Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCần xem lại cách điều hành giá xăng dầu của Bộ Công...

Cần xem lại cách điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương

Nhiều chuyên gia cho rằng khan hiếm xăng dầu khiến nhiều cửa hàng bán lẻ “găm hàng”, đóng cửa… ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt do chính sách điều hành còn bất ổn.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành xăng dầu gần đây đã lộ ra nhiều vấn đề.

Nghị định 95/2022 có hiệu lực từ ngày 2/1 quy định một tháng sẽ có ba lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 – mỗi lần cách nhau 10 ngày. Tuy vậy, kỳ điều chỉnh giá gần nhất chậm 10 ngày so quy định do ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết.

Việc nghỉ điều hành giá vì Tết đã khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào thua lỗ, không dám nhập hàng để bán hoặc bán cầm chừng, thậm chí “găm hàng” chờ lên giá. Trong khi người tiêu dùng lãnh đủ do không mua được xăng dầu để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Điều hành giá không ổn

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều hành xăng dầu gần đây đã lộ ra nhiều vấn đề, Bộ Công Thương, Tài chính cần điều hành linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng xăng dầu, tránh những “cú sốc” cho nền kinh tế.

“Xăng dầu thời gian qua vừa khan hiếm lại vừa tăng cao kỷ lục, đó là do còn bất cập trong chính sách điều hành giá xăng dầu hiện tại”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần đã gần diễn biến thị trường hơn. Nhưng do kỳ điều chỉnh ngày 1/2 trùng với ngày Tết âm lịch nên cơ quan quản lý để đến ngày 11/2 mới điều chỉnh giá. Thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh như vậy là quá dài.

Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng trưởng nóng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên cao. Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ rơi vào thua lỗ nếu bán với giá quá thấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải bán cầm chừng, thậm chí đóng cửa để tránh âm vốn.

“Nhưng từ đó ta mới thấy điều hành giá của Bộ Công Thương là không ổn. Nếu trùng vào mùng 1 Tết thì có thể dời sang mùng 2, mùng 3, hoặc điều chỉnh trước đó. Để tận đến 11 thì rõ ràng là bất ổn, cho thấy sự thụ động hoàn toàn, không chịu tư duy làm cho phù hợp, không đặt mình vào vị trí của người kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, làm cho diễn biến xăng dầu trở nên căng thẳng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia về thị trường giá, cũng cho rằng điều hành giá xăng kỳ vừa qua về nguyên tắc thì đúng theo Nghị định 95 nhưng thực tế chưa linh hoạt, còn bất ổn. Trong bối cảnh thị trường có biến động về giá cả, cung cầu mà không điều chỉnh đúng chu kỳ cho phù hợp sẽ tác động tiêu cực đến thị trường, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

“Giá xăng dầu thế giới thời gian qua biến động mạnh, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào thua lỗ, dẫn đến phá sản, buộc phải nghỉ bán”, ông Long nói.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương?

Ngoài việc điều hành giá bị động, thiếu linh hoạt, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cơ quan quản lý lĩnh vực là Bộ Công Thương cũng phải chịu trách nhiệm trong việc khan hiếm xăng thời gian qua.

Ông Thịnh cho rằng Bộ Công thương khi việc cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề, với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương phải tìm cách bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt, đảm bảo nhu cầu sản xuất của nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.

“Từ đây ta cũng thấy cái dở của Bộ Công Thương trong việc chủ động chỉ đạo nhập khẩu gia tăng để đảm bảo nhu cầu trong nước. Đồng thời cũng phải truyền thông để người dân, doanh nghiệp bớt lo lắng. Như vậy trong điều hành xăng dầu còn bất ổn”, ông Thịnh nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cho rằng để tình trạng thiếu xăng dầu ở các cửa hàng, phải đóng cửa bán hàng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương.

“Bộ Công Thương không chỉ điều hành giá và liên quan đến giá, mà trọng trách lớn nhất là đảm bảo cung ứng xăng dầu. Khi thị trường thiếu nguồn cung, cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp ngay để chấm dứt tình trạng này”, ông Ánh nhấn mạnh.

Về hướng điều hành, cung ứng, điều tiết để tránh đứt đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian tới và kìm đà tăng nóng của xăng dầu, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng lâu dài cần thay đổi cơ chế điều hành, nên để cho thị trường quyết định. Muốn vậy phải rút ngắn kỳ điều chỉnh và nhà nước dần dần buông ra. Tuy nhiên lộ trình và thực hiện thế nào thì cần tính toán vì đây là mặt hàng chiến lược.

Ngoài ra, có cơ cơ chế dự trữ để dự trữ xăng dầu 3 tháng, 6 tháng, thậm chí 1 năm.

PGS.TS Ngô Trí Long thì cho rằng để hạ bớt sức nóng của giá xăng dầu hiện tại, cơ quan nhà nước phải bám sát thị trường, điều hành linh hoạt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách ký kết mua hàng trong tương lai, ký hợp đồng trước, khi giá cả biến động sẽ không ảnh hưởng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới