Saturday, April 20, 2024
Trang chủQuân sựPhòng tuyến sông Cầu của Việt Nam năm 1979 để chống TQ

Phòng tuyến sông Cầu của Việt Nam năm 1979 để chống TQ

Thật may cho quân Trung Quốc xâm lược khi chúng nhanh chóng rút quân. Nếu liều lĩnh tiến sâu xuống phía Nam, phòng tuyến Sông Cầu và ải Chi Lăng sẽ là mồ chôn của chúng!

Trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam, kể từ bậc tiểu học trở đi, “Phòng tuyến sông Cầu” thường được nhắc đến như một công trình quân sự hoành tráng, giúp quân đội của triều đình nhà Lý đánh bại 10 vạn quân xâm lược của nhà Tống vào năm 1077. Điều này chắc hẳn độc giả ai cũng biết.

Tuy nhiên, điều ít ai biết, đó là “phòng tuyến sông Cầu” không chỉ được xây dựng một lần trong lịch sử: Hơn 900 năm sau, đã có một “phòng tuyến sông Cầu” được tái lập để chặn đứng quân xâm lược Trung Quốc, trong cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979.

Phòng tuyến sông Cầu 900 năm trước

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhân dân ta đã nhiều lần phải chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của thế lực phong kiến hùng mạnh phương Bắc.

Trong các cuộc chiến đấu đó có rất nhiều kế sách hay đã được ông cha ta áp dụng. Một trong những kế sách đáng kể là xây dựng phòng tuyến sông Cầu hồi thế kỷ XI.

Để đánh Việt Nam, các thế lực phong kiến phương Bắc thường tiến theo hai con đường:

– Đường thủy: chúng thường cho thủy quân men theo bờ biển, vào cửa Bạch Đằng theo sông Kinh Thày, sông Đuống đánh lên Thăng Long.

– Đường bộ chúng thường tiến theo hai hướng: qua Cao Bằng hoặc qua Lạng Sơn, trong đó chủ yếu là hướng Lạng Sơn vì khoảng cách đến Thăng Long vừa gần, đường lại dễ đi.

Có một điều đáng chú ý là cả hai hướng tiến quân này muốn về được Thăng Long – kinh đô của Đại Việt đều phải vượt qua sông Cầu – con sông khởi nguồn từ Cao Bằng, đổ nước về Lục Đầu Giang ở vùng Phả Lại. Ngay cả thủy quân của quân địch muốn đến Thăng Long cũng phải qua đây.

Khi phát hiện ra âm mưu xâm chiếm Đại Việt của nhà Tống, trước tiên nhà Lý đã dùng kế “tiên phát chế nhân” đánh sang châu Khâm, châu Liêm, và châu Ung để hủy diệt cơ sở hậu cần chuẩn bị chiến tranh của giặc.

Sau đó, quân ta đã chủ động rút về nước. Nhận thấy vị trí trọng yếu của Sông Cầu, Thái úy Lý Thường Kiệt đã quyết định lợi dụng con sông này để xây dựng một phòng tuyến ngăn chặn quân xâm lược.

Sông Cầu có địa thế phức tạp: Đoạn thượng lưu rất hiểm trở, khó qua lại. Đoạn từ Thái Nguyên đến Đa Phúc, dễ vượt hơn, nhưng một khi qua được, lại gặp phải dãy núi Tam Đảo án ngữ.

Thành ra, chỉ có đoạn sông dài gần 100km từ Đa Phúc đến Phả Lại, đặc biệt là khúc 30km từ Ngã Ba Xà (nơi sông Cà Lồ gặp sông Cầu) đến Thị Cầu (Thành phố Bắc Ninh hiện nay) là dễ qua lại hơn cả.

Và Lý Thường Kiệt đã chọn khúc sông này làm trọng điểm xây dựng phòng tuyến. Khúc sông này còn có tên là sông Như Nguyệt nên phòng tuyến này cũng còn được gọi là phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Được khởi công xây dựng từ giữa năm 1076 với sự tham gia đông đảo của binh lính và dân phu, phòng tuyến sông Cầu có một khối lượng xây dựng hết sức đồ sộ. Trước hết, quân ta phải đắp một lũy đất, cạp theo bờ nam của sông với khối lượng đào đắp lên đến hàng triệu m3 đất.

Lũy đắp xong rồi thì xây dựng một trận địa chông chà, rào tre và cọc nhọn ở mặt trước, trải dài suốt bãi sông, chạy từ chân lũy ra tới mép nước. Hàng rào phòng thủ này làm tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của tuyến lũy đất, tạo thành một công trình thổ mộc quốc phòng phức hợp và lợi hại, rất khó công phá.

Để bảo vệ phòng tuyến là một lực lượng khá hùng mạnh, gồm cả quân bộ và quân thủy được bố trí dày đặc: 300 chiến thuyền của quân thủy dàn trận ngay trên mặt nước bờ nam, sát trận địa chông chà ở phía trước chiến lũy. Khoảng 6 vạn bộ binh đứng chân thành tuyến trận và các chốt trọng điểm, mé sau công trình thổ mộc quân sự này.

Ở đầu phía đông của chiến lũy, tại vùng Lục Đầu Giang – Phả Lại, chủ soái Lý Thường Kiệt còn cho xây dựng một căn cứ quân thủy rất mạnh gồm 400 chiến thuyền, giao cho hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn phụ trách, có nhiệm vụ: hỗ trợ bảo vệ phòng tuyến sông Cầu và ngược sông tấn công quân địch một khi chúng tràn đến bờ bắc phòng tuyến.

Phòng tuyến sông Cầu và thế bố trí quân sĩ như vậy đã phát huy hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 1076- 1077.

Ngày 08/01/1077, lực lượng bộ binh của đại quân nhà Tống bắt đầu tràn qua biên giới theo ngả Lạng Sơn. Vượt qua những trận đánh cản đường của “quân Thượng Du”, chúng kéo đến bờ bắc sông Cầu ngày 18/01/1077. Tại đây, chúng dừng lại chờ thủy quân đến hội sư để vượt sông đánh về Thăng Long.

Nhưng các đạo thủy quân nhà Tống đã bị đạo quân của tướng Lý Kế Nguyên chặn đánh trên biển, không tiến được một bước nào đến cửa Bạch Đằng mà vào Lục Đầu Giang, đến bờ bắc sông Cầu để hội sư được. Quá sốt ruột, chánh tướng Quách Quỳ đành ra lệnh cho bộ binh tự túc việc vượt sông.

Lần thứ nhất, quân Tống bắc cầu phao nhưng chỉ sang được một ít quân kỵ bộ, chưa kịp mở đường tiến về Thăng Long thì đã bị quân phòng giữ ở mé sau chiến tuyến vây đánh, đồng thời bị các chiến thuyền dàn trước mặt chiến tuyến kéo tới đe dọa phá cầu phao, nên đành phải rút quân chạy về.

Lần thứ hai, Quách Quỳ cho đóng bè lớn, mỗi chiếc chở một lần được đến 500 quân. Nhưng mới chở quân sang được đợt đầu, đang dở dang việc phá trận địa chông chà trước chiến lũy, chưa kịp chở quân sang tiếp các đợt sau, thì đã bị cả quân bộ lẫn quân thủy của Đại Việt đổ đến tiêu diệt. Quân giặc đành lui về cố thủ bên bờ Bắc.

Chính lúc này, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dùng bài thơ “Nam quốc sơn hà” đánh đòn tâm lý rồi cho chuyển sang phản công từ đầu tháng 03/1077, và giành thắng lợi lớn.

Quân Tống tổn thất nặng cộng với những khó khăn do bị các cánh “quân Thượng Du” quấy phá, chẹn đường vận chuyển, tiếp tế lương thảo, đã lâm vào thế bại vong.

Chớp thời cơ, Lý Thường Kiệt cử thuyết khách sang trại giặc bàn hòa. Không mong gì hơn thế, vào đầu tháng 03/1077, giữa ban đêm, Quách Quỳ ra lệnh cho quân sĩ “vội vàng, hấp tấp, giẫm đạp lên nhau mà tháo chạy về nước”- như chính sử nhà Tống đã chép.

Lúc đã chạy được về nước, quân nhà Tống kiểm điểm lực lượng thấy: 10 vạn chiến binh chỉ còn sống sót được hơn 2 vạn; 20 vạn binh phu, chết mất hơn 8 vạn. Chiến phí: hơn 5 triệu lạng vàng, tan ra mây khói. Còn đạo quân thủy, chôn chân ngoài vùng biển cho đến khi có lệnh kết thúc chiến tranh, thì mới lục đục trở về!

Trong thắng lợi vĩ đại của Đại Việt trước nhà Tống, phòng tuyến sông Cầu đã góp công xứng đáng.

Tái lập “phòng tuyến sông Cầu” chặn quân xâm lược

Lịch sử thường lặp lại: Trong thế kỉ XX, dân tộc Việt Nam lại phải đứng trước cuộc tấn công từ phương bắc.

Sáng sớm ngày 17/02/1979, giới cầm quyền Bắc Kinh phát động cuộc tiến công xâm lược Việt Nam với sự tham gia của khoảng 600.000 quân, 300.000 dân binh cùng hàng nghìn phương tiện chiến tranh khác như xe tăng, đại bác… Cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc bắt đầu!

Trước sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Việt Nam mà chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ, công an vũ trang (biên phòng) và bộ đội địa phương, sau hơn 2 tuần quân xâm lược đã phải dừng bước, mà chỉ chiếm được một vài thị xã, thị trấn vùng biên.

Hoảng sợ trước khả năng hứng đòn phản công của các lực lượng chủ lực Việt Nam đang từ Campuchia trở về, ngày 05/03/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân.

Nhìn thấu dã tâm của những kẻ theo “chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán” mặc dù chịu rút quân song không bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược và làm suy yếu Việt Nam, Nhà nước Việt Nam tuyên bố Tổng động viên và chuẩn bị mọi mặt để đánh bại mọi mưu toan xâm lược từ phương Bắc.

Một lần nữa, một phòng tuyến mới lấy sông Cầu làm trung tâm được dựng lên.

Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm tác chiến hiện đại, phòng tuyến sông Cầu thế kỷ XX có nhiều điểm khác biệt so với phòng tuyến sông Cầu 900 năm trước cả về quy mô, nội dung và hình thức.

Về quy mô phòng tuyến không chỉ bó hẹp dọc theo nam ngạn con sông mà mở rộng lên phía bắc với chiều sâu vài chục km. Từ bờ bắc sông Cầu đến biên giới Việt Trung, trên mỗi ngọn núi, mỗi quả đồi đều có hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu với sự đóng góp công sức của hàng triệu dân công, sinh viên các trường đại học, cao đẳng… dưới sự hướng dẫn của bộ đội.

Về mặt nội dung, xây dựng phòng tuyến không chỉ đơn thuần là xây dựng trận địa, đào hào đắp lũy, mà là xây dựng các khu vực phòng thủ gắn với từng địa phương, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ Quốc, đảm bảo mỗi làng xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.

Về mặt lực lượng, Bộ chỉ huy tối cao đã có kế hoạch tăng cường cho các hướng. Ngay trong ngày 18/02/1979, và liên tục những ngày tiếp theo, một số đơn vị của Quân khu 3, Quân khu 4, các đơn vị dự nhiệm của các tỉnh Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, thành phố Hải Phòng… đã được điều chuyển lên tăng cường cho các mặt trận ở tuyến đầu.

Về mặt chỉ huy, để thống nhất chỉ đạo tác chiến chống xâm lược, tại các tỉnh biên giới phía bắc đã thành lập các “mặt trận”: Toàn bộ các lực lượng vũ trang nhân dân của Bộ Quốc phòng, của Quân khu, và của địa phương, kể cả lực lượng công an nhân dân vũ trang, cảnh sát, dân quân tự vệ … được thống nhất dưới sự chỉ huy chung, để dồn toàn lực đánh trả quân địch.

Chỉ huy các Bộ Tư lệnh Mặt trận là những tướng lĩnh nổi tiếng: Mặt trận Cao Bằng do Thiếu tướng Đàm Văn Ngụy chỉ huy, Mặt trận Quảng Ninh do Thiếu tướng Sùng Lãm chỉ huy, Mặt trận Lạng Sơn do Thiếu tướng Hoàng Đan – nguyên Phó giám đốc Học viện Quốc phòng chỉ huy…

Về nhậm chức, tướng Hoàng Đan tuyên bố: “Quân đối phương muốn tiến về Hà Nội phải bước qua xác tôi ở đèo Sài Hồ”. Đó cũng là quyết tâm của quân dân các tỉnh biên giới.

Để tăng cường sức mạnh phòng thủ và chuẩn bị phản công, Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định thành lập các quân đoàn mới làm “quả đấm thép”: Quân đoàn 5 (sau đổi là Quân đoàn 14) do tướng Hoàng Đan làm Tư lệnh, Quân đoàn 8 (sau đổi thành Quân đoàn 26) do tướng Đàm Văn Ngụy làm Tư lệnh. Đây đều là những quân đoàn có lực lượng rất hùng hậu cả về lực lượng và trang bị.

Xây dựng “phòng tuyến sông Cầu” thế kỉ XX không chỉ bằng chiến hào, quân số, hay vũ khí, mà còn là xây dựng về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật tác chiến phù hợp với đặc điểm, điều kiện của thời đại; quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực; vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa tác chiến vừa củng cố, xây dựng lực lượng tại chỗ, duy trì sức mạnh chiến đấu lâu dài.

Thật may cho quân xâm lược khi chúng nhanh chóng rút quân. Nếu liều lĩnh tiến sâu một chút xuống phía Nam, phòng tuyến Sông Cầu và ải Chi Lăng sẽ là mồ chôn của chúng.

Cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc kết thúc với phần thắng thuộc về chính nghĩa của nhân dân Việt Nam anh hùng!

Cách nhau gần một thiên niên kỷ song phòng tuyến sông Cầu của hai thời đại đều đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và để lại những bài học quý giá cho hậu thế sau này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới