chỉ là dự báo, nhưng chúng ta có thể hy vọng Hải quân Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các tàu lớp Pohang Flight IV và Chamsuri, để gia tăng thêm sức mạnh chiến đấu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới