Friday, April 19, 2024
Trang chủQuân sựBóng ma “Chiến tranh lạnh” đã quay trở lại?

Bóng ma “Chiến tranh lạnh” đã quay trở lại?

Nguy cơ cuộc “chiến tranh lạnh mới” với một bên là Mỹ và đồng minh, một bên là hai cường quốc Nga-Trung Quốc đang ngày một hiện hữu với những động thái cứng rắn của các bên liên quan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều này được thể hiện rất rõ qua các trục quan hệ Mỹ-Trung, Nga-Trung và Nga-Mỹ. Trong cuộc gặp trực tiếp diễn ra vào đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã ra tuyên bố chung về mối quan hệ đối tác mới, khẳng định quan hệ này “vượt trội so với các liên minh chính trị-quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong chiến lược, chính quyền của Tổng thống Biden cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế và thông qua một mạng lưới liên minh mạnh mẽ.

Dù không nhắc tới cái tên Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn là vấn đề nổi bật trong tài liệu mới được công bố của Mỹ với mục tiêu là nhằm chống lại những gì mà Washington coi là hành vi gây hấn và cưỡng ép.

Những động thái răn đe này của Mỹ, Nga và Trung Quốc đang khiến dư luận lo ngại bóng ma “Chiến tranh lạnh” có thể quay trở lại.

Liên minh Nga-Trung sắp thành lập?

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Vladimir Putin đã đánh dấu một cấp độ hợp tác mới giữa Nga và Trung Quốc. Bây giờ nó không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế và thương mại thuần túy, mà là một liên minh địa chính trị mới.

Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc “về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu” được các nhà lãnh đạo hai nước thông qua, được coi là biểu tượng cho sự chuyển đổi sang một cấu trúc mới về cơ bản của quan hệ quốc tế, đánh dấu sự khởi đầu của một “kỷ nguyên địa chính trị mới.”

Từ bây giờ, sự thống trị của phương Tây toàn cầu do Mỹ lãnh đạo sẽ không còn được coi là đương nhiên, không được chấp nhận.

Theo các chuyên gia, sự hiện diện của Trung Quốc với tư cách là một đồng minh sẽ cho phép Nga củng cố vị thế của mình trên chính trường thế giới, cũng như giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Việc Trung Quốc ủng hộ các yêu cầu của Nga đối với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh, thể hiện trong tuyên bố chung của hai nước, có thể được Moscow sử dụng như một con át chủ bài trong đối thoại với các nước phương Tây.

Về phần mình, Trung Quốc có thể dựa vào Nga về mặt quân sự để củng cố vị thế trong cuộc đối đầu với Mỹ. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.

Tính toán của Trung Quốc

Trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ cùng Mỹ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới nước này – chuyến thăm mở đường cho sự hình thành chính thức mối quan hệ song phương giữa hai nước, thì có một thực tế là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã trải qua những thay đổi sâu sắc nhất kể từ chuyến thăm này của Tổng thống Nixon sau khi cựu Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Đến khi Tổng thống Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng, mọi thứ dường như không thay đổi khi ông tuyên bố coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” và không ngừng tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh và ngoại giao, thậm chí khiến cuộc cạnh tranh này trở nên có hệ thống, mang tính phe cánh và ý thức hệ hơn.

Trung Quốc luôn phản đối một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng trước hàng loạt động thái của Mỹ nhằm vào mình, Bắc Kinh nhận ra rằng họ và Nga đang ở trong một tình thế địa chính trị như nhau.

Có chuyên gia Trung Quốc ví Bắc Kinh, Moscow và Washington ngày nay như thế chân vạc trong “Tam Quốc diễn nghĩa” trước kia.

Đối diện với sự bủa vây của Mỹ và đồng minh, việc Trung Quốc ngày càng xích lại gần hơn với Nga là điều hoàn toàn dễ hiểu. Mỹ có đồng minh, Trung Quốc càng cần điều đó vì nước này hiểu rằng Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới trong một thời gian dài.

Thách thức với Mỹ và đồng minh

Việc Trung Quốc và Nga bắt tay nhau sẽ đặt ra những thách thức đối với Mỹ, các đồng minh và đối tác trong việc tìm kiếm các giải pháp cho hàng loạt vấn đề khu vực và toàn cầu, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran đến căng thẳng trên eo biển Đài Loan, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên biển Hoa Đông, Biển Đông, tình hình tại Afghanistan.

Tuy nhiên, thách thức trực tiếp và cấp bách nhất hiện nay chính là căng thẳng leo thang giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Nga xoay quanh vấn đề Ukraine và đang có nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự quy mô nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Trước câu hỏi của các phóng viên ngày 06/02 liệu ông có lo ngại trước việc Nga xích lại quá gần Trung Quốc hay không, Tổng thống Biden đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ nói rằng “không có gì mới về việc này”.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới khi tháp tùng Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Australia vào tuần trước, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng cuộc gặp ngày 04/02 giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp cho thấy Bắc Kinh thừa nhận hành động của Moscow đối với Kiev là “hợp pháp”.

Quan chức này lưu ý, sự liên kết Nga – Trung cần phải được coi trọng một cách nghiêm túc và nhấn mạnh Mỹ không thể hạ thấp điều đó.

Kịch bản một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”

Mặc dù trong cuộc điện đàm trực tuyến hồi cuối năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định 3 nguyên tắc trong quan hệ Trung-Mỹ là “tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng”, nhưng rõ ràng cả hai nước đều đang tìm kiếm quyền lực và ảnh hưởng, cũng như cản trở hoặc kiềm chế lẫn nhau.

Tuyên bố chung vừa đạt được giữa Trung Quốc và Nga trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Putin mới đây đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước để chống lại sự ngăn cản của Mỹ và các nước phương Tây.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ leo thang và nguy cơ bùng nổ chiến sự của cuộc khủng hoảng Ukraine, bản tuyên bố này đã được đánh giá là trực tiếp thách thức trật tự quốc tế và hệ thống giá trị an ninh và ngoại giao do Mỹ dẫn đầu.

Có chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do để Trung Quốc và Mỹ không muốn gọi đây là “Chiến tranh Lạnh”, nhưng dường như họ đang tiếp cận theo cách đó.

Sở dĩ nó có thêm từ “mới” bởi cùng với việc cạnh tranh quyết liệt về chính trị, quân sự, thương mại, công nghệ…, hai siêu cường vẫn hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, thương mại…

Giới quan sát cho rằng dù cạnh tranh Mỹ – Trung được gọi tên là gì, thì nguy cơ xung đột giữa hai bên vẫn rất cao và rất đáng lo ngại.

Nếu kịch bản tồi tệ đó xảy ra, tức một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và bên kia là Trung Quốc và Nga, sẽ không chỉ tác động rất tiêu cực và trực tiếp đến các bên liên quan, mà còn gây ra những hậu quả lớn cho toàn thế giới.

Bởi vì, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trên thế giới hiện quá lớn, hoàn toàn khác xa giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Cần phải lưu ý rằng Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng tăng trên toàn cầu.

Sức mạnh và vị thế của nước Nga đã bị suy giảm ở mức độ nhất định những năm gần đây, song nước Nga vẫn là nguồn cung cấp tới 40% năng lượng cho châu Âu và lục địa già sẽ còn phải phụ thuộc vào Moscow ít nhất hàng thập kỷ tới.

Hơn nữa, Trung Quốc và Nga là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên sức nặng “lá phiếu phủ quyết” của hai nước này sẽ là nhân tố quyết định đối với mọi nghị quyết và giải pháp mà cần tới sự can thiệp của cơ quan quyền lực đa phương lớn nhất thế giới này.

Do vậy, dù muốn hay không, Mỹ và các đồng minh phương Tây, Trung Quốc và Nga cũng cần phải lưu ý tới những giá trị cốt lõi và mối quan ngại của bên kia. Chỉ cần một bên toan tính sai lầm sẽ khiến cả thế giới vốn rất dễ tổn thương hiện nay phải hứng chịu những hậu quả khó lường.

Theo Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Giáo sư, Trưởng Bộ môn Châu Âu học, Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Tổng hợp St. Petersburg Konstanchin Khudolei, thì tính chất của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa các bên hiện nay là có.

Tuy nhiên, thế giới hiện đại phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với thế giới lưỡng cực của chiến tranh lạnh trước đây, do Mỹ và Liên Xô dẫn đầu hai phe đối kháng lẫn nhau về mọi mặt (ý thức hệ, chạy đua vũ trang, địa chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, v.v) và không thể hòa giải. Còn quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện nay đã khác so với thời Chiến tranh Lạnh.

Nó có các yếu tố của cả hai cực, vì trên quy mô toàn cầu, Mỹ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng nhất và tính lưỡng cực, do sự nổi lên của Trung Quốc với một nền kinh tế hùng mạnh trên trường thế giới, và đa cực, do sự hiện diện của Nga, theo đuổi một chính sách độc lập và các tác nhân khác.

Nếu trong những năm Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ là trung tâm trong hệ thống quốc tế thì bây giờ không phải như vậy. Vai trò chính được thực hiện bởi quan hệ giữa một số quốc gia (tam giác Nga-Mỹ-Trung, cũng như Liên minh châu Âu, Ấn Độ và một số quốc gia khác).

Kết quả là làm giảm khả năng kiểm soát của các quá trình trên thế giới, điều này khó có thể trở lại mức của Chiến tranh Lạnh và thế giới lưỡng cực.

“Chiến tranh Lạnh mới” giữa Nga và phương Tây không phải là cuộc xung đột của các hệ thống chính trị – xã hội hay nền văn minh đối kháng, mà là cuộc đối đầu về cấu trúc của thế giới hiện đại và luật chơi trên trường quốc tế.

Điều này có nghĩa là một thỏa hiệp là có thể, nhưng việc giải quyết nó sẽ vô cùng phức tạp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới