Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBí ẩn kho báu ở Tam Điệp, Ninh Bình

Bí ẩn kho báu ở Tam Điệp, Ninh Bình

Kho báu ở Tam Điệp là có thật nhưng chưa phát hiện chính xác nơi cất giấu, hay là trò đùa của ai đó để thử thách lòng tham và sự kiên trì của người đời sau?

Dưới những dãy núi trùng điệp của Tam Điệp, Ninh Bình còn chứa đựng biết bao điều bí ấn.

Năm 1995, báo Lao Động đăng mẩu tin nhỏ cỡ bao diêm “Chính phủ ra quyết định ngừng khai quật kho báu ở Tam Điệp, Ninh Bình”. Mẩu tin khiến tôi vô cùng tò mò: Kho báu ấy có từ thời kỳ nào? Nó có gì? Tại sao Chính phủ lại ngừng khai quật…? Tôi quyết định chạy xe máy xuống Tam Điệp…

Đêm mùa đông thời bao cấp. Gió lạnh quay quắt từng cơn. Thời đó người ta rét vì đói, rét vì thiếu áo ấm, chăn dầy, không phải rét vì nhiệt độ xuống quá thấp. Mới 7h tối nhưng thị xã Ninh Bình vắng lặng nên ông Cường quyết định đóng cửa quán. Đang khép cánh cửa gỗ, bất ngờ một bóng người ẩn hiện trong bóng tối hiện ra khiến ông giật mình. Bóng người ấy rõ dần, tiến lại phía quán.

Đó là một cụ ông cao tuổi, thân hình bé nhỏ. Cụ khoác áo tơi lá, đầu đội mũ lá. Trong ánh sáng yếu ớt của bóng đèn điện, ông Cường nhìn rõ đôi mắt cụ rất sáng, ngược hẳn với dáng vẻ mệt mỏi của người thiếu ăn. “Tôi cần gạo nhưng không có tiền, tôi có cái ấm đồng, đội ơn ông đổi cho mấy cân gạo, cho bao nhiêu xin tùy, tôi không dám đòi hỏi”.

Vốn thương người, ông bảo vợ đong cho cụ chục lon. Vợ ông vào nhà lúc sau mang cái bị cói gạo ra đưa cho cụ và cầm lại cái ấm. Cụ cám ơn rồi đi. Bóng hình cụ hòa vào bóng tối. Chợt nhớ ra điều gì, ông Cường hỏi vợ đong cho cụ già mấy lon, vợ ông bảo 4 lon. Ông bắt đong thêm 8 lon nữa, nhưng vợ ông cằn nhằn: “Trong thùng chỉ còn có 5 lon nữa thôi, cửa hàng lương thực thông báo gạo chưa về, đưa hết mai lấy gì mà hốc”. “Nhịn một bữa có chết đâu!”, ông quát. Người vợ mặt nặng như đá vào vét nốt chỗ gạo.

Ông cầm bọc gạo đuổi theo, song kỳ lạ không thấy cụ già đâu. Một người cao tuổi đói ăn sao có thể mất hút nhanh đến vậy. Hay cụ thấy có người đuổi sợ đòi lại gạo nên trốn vào bụi cây ven đường? Rồi ông lại nghĩ, có khi cụ là tiên?

Rồi ông quay về xem cái ấm, nó không có gì đặc biệt, đó là cái ấm đồng mà nhiều gia đình vẫn sử dụng. Ông sai vợ mang xuống bếp. Vợ ông cằn nhằn: “Dầy bỏ bố, đun tốn củi!”. Nghe vợ nói có lý, củi thời bao cấp cũng bán theo bìa nên ông nhét cái ấm vào gậm giường.

Cuộc sống gian khó trôi cho đến khi đổi mới. Ông cũng chẳng biết làm gì khác ngoài bán bún, uống nước chè, tán gẫu với hàng xóm. Một hôm nghe người ăn bún bàn chuyện săn lùng đồ cổ. Chợt nhớ đến cái ấm đồng đổi gạo cho cụ già năm nào, ông lôi ra súc rửa, nhưng vòi ấm bị tắc, ông ngó nghiêng phát hiện có chất gì đó bịt kín đầu vào và đầu ra. Lấy dao nhọn hì hục cậy, ông giật mình phát hiện bên trong có cuộn giấy. Tờ giấy màu vàng ố có 9 chữ Nho.

Đêm đó ông trằn trọc không ngủ được, không biết chữ đó có nghĩa gì, ông mong trời nhanh sáng để đi hỏi. Nhưng cái thị xã nhỏ, thưa dân, ít người học cao. Hỏi mãi cuối cùng người ta cũng chỉ cho ông một anh biết chữ Nho, làm ở sở văn hóa. Tuy nhiên anh cũng không đọc được.

Rồi anh cho ông địa chỉ cụ già tên Lành hiện đang sống ở thành phố Thái Nguyên, người mà theo anh sẽ giúp được. Hôm sau, ông đi tàu lên xứ Chè. Trước khi đi, ông bắt vợ khâu cái túi nhỏ bên trong chiếc quần đùi để giấu tờ giấy. Xuống tàu, ông lê la uống nước chè ở mấy quán để hỏi thăm, cuối cùng cũng tìm được nhà cụ.

Cụ như ông tiên trong truyện cổ tích, tóc bạc trắng, mặt hiền từ. Cụ quê gốc Hải Dương. Cha tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục bị Pháp truy lùng đã dắt vợ con cùng mấy bồ sách trốn lên vùng này. Từ nhỏ cụ được học chữ Hán, lại sẵn nhà có sách, cụ chỉ ăn rồi đọc, cơm áo gạo tiền đã có cụ bà lo.

Sau khi nghe ông trình bày, cụ Lành soi đi soi lại kính lúp lên tờ giấy một lúc rồi bảo: “Có tới ba lớp chữ viết chồng lên nhau! Cả thảy là 27 chữ. Người viết có tài dùng mực. Ba hàng chữ là ba màu mực, mắt thường khó có thể phân biệt. Sự siêu việt của người viết là chồng ba hàng chữ lên nhau nhưng các nét chữ vẫn tách bạch”. Rồi cụ giảng giải, lớp thứ nhất chữ to nhất, lớp thứ hai nhỏ hơn và lớp thứ ba nhỏ nhất. Phải mất hai ngày cụ mới bóc tách được ba lớp chữ.

“Đây là chúc thư của người xưa chỉ dẫn một kho báu ở núi Ngọc trên đất Tam Điệp, Ninh Bình. Chúc thư nói kho báu này có 3.000 lạng vàng, 1.000 lạng bạc và 800 viên ngọc hồng bích. Chúc thư cũng dặn nếu người nào tìm được thì phải hiến 1/3 cho quốc gia, còn lại làm từ thiện và chỉ được lấy một phần”.

Nghe cụ nói, ông lặng người, không thể ngờ mảnh giấy đó lại là một chỉ dẫn có thể sẽ làm thay đổi đời ông. Tuy nhiên, chúc thư không nói rõ vị trí của kho báu mà rất chung chung: “Giờ Ngọ lên đỉnh núi chùa, bóng đâu đào đấy ắt là có ăn”. Cụ Lành giải thích cho ông, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh các chúa Đàng Ngoài giấu của cải ở nhiều nơi vì người xưa quan niệm “Giảo thố tam quật” (thỏ khôn, hang phải có 3 ngách). Trước khi ông ra về cụ động viên: “Cũng chẳng dễ dàng, nhưng anh cứ thử vận may”.

Về đến nhà, lập tức ông đạp xe đạp xuống Tam Điệp hỏi vào núi Chùa, dân chỉ ngay. Núi Chùa còn có tên khác là núi Ngọc. Tại sao lại có tên núi Ngọc? Hay vì núi có ngọc nên dân gọi là núi Ngọc? Ông lên kế hoạch rồi dốc hết số tiền dành dụm vào thuê đất quanh núi nuôi vịt. Thăm dò ròng rã hàng năm trời vẫn không thể tìm thấy chỗ nào là cửa hang.

Biết tự mình không thể tìm được, cuối năm 1991, ông quyết định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, lúc này vừa tách ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh. Ông mang chúc thư, bản dịch trình bày nhưng cán bộ ủy ban từ chối. Họ không nói thẳng, nhưng ông biết đằng sau họ cho ông là kẻ ảo tưởng, thần kinh có vấn đề. Song ông kiên trì, ngày nào cũng ăn vạ ở ủy ban nên chủ tịch tỉnh Ninh Bình khi đó là ông Nguyễn Đức Khiêm đành gật đầu.

Tuy nhiên tỉnh không thể tự làm việc đó. Ông Khiêm gửi công văn báo cáo và xin phép Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Võ Văn Kiệt đồng ý, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh. Theo sự chỉ dẫn của ông Cường, sau nhiều tháng trời sức lính cuồn cuộn nổ mìn gạt đá mà chẳng thấy kho báu đâu. Cuối cùng Chính phủ ra quyết định dừng khai thác.

Gặp ông Cường ở thị xã Ninh Bình, nói chuyện cả buổi, tôi thấy ông hoàn toàn bình thường, không có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh hoang tưởng. Tôi muốn xem cái ấm nhưng ông Cường bảo đã bán và không nhớ bán bao nhiêu vì lúc đó đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ngọc và vàng. Có nhiều nghi vấn xung quanh cụ già và cái ấm. Cụ già ở đâu? Chắc chắn cụ biết cái ấm bị bịt đầu ra lẫn đầu vào nhưng tại sao cụ không cậy ra xem bên trong có gì? Hay chính cụ là tác giả của trò đùa đó? Nếu là đồ quý sao cụ chỉ lấy có mấy cân gạo? Nói như cụ Lành thì viết ba loại chữ chồng lên nhau bằng ba thứ mực khác nhau đâu phải dễ vậy thì ai đã viết chúc thư đó? Tôi đưa ra một loạt câu hỏi nhưng ông Cường trả lời: “Tôi từng trăn trở như anh nhưng không thể tìm được câu trả lời. Bất cứ ai ở vào trường hợp của tôi thì phải đi tìm kho báu đã”. Tôi vào ủy ban xin gặp ông Khiêm để hỏi về bản chúc thư, ông Khiêm trả lời tỉnh không giữ vì khi gửi công văn lên Chính phủ đã đính kèm.

Sau này tôi có việc trở lại Ninh Bình, thị xã xinh đẹp một thời nhưng ám bụi vì ống khói của nhà máy nhiệt điện giờ đưa bụi vào đã lên thành phố. Những con phố với dãy nhà cấp 4 đã biến mất, thay vào là nhà cao tầng nên tôi không thể tìm được nhà ông Cường. Hỏi nhiều người nhưng chẳng ai còn nhớ chuyện cũ.

Tôi xuống Tam Điệp, thị trấn nhỏ lèo tèo hàng quán nay đã nâng cấp lên thị xã. Tôi vào núi Ngọc, vết xẻ vẫn còn nhưng dây dại chằng chịt, thời gian đã che đậy câu chuyện xưa. Có thể kho báu là có thật, nhưng chưa phát hiện chính xác nơi cất giấu hoặc có thể là trò đùa của ai đó để thử thách lòng tham và kiên trì của người đời sau?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới