Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNghị quyết của Đại hội đồng LHQ: Thắng lợi về chính trị

Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ: Thắng lợi về chính trị

Khẩn cấp triệu tập Hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) để quyết định một vấn đề trọng đại, Hội nghị hôm 2/3 đã thắng lợi, tuy không trọn vẹn. Thời mà chính sách “ngoại giao cây tre” đang thịnh hành thì khó có vấn đề gì đạt đến sự đồng thuận tuyệt đối.

Tính chất cấp thiết của Hội nghị đã được Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ: Yêu cầu ý kiến các thành viên phải “kịch liệt và rõ ràng”, phải nhấn mạnh: “Nga hãy chấm dứt ngay các hành động quân sự của ở Ukraine”. Ông nói: “Tình hình đang rất tồi tệ đối với người dân Ukraine lúc này, nó có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Đồng hồ đang đếm ngược như một quả bom hẹn giờ”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, nhiều thành viên bày tỏ thái độ căm phẫn đối với hành động xâm lược của Nga. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ Olof Skoog cho rằng, cuộc bỏ phiếu hôm nay “không chỉ về Ukraine”, mà cần hiểu rộng hơn, đó là, “việc bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà tất cả chúng ta đã ký kết”.

Đại đa số các thành viên đồng tình với quan điểm nêu trên. Đúng là “quả bom hẹn giờ” đang treo lơ lửng trên đầu một thế giới hòa bình. Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang tuy không chỉ đích danh Nga, nhưng đã lên án mạnh mẽ các cuộc chiến tranh quái gở trong thời đại ngày nay, bắt nguồn từ “các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Phải nói đây là một bài phát biểu hiếm có của đại diện Việt Nam, vì Nga vốn là một đối tác chiến lược toàn diện, có tình hữu nghị truyền thống, quan hệ kinh tế, chính trị mật thiết với Việt Nam.

Những tưởng Nghị quyết sẽ được thông qua với đa số phiếu, nhưng rồi chỉ có 141 phiếu tán thành trong tổng số 193 phiếu. Cuba, Venezuela, và Trung Quốc, Việt Nam… nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng. 5 nước bỏ phiếu chống bao gồm: Nga, Belarus, Bắc Hàn, Eritrea và Syria.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân đã khéo léo nói sang vấn đề “kỹ thuật” của việc thông qua nghị quyết. Ông Trương lập luận: nghị quyết đã không có “sự tham vấn đầy đủ với toàn bộ thành viên” đại hội đồng. Thêm nữa, “Nghị quyết cũng không xem xét đầy đủ về lịch sử và sự phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngoài ra, không nêu bật tầm quan trọng của nguyên tắc an ninh không thể chia cắt hoặc sự cấp thiết của việc thúc đẩy hòa giải chính trị và đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao… do đó, không phù hợp với các lập trường nhất quán của Trung Quốc”.

Vậy là, ông Trương đã tránh trả lời thẳng vào câu hỏi, anh đồng tình hay phản đối việc Nga xâm lược Ukraine – một quốc gia từng một thời là giọt máu trên giọt máu dưới trong cái bào thai Liên bang Xô-viết vĩ đại?

Mặc dù vậy, Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ được xem là một thắng lợi lớn về chính trị. Ít nhất là một đòn cảnh cáo nặng nề đối với Matxcơva. Tuy Nghị quyết không mang giá trị pháp lý, nhưng nó lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, yêu cầu Nga phải ngay lập tức ngưng sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại Ukraine, ngay lập tức và vô điều kiện rút toàn bộ quân đội khỏi đất nước xinh đẹp này.

Nghị quyết một lần nữa khẳng định, mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này. Đó là thái độ dứt khoát cảu thế giới ngày nay, không để xảy ra một tiền lệ xấu, dùng quân sự vào mục đích chính trị, dùng xác thịt và hành động vũ phu thay thế cho đạo đức và lí lẽ.

Có thể nói thái độ dứt khoát của Hội nghị hôm 2/3 đã tiếp sức cho các quốc gia cứng rắn, kiên quyết hơn trong việc trừng phạt hành động ngông cuồng của chủ nghĩa Slavơ, cũng như chủ nghĩa Đại Hán. Mấy ngày qua, các nước phương Tây tiếp tục gia tăng gây sức ép lên Nga, thông qua những lệnh cấm vận.

Hôm 3/3, Mỹ ban hành thêm lệnh cấm vận đối với Nga và Belarus, gồm việc kiểm soát xuất khẩu nhắm vào ngành lọc dầu của Moscow và các công ty hỗ trợ quân đội Nga và Belarus. Theo AP, trong số những biện pháp mới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ kiểm soát việc xuất khẩu thiết bị chiết xuất dầu khí cho Nga nhằm hạn chế năng lực lọc dầu của nước này trong dài hạn. Nhà Trắng mở rộng các lệnh hạn chế xuất khẩu đã áp dụng đối với Nga hồi tháng trước lên Belarus, cho rằng việc này sẽ ngăn chặn việc chuyển giao thiết bị, công nghệ trong nhiều lĩnh vực từ Belarus sang Nga.

Mặc cho các nước phương Tây gia tăng sức ép đối với Nga, Đại diện Trung Quốc ngày 2/3 tuyên bố sẽ không áp đặt bất kỳ lệnh cấm vận tài chính nào đối với Nga về hành động quân sự tại Ukraine. Ông Quách Thụ Thanh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc – nói trong cuộc họp báo rằng: “Bắc Kinh phản đối trừng phạt Moscow”.

Lần này thì Bắc Kinh nói đi đôi với làm. Đã công khai chuyện bỏ phiếu trắng thì dứt khoát phải nói như thế. (Đương nhiên chỉ là ý kiến của một quan cấp… Bộ). Theo đó mà suy, một ngày nào đó bất ngờ Trung Quốc xua quân đánh chiếm Đài Loan, hay thôn tính hòn đảo nào đó trong vùng tranh chấp trên Biển Đông là cũng theo “cái lý có chân” này. Rằng “già đòn non nhẽ”. Phải dậy cho những “kẻ cứng đầu” một bài học, bất chấp mọi quy định của luật pháp quốc tế (!).

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới