Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThuốc nào chữa được bệnh tham ô hủ bại?

Thuốc nào chữa được bệnh tham ô hủ bại?

Mới đây, bê bối tình dục giữa Cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ 75 tuổi và công chúa quần vợt Bành Soái 35 tuổi được chính Bành Soái vì ấm ức mà tiết lộ ra, khiến dư luận Trung Quốc và thế giới xôn xao. Vụ việc Trương Cao Lệ, nếu có thật, thì chỉ là một chuyện trong nghìn lẻ một chuyện hủ bại của quan trường Trung Quốc đã bị phanh phui; khiến người ta phải rùng mình ớn lạnh…

Bê bối tình dục giữa Cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ 75 tuổi và công chúa quần vợt Bành Soái 35 tuổi. (Ảnh ghép minh hoạ)

Tại sao căn bệnh hủ bại lại lan nhanh hơn cả ôn dịch COVID trong xã hội Trung Quốc? Vì sao nhiều kẻ đã bị bắt, bị xử tử, mà vẫn có bao người mới tiến vào vòng xoáy hủ bại đó? Có cách nào thoát khỏi vũng bùn lầy này không?

Bê bối tình ái của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc

Tối muộn ngày 2/11, nhà vô địch quần vợt nữ thế giới năm 2013, người được mệnh danh là công chúa quần vợt Trung Quốc – Bành Soái đã đăng Weibo gây sốc về mối quan hệ không đúng đắn giữa cô và cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc – Trương Cao Lệ.

Bài đăng của cô tồn tại trên mạng internet trong 20 phút rồi bị xoá nhưng tin tức này đã lan rộng ra cả nước ngoài.

Trong chương trình Chính luận thiên hạ đăng ngày 3/11, Giáo sư Chương Thiên Lượng nhận định rằng: câu chuyện của Bành Soái không phải tự dưng mà có, bởi vì trong đó có thời gian, địa điểm và tình tiết cụ thể.

Bành Soái đề cập rằng, sau khi Trương Cao Lệ thôi giữ chức Phó Thủ tướng sau Đại hội 18, ông ta đã thông qua bác sĩ họ Lưu ở Trung tâm Quần vợt Thiên Tân để liên lạc với Bành Soái. Sau đó Bành Soái đã cùng với ông ta chơi quần vợt ở Toà nhà Khang Minh, Bắc Kinh. Khi ấy vợ của Trương Cao Lệ là bà Khang Khiết cũng ở đó. Sau khi chơi xong, họ mời Bành Soái đến thăm nhà.

Sự việc xảy ra tiếp theo thật sự khiến nhiều người khó tin. Hai vợ chồng Trương Cao Lệ đã ép Bành Soái quan hệ với Trương Cao Lệ, sau đó vợ ông Trương còn canh gác ở bên ngoài.

Bành Soái viết, “Tôi rất sợ. Buổi chiều hôm đó, tôi lúc đầu đã từ chối, tôi không thể kìm được nước mắt. Dưới sự sợ hãi và bối rối (…) tôi đã nhượng bộ và chúng tôi đã quan hệ tình dục, còn vợ của Trương Cao Lệ thì đứng canh bên ngoài”.

Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, nếu sự việc này không có thật thì Bành Soái không cần phải viết như thế này.

Theo tiết lộ của Bành Soái, mối quan hệ của họ bắt đầu từ 10 năm trước, bị gián đoạn trong 7 năm ở giữa. Trương Cao Lệ, Khang Khiết và Bành Soái giống như 1 chồng 2 vợ, Khang Khiết là vợ cả và Bành Soái giống như tiểu thiếp (vợ bé) của ông ta. Bành Soái không có danh phận và bị Khang Khiết châm chọc chế nhạo nên cô không thể chịu nổi và bỏ đi. Ngày 30/10, Bành Soái có cuộc cãi vã lớn với gia đình của Trương Cao Lệ, sau đó cô đã đăng bài lên Weibo tố cáo ông Trương.

Sự việc này là thật hay giả, hiện tại vẫn chưa xác nhận được, nhưng Giáo sư Chương cho rằng, hễ ai hiểu được chốn quan trường của ĐCSTQ, thì 95% trong số họ sẽ tin đây là sự thật khi xem Weibo này.
Phần nổi của tảng băng chìm…

Tờ Le Monde của Pháp vào ngày 11 tháng 11 vừa qua đã đăng một bài viết nói rằng: đảng viên có quan hệ ngoài hôn nhân, “mại dâm” hoặc “nuôi bồ nhí” là những cáo buộc rất phổ biến của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật ĐCSTQ khi truy tố các quan chức. Trước đây, một số thông tin được lan truyền bởi cư dân mạng thỉnh thoảng vạch trần hành vi tham nhũng của một số quan chức và khiến những quan chức này bị định tội. Nhưng kể từ những năm 2010, với việc siết chặt kiểm duyệt mạng xã hội, đặc biệt là dưới thời Tập Cận Bình chấp chính, thì những thông tin như vậy hầu như không thể được tiết lộ nữa.

Dù vậy, nhiều quan chức “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập với cáo trạng được công khai cũng đủ khiến người dân choáng váng với mức độ hủ bại của giới chức nước này, trong đó bao gồm cả các nữ quan chức.

Theo SCMP đưa tin, Giáo sư Jin Yinan, cựu giám đốc viện nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA,​​ tiết lộ rằng: nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội Trung Quốc dành phần lớn thời gian và sức lực vào việc xây dựng các mối quan hệ, trong khi chỉ dành 10% thời gian cho huấn luyện và nâng cao kỹ năng chiến đấu.

Ví dụ điển hình là Thiếu tướng Cao Tiểu Yên, nữ tướng đầu tiên của PLA bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình. Bà Cao bị bắt do nhận hối lộ, tham gia vào việc rút ruột công trình xây dựng nhà ở cho cán bộ của viện Quân y 309. Việc bắt giữ bà Cao còn liên quan đến vụ án tham nhũng lớn khác của một viên tướng quyền lực trong PLA – ông Cốc Tuấn Sơn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần – mang hàm Trung tướng. Theo đó, bà Cao đã nảy sinh mối quan hệ bất chính với ông Cốc khi ông này về viện Quân y 309 thị sát tình hình. Chưa hết, để lên được quân hàm Thiếu tướng, bà Cao thậm chí còn ‘lên giường’ với Thượng tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương – người cũng bị bắt vì tham nhũng nhưng sau đó chết vì ung thư.

Báo chí còn đưa tin, thời gian qua ở Trung Quốc đã có không ít nữ quan chức “ngã ngựa” vì một tội danh: “tham nhũng để làm đẹp”. Các quan bà này nhận hối lộ từ các tổ chức, cá nhân thông qua dịch vụ làm đẹp xa xỉ, có khi lên tới hàng mấy trăm nghìn đô-la Mỹ.
Nhà dột từ nóc…

Có câu nói rằng: “Nhà dột từ nóc”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Sở dĩ quan trường Trung Quốc nhiều kẻ tham ô hủ bại như trên, là vì ngay từ các lãnh tụ tối cao của ĐCSTQ như Mao Trạch Đông và Giang Trạch Dân đã nổi tiếng với lối sống xa hoa hủ bại rồi.

Lý Chí Tuy là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, đã ở bên Mao suốt 22 năm cho đến tận khi ông ta xuống mồ. Ông đã viết cuốn «Hồi ức bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông» sau khi ông thoát khỏi cái lồng xã hội u tối dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Hồi ký tiết lộ: Trong 28 năm Mao cai trị Trung Quốc, rất ít khi ông ta sống ở Bắc Kinh mà chủ yếu trú tại nhiều hành cung khác nhau trên khắp cả nước, cuộc sống hoan lạc không thua gì vua chúa. Trong cảnh lạc thú cõi trần như thế, Mao làm sao mà biết được đời sống khổ cực của nhân dân thế nào.

Còn Giang Trạch Dân thì sao? Tác giả Vương Hữu Quần (Wang Youqun), người từng công tác trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã viết trên The Epoch Times ngày 4/11/2021 như sau:

“Thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền và làm “Thái thượng hoàng” (từ năm 1989-2012) là “thời kỳ hoàng kim” để các tham quan ô lại của ĐCSTQ “âm thầm phát đại tài”. Giang Trạch Dân dùng “tham nhũng để điều hành đất nước”, chủ yếu với hai thủ đoạn lớn: thứ nhất, đề bạt và trọng dụng hàng loạt các phần tử tham nhũng nghiêm trọng; thứ hai, phóng túng cho con trai ông ta là Giang Miên Hằng, vừa được thăng quan vừa tạo điều kiện cho làm kinh tế”.

“Dưới sự lãnh đạo của hai “ngọn cờ đầu” Giang Trạch Dân và Giang Miên Hằng, vòi bạch tuộc tham nhũng trong ĐCSTQ đã len lỏi theo 2 con đường sau:

Đầu tiên là từ Giang Trạch Dân đến các quan chức cấp trung ương của đảng, chính phủ và quân đội, sau đó là các quan chức cấp cao của đảng, chính phủ và quân đội tại 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, cho đến tận chủ nhiệm các ủy ban khu phố, thôn ở cấp cơ sở nhất, hầu như không có quan chức nào không tham nhũng.

Thứ hai là từ Giang Miên Hằng đến con cái của tầng lớp quyền quý các cấp, bao gồm con trai, con gái, cháu trai, cháu gái, con rể, cháu rể, dì bảy dì tám… Tất cả đều dùng tiền đổi quyền, dùng quyền đổi tiền, dùng quyền đổi sắc, còn có kẻ giết người hại mệnh, không điều ác nào là không làm.

Hai dòng chảy đục bẩn này tuôn ra từ cội nguồn chung là “Gia tộc Giang Trạch Dân” và hòa vào các gia tộc quyền lực khác trong ĐCSTQ – được gọi với tên chung là “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân”. Nó giống như trận hồng thủy do vỡ đập, dòng lũ [xú uế] cuồn cuộn tràn ra toàn Trung Quốc, rồi lan ra toàn thế giới. Ở mọi ngóc ngách trên thế giới, ở đâu có các quan chức ĐCSTQ, thì ở đó nhất định có giao dịch quyền, tiền, sắc”.
Đâu là lối thoát?

Quay trở lại câu chuyện về Cựu Phó thủ tướng Trương Cao Lệ – người vừa dính bê bối tình dục với ngôi sao nữ quần vợt Bành Soái. Ông ta là con người thế nào? Giáo sư Chương Thiên Lượng tiết lộ rằng: Tháng 5/2006, Trương Cao Lệ đang là Bí thư Tỉnh uỷ Sơn Đông, Giang Trạch Dân lại đến Sơn Đông để du sơn ngoạn thuỷ.

Như mọi người đã biết, chùa Long Tuyền nằm trong Công viên Bách Mạch Tuyền ở huyện Chương Khâu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, được xây vào những năm Cảnh Thái triều Minh.

Trên một bức tường của chùa Long Tuyền có khắc 3 chữ: Chân – Thiện – Nhẫn. Chúng ta biết rằng Chân – Thiện – Nhẫn là nguyên lý chỉ đạo tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp [Pháp Luân Công] – môn tu luyện khí công thượng thừa thuộc Phật gia, mà Giang Trạch Dân lại rất sợ 3 chữ này. Trước sự phổ truyền nhanh chóng của Pháp Luân Công, vì nỗi sợ hãi ảo tưởng về quyền lực chính trị bị ảnh hưởng, Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp vô nhân đạo và đẫm máu lên những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp kể từ 1999 đến nay. Để làm hài lòng, không cho lãnh đạo thấy 3 chữ Chân – Thiện – Nhẫn khi đến Sơn Đông, Trương Cao Lệ đã cho người dùng xi-măng trét phủ 3 chữ này, sau đó sơn màu đỏ phủ lên.

Chúng ta thử suy nghĩ: Lãnh tụ của một đất nước mà thù ghét ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn, quan lại phía dưới lại hùa theo, thì bộ máy ấy đang tôn thờ điều gì? Ngược lại với Chân – Thiện – Nhẫn chẳng phải là Giả – Ác – Đấu hay sao?

Chính quyền ĐCSTQ với bản chất Giả – Ác – Đấu đã từng bước phá huỷ văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tốt đẹp của người Trung Hoa, đánh đổ lý niệm thiện ác hữu báo, tước đoạt linh hồn của đất nước Trung Quốc. Ở xã hội Trung Quốc ngày nay có câu rằng: “Chê kẻ nghèo hèn chứ không chê phường kỹ nữ”, nhân phẩm và đạo đức bị chà đạp, rẻ rúng; trong khi tiền quyền, tình sắc lên ngôi. Quan chức thì tham ô hủ bại, doanh nghiệp thì làm hàng giả hàng độc hại, sinh viên thì đổi tình lấy điểm, bác sĩ thì ăn chặn tiền của bệnh nhân… pháp luật dù có nhiều điều khoản lên, người ta vẫn xoay sở đủ chiêu trò làm việc xấu.

Chiến thắng được Giả – Ác – Đấu chỉ có Chân – Thiện – Nhẫn. Chỉ khi con người khôi phục lại tín ngưỡng chân chính, nhân tâm hướng thiện, thì mới giải quyết được tận gốc các vấn nạn của xã hội ngày nay.

Thay cho lời kết, trước khi khép lại bài viết, xin gửi tặng quý vị độc giả một đoạn thơ trong kiệt tác “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân:

Đại đan chẳng tiết phải lo gìn,
Hoạn nạn khó thành giận ác duyên.
Đạo ở thánh truyền tu tại ngã,
Thiện do người tích phú do Thiên.
Lục căn buông xổng nhiều tham dục,
Nhất tịnh khai thông thấy bản nguyên.
Vô tư vô ái thanh tịnh đến,
Ấy là giải thoát được siêu nhiên…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới