Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNguy cơ chiến tranh nóng, đừng quên chiến tranh lạnh

Nguy cơ chiến tranh nóng, đừng quên chiến tranh lạnh

Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử thế giới phải đề phòng nguy cơ hai cuộc chiến tranh cùng lúc xảy ra: Chiến tranh nóng và Chiến tranh lạnh mới. Chiến tranh nóng thì đang hiện hữu kể từ hôm 24/2 Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” trừng phạt “người anh em cứng đầu” Ukraine.

Chiến tranh nóng, thậm chí có thể dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ ba đang ở ngay trước cửa các nhà lãnh đạo các cường quốc. Vào đêm 1/3 (giờ Mỹ) trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky còn gọi điện đề nghị ông Biden thể hiện giọng điệu mạnh mẽ và gây chú ý về xung đột Nga – Ukraine.

Tại cuộc điện đàm chớp nhoáng, Zelensky thúc giục Biden đưa ra thông điệp “hữu ích” cho chính phủ Ukraine và tránh những tuyên bố mơ hồ về bày tỏ ủng hộ mà không được thể hiện bằng hành động. Ông cũng đề nghị Tổng thống Mỹ thể hiện quan điểm quyết liệt trong thông điệp này.

Về cuộc chiến tại Ukraine, Biendong.net sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin và bình luận.

Trong bài viết này chúng tôi đi sâu phân tích về nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Từ khi Tổng thống Biden thay thế người tiền nhiệm Donald Trump, mọi đường lối chính sách đối với Trung Quốc dường như không thay đổi. Ông tuyên bố coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” và không ngừng tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, khiến cuộc cạnh tranh trở nên có hệ thống, mang tính phe cánh và ý thức hệ cao hơn so với thời Trump.

Trước những động thái mà Bắc Kinh cho rằng “điên cuồng” của Mỹ, Trung Quốc thấy rõ họ và Nga đang ở trong một tình thế địa chính trị như nhau. Theo bình luận của một học giả Trung Quốc, Bắc Kinh, Moscow và Washington thời hiện đại đang ở thế chân vạc trong “Tam Quốc diễn nghĩa” – một tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng của La Quán Trung.

Làm gì để đè bẹp âm mưu và ý chí của Washington? Chỉ có một con đường Trung Quốc xích lại gần hơn với Nga. Mỹ có nhiều đồng minh thuộc loại “khỏe”, cùng với việc xây dựng “Bộ tứ kim cương”, rồi AKUS, thì không lẽ gì Trung Quốc và Nga đơn thương độc mã.

Trung Quốc và Nga liên minh với nhau chặt chẽ (chưa nói tới liên minh quân sự) sẽ đặt ra những thách thức đối với Mỹ. Song, thách thức trực tiếp và cấp bách nhất chính là căng thẳng leo thang giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Nga chung quanh vấn đề Ukraine.

Trong cuộc điện đàm trực tuyến hồi cuối năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định ba nguyên tắc trong quan hệ Trung – Mỹ: “tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng”. Thế nhưng, một đất nước đang âm thầm và quyết liệt theo đuổi “Giấc mơ Trung Hoa” vươn lên bá chủ thế giới thì không thể có cái khái niệm mơ hồ “cùng thắng”. Cả hai quốc gia luôn tìm cách cản trở hoặc kiềm chế lẫn nhau.

Còn giữa Trung Quốc và Nga. Trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Putin mới đây đã khẳng định, tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước để chống lại sự ngăn cản của Mỹ và các nước phương Tây. Trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ leo thang và nổ ra chiến tranh Ukraine, bản tuyên bố này đã thách thức trật tự quốc tế và hệ thống giá trị an ninh và ngoại giao do Mỹ dẫn đầu.

Dù không ai muốn gọi đây là “Chiến tranh Lạnh”, nhưng dường như sự thật đang diễn biến theo cách đó. Gọi là chiến tranh lạnh mới bởi vì, tuy cạnh tranh quyết liệt về chính trị, quân sự, thương mại, công nghệ… hai siêu cường vẫn hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, rõ nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, thương mại.

Có mấy vấn đề đáng chú ý, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng lớn trên toàn cầu. Còn Nga, sau khi tấn công Ukraine, uy tín của Kremlin đã tuột dốc thê thảm. Tuy nhiên, Nga vẫn là nguồn cung cấp tới 40% năng lượng cho châu Âu và lục địa già sẽ còn phải phụ thuộc vào Moscow trong vài thập niên tới.

Thế giới ngày nay phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với thế giới lưỡng cực của chiến tranh lạnh trước đây, do Mỹ và Liên Xô dẫn đầu hai phe đối kháng. Còn quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện nay đã khác so với thời kỳ 1945-1975. Nếu trong những năm Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ là trung tâm trong hệ thống quốc tế thì nay đã khác xa. Giữ vai trò chi phối là quan hệ giữa một số quốc gia: tam giác Nga-Mỹ-Trung; Liên minh châu Âu, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

“Chiến tranh Lạnh mới” giữa Nga và phương Tây không phải là cuộc xung đột của các hệ thống chính trị – xã hội, hay nền văn minh đối kháng. Đó là cuộc đối đầu về cấu trúc của thế giới hiện đại và luật chơi trên trường quốc tế. Thấy rõ nguy cơ và ngăn chặn nó là trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các cường quốc.

Bàn về chiến tranh lạnh ngay khi nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng đang nổ ra cũng ở giữa lòng châu Âu, là việc tuy hai mà một. Bởi suy cho cùng nó đều xuất phát từ sự tính toán cục bộ, từ tham vọng bá chủ thế giới. Cần phải đoàn kết lại. Cần coi trọng hợp tác và đấu tranh nhưng chú ý đấu tranh ngoại giao mới là điều cốt lõi. Mọi cuộc chiến tranh gây mất ổn định, thương vong cho người dân, cần được lên án và loại bỏ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới