Sunday, November 3, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội"Bão" Covid-19 với những hệ lụy tới thị trường lao động

“Bão” Covid-19 với những hệ lụy tới thị trường lao động

Đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần 4, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, việc làm. Năm 2022, những nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch vẫn chưa thể chấm dứt ngay được.

Thị trường lao động thu hẹp

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Covid-19 đã làm các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn. Thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn; lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng.

Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn năm 2020 khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động mất việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người, giảm 254,2 nghìn người so với năm trước.

Số lao động mất việc trong khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người, giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,2 triệu người, tăng 37,3 nghìn người so với năm trước. Số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm.

Một bộ phận lao động từ thành phố dịch chuyển về nông thôn, từ các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm về các địa phương khác có xu hướng gia tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 15/12/2021 có khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài, trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TPHCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.

Tình trạng trên phần nào dẫn đến nguy cơ gây mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ, khiến một số ngành thiếu hụt lao động như dệt may, da giày. Đồng thời, lực lượng này khi về quê cũng gặp khó khăn khi tìm việc mới.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm 2020; lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9% so với năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020.

Nhiều giải pháp phục hồi

Trước tình hình làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời.

Bộ đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ chú trọng củng cố thị trường lao động ở những địa bàn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có giải pháp khôi phục, phục hồi thị trường lao động ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức các cuộc họp trực tuyến của Bộ LĐ-TB&XH với các địa phương kinh tế trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Trong năm, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 xanh”. Nhiều địa phương đã có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung. Qua đó không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương.

Trong thời giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ chuẩn bị để mở rộng quy mô sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Những doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất thuộc các ngành ứng dụng công nghệ số nên nhu cầu tuyển dụng tập trung vào những lao động có tay nghề, lao động có trình độ về công nghệ thông tin, kỹ thuật số.

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong quý 4/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý 3/2021.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Nhiều giải pháp phục hồi và vận hành thị trường lao động trong năm 2022

Trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường các giải pháp nhằm khôi phục nhanh, duy trì và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung – cầu lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến; thúc đẩy chuyển dịch lao động sang làm việc tại khu vực chính thức thông qua hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động. Thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Bên cạnh đó, công tác ổn định và mở rộng thị phần tại các thị trường ngoài nước đang tiếp nhận lao động Việt Nam được chú trọng; chuẩn bị nguồn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi thị trường các nước mở cửa trở lại. Tăng cường công tác tạo nguồn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động sinh sống tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới