Thursday, April 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTân Hoàng Minh và FLC đang coi luật pháp là trò đùa?

Tân Hoàng Minh và FLC đang coi luật pháp là trò đùa?

Khi câu chuyện Tân Hoàng Minh thắng cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm còn chưa kịp lắng thì đã có thông tin DN này huỷ hợp đồng đấu giá. Nhiều chuyện xảy ra thời gian qua khiến người ta có cảm giác những ông lớn này đang khinh nhờn luật pháp.

Cách nay khoảng hơn 1 tháng, giới kinh doanh và người dân đã rất “choáng” khi Tân Hoàng Minh thắng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) với giá “trên trời”. Khi đó nhiều người dự đoán, sớm muộn gì DN này cũng sẽ “chạy làng”. Và đúng như dự đoán, chiều 11/1, đại diện Tân Hoàng Minh xác nhận ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn này đã có tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Theo Luật Đấu giá tài sản, hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có sự thỏa thuận giữa các bên sẽ dẫn đến hủy kết quả đấu giá. Trong trường hợp này là thỏa thuận giữa Công ty Ngôi Sao Việt cần thỏa thuận với Trung tâm quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM). Sau khi hủy kết quả, nếu các bên có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định.

Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng – bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.

Theo phân tích của các chuyên gia và những người am hiểu về tài chính, hành động của Tân Hoàng Minh khi cố tình bỏ giá cao chất ngất đã gây ra hệ luỵ đối với thị trường, tạo ra một đỉnh giá mới, ảnh hưởng đến việc cân đối kinh tế vĩ mô. Kết quả của cuộc đấu giá này đã khiến thị trường bất động sản dậy sóng, nguy cơ bong bóng bất động sản ở những khu đất đã được Nhà nước giao cho chủ đầu tư trước đây và làm “đóng băng” những dự án mới.

Doanh nghiệp, cụ thể ở đây là Tân Hoàng Minh được gì sau cuộc đấu giá? Vì sao họ sẵn sàng “nhả” khoản tiền gần 600 tỷ đồng để rút khỏi cuộc chơi… Câu hỏi này cần được làm rõ và những người liên quan có phải chịu trách nhiệm gì về những hệ luỵ họ gây ra hay không?

Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến cách hành xử của một DN lớn là FLC, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), ông Trịnh Văn Quyết đã thực hiện giao dịch bán hàng chục triệu cổ phiếu mà không báo cáo, không công bố thông tin. Giải thích cho điều này, ông Quyết cho rằng, những người giúp việc đã “hiểu sai” chỉ đạo của ông trước khi lên đường đi công tác ở nước ngoài. Ngay trong ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo chính thức về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết.

Hành xử của ông chủ hai DN lớn là Tân Hoàng Minh và FLC đang khiến dư luận bất bình đặt câu hỏi về tình trạng các doanh nghiệp lớn đang tỏ rõ sự coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương, đặt lợi ích của DN trên cả luật pháp và lợi ích của quốc gia. Đồng thời, đây cũng là dịp để xem xét “bịt” những kẽ hở để DN lợi dụng khi tham gia đấu giá rồi huỷ cọc hoặc cố tình làm sai… như thời gian qua nếu có bị xử phạt thì cũng không “nhằm nhò” gì so với những mưu mô, tính toán của DN.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới