Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa"Dự án TQ" tàn bạo ở Campuchia: Thiếu nữ sợ hãi, uống...

“Dự án TQ” tàn bạo ở Campuchia: Thiếu nữ sợ hãi, uống 40 viên thuốc ngủ để tự sát

Bị bán sang Campuchia với những hứa hẹn về công việc béo bở, các nạn nhân bị ép làm việc không ngừng bởi những tên trùm tàn bạo người Trung Quốc.

Nạn nhân của buôn người

Vào một buổi tối tháng 2/2021, Guo Ying, 16 tuổi, quê ở Quý Châu, vừa ăn xong bữa tối thì người bạn thân nhất của cô thông báo rằng chiếc xe đưa họ đi làm việc ở phía nam Trung Quốc đã đến.

Được tuyển dụng trên mạng xã hội bởi một người mà bạn của cô quen khi chơi trò chơi trực tuyến, những cô gái này có rất ít thông tin về công việc và ban đầu rất ngại lên xe. Những cô gái sống độc lập với gia đình chỉ biết rằng công việc liên quan đến việc đánh máy – một kỹ năng mà cả hai đều “thành thạo” khi chơi game.

“Chúng tôi không nghĩ nhiều về việc hỏi công việc đó là gì và không hiểu sao chúng tôi lại đồng ý lên xe”, Guo – một cô gái nhỏ nhắn với mái tóc hồng dài đến thắt lưng – nói.

Khi đến địa điểm đã định ở vùng núi Quảng Tây, cả hai gặp 4 người phụ nữ khác. Tuy nhiên, cả nhóm không hề biết rằng họ đang bị buôn bán đến một đất nước mà họ chưa từng nghe nói đến. Người dẫn đường thản nhiên giục họ tiếp tục bước đi trên địa hình gồ ghề.

“Trong khi leo núi, tôi đã bắt đầu hối hận khi đi cùng họ”, Guo nói. Đi bộ xuyên đêm, cả nhóm băng qua biên giới Trung Quốc, sau đó được chở đến thành phố cảng Sihanoukville ở phía tây nam Campuchia.

Khi tới đây, Guo bị cầm tù trong một khu sòng bạc phức hợp. Cô bé không được phép rời khỏi tòa nhà và buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến nhắm vào công dân Trung Quốc trong khi bị những kẻ cầm đầu liên tục lăng mạ và đe dọa. Nhiều lần, Guo tận mắt nhìn thấy một người giám sát còng tay và đánh đập một phụ nữ khác có thành tích kém trong công việc.

“Tôi sợ điều tương tự sẽ xảy ra với tôi ngay sau đó,” cô bé nói.

Vì vậy, Guo tiếp tục im lặng, ngoan ngoãn làm theo những gì được yêu cầu. Thủ đoạn lừa đảo rất đơn giản: sử dụng Douyin – phiên bản TikTok của Trung Quốc – để thuyết phục người dùng internet rằng họ có thể được trả tiền để thích nội dung trên nền tảng mạng xã hội.

Tất cả những gì người dùng phải làm là chuyển tiền vào tài khoản của những kẻ lừa đảo trước khi được chuyển lại khoản tiền lớn hơn mà họ được hứa hẹn. Ban đầu, người dùng được phép rút ra một ít tiền, nhưng sau đó người dùng bị thúc giục và dụ dỗ trả nhiều hơn.

“Tôi phải yêu cầu người dùng trả trước 100 nhân dân tệ, sau đó yêu cầu họ trả nhiều hơn, chẳng hạn như 500 nhân dân tệ, nhưng công ty tôi sẽ không trả lại khoản tiền đó cho người dùng,” Guo kể.

“Dự án Trung Quốc” ở Campuchia

Những kẻ bắt giữ Guo là người Trung Quốc ở Campuchia yêu cầu cô bé trả 15.000 USD để được tự do, nhưng cô không có số tiền đó. Mặc dù có nhiều tháng cô kiếm được tới 1.000 USD nhờ việc lừa đảo suốt ngày đêm trên Douyin – gấp 3 lần khoản tiền lương khi cô làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng lẩu ở quê nhà – những kẻ bắt giữ thường xuyên phạt lương của cô vì những hành vi mà chúng cho là không phù hợp.

“Một lần tôi nói chuyện bằng tiếng địa phương với một người ngồi cạnh tôi và chúng hỏi: Tại sao lại làm mất trật tự nơi làm việc như vậy và sau đó chúng trừ 100 USD từ tiền lương của tôi,” Guo nói.

Nhiều lúc, Guo đã lên kế hoạch bỏ trốn. Đến tháng 11, một người giám sát đe dọa sẽ bán cô ấy cho một tổ chức lừa đảo khác vì cô đã không đạt được mục tiêu đề ra. Guo đã suy sụp.

“Tôi đã uống thuốc ngủ với ý định tự sát”, Guo nói về 40 viên thuốc ngủ mà cô đã nuốt trong tuyệt vọng. “Tôi chỉ muốn tìm đến thế giới yên bình.”

Guo thức dậy ngày hôm sau trong một bệnh viện ở Sihanoukville. “Có lẽ vì tôi khá ngoan ngoãn nên khi tôi được điều trị ở bệnh viện, chúng không cử ai theo dõi tôi. Chúng không nghĩ rằng tôi sẽ bỏ chạy”, cô bé nói. Nhưng những kẻ bắt giữ cô đã mắc sai lầm lớn.

Guo ngay lập tức liên hệ với một nhóm tình nguyện Trung Quốc giúp đỡ nạn nhân buôn người và được chở đến một ngôi nhà an toàn ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Guo không phải là trường hợp duy nhất như vậy. Ước tính hàng nghìn công dân Trung Quốc, một số mới chỉ 15 tuổi, đã trở thành con mồi của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia, chuyên buôn người từ Trung Quốc sang Campuchia, mặc dù trước đó cảnh sát Campuchia cũng đã nêu ra những ước tính tương tự.

Nhiều người phải lao động vất vả như nô lệ, phục vụ cho các công ty đánh bạc và lừa đảo trực tuyến, nhấp chuột tới 14 giờ một ngày trong những căn phòng chứa đầy máy tính, không có ngày nghỉ, bị lính canh theo dõi và mắc kẹt trong vòng tù túng nợ nần.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới