Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Mỹ chỉ gửi quân tới châu Âu nhưng không...

Tại sao Mỹ chỉ gửi quân tới châu Âu nhưng không phải Ukraine

Các biện pháp trừng phạt đối với Nga và viện trợ cho Ukraine được đưa ra từ nhiều hướng. Tuy nhiên, việc bố trí quân đội tại Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO, là ranh giới mà Mỹ và các đồng minh phương Tây khác không sẵn sàng vượt qua, CNN đưa tin ngày 28/2.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với CNN hôm Chủ nhật rằng, chính quyền Joe Biden “đã nói rõ” Mỹ sẽ không đưa bộ binh tới Ukraine. “Chúng tôi sẽ không khiến quân đội Mỹ gặp nguy hiểm”, bà Thomas-Greenfield nói.

Nhưng những yếu tố nào khác đang ngăn cản quân đội Mỹ ở Ukraine? Dưới đây là một số yếu tố.

Tại sao Mỹ không đưa quân vào Ukraine?

Mặc dù Mỹ lên án hành động của Nga mọi lúc mọi nơi, nhưng Tổng thống Joe Biden từ lâu đã nói rõ rằng các lực lượng Mỹ sẽ không tiến vào Ukraine và giao tranh trực tiếp với Nga. Tại sao vậy? Như ông Biden đã nói với NBC News vào đầu tháng này” “Đó là một cuộc chiến tranh thế giới khi người Mỹ và Nga bắt đầu bắn nhau”.

Nói cách khác, việc Mỹ tham gia vào cuộc xung đột có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu. Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling, một nhà phân tích quân sự và an ninh quốc gia của CNN, phát biểu hôm Chủ nhật: “Chìa khóa của ngoại giao là hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh. Trong khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hiện nay rất bi thảm, hỗn loạn và tàn khốc, nó vẫn là một cuộc xung đột khu vực”.

“Nếu NATO hoặc Mỹ cử binh sĩ đến Ukraine để giúp họ chống lại người Nga, động lực sẽ chuyển sang một cuộc xung đột đa quốc gia với những tác động tiềm tàng trên toàn cầu do tình trạng sức mạnh hạt nhân của cả Mỹ và Nga. Vì vậy, Mỹ và NATO – và các quốc gia khác trên thế giới – đang cố gắng tác động đến sự thành công của Ukraine và sự thất bại của Nga bằng cách cung cấp các hình thức hỗ trợ khác”, ông Hertling nói.

Quân Mỹ ở châu Âu thì sao?

Mỹ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ khắp châu Âu, cả trước và trong khi Nga tấn công Ukraine. CNN đưa tin hôm Chủ nhật rằng, hơn 4.000 binh sĩ Mỹ đã triển khai tạm thời đến châu Âu hiện sẽ được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ – rất có thể trong vài tuần – như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine.

Nhưng những đội quân đó không ở đó để chiến đấu với người Nga. Các lực lượng Mỹ “không và sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột với Nga ở Ukraine”, Tổng thống Biden cho biết từ Nhà Trắng hôm thứ Năm. Thay vào đó, quân Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ “các đồng minh NATO của chúng tôi và trấn an các đồng minh đó ở phía đông”, Tổng thống Biden nói. “Như tôi đã nói rõ, Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO bằng toàn bộ sức mạnh của Mỹ”, ông nói thêm.

Có kịch bản nào mà Mỹ sẽ giao chiến trực tiếp với Nga không?

Ukraine có biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Nếu Nga đe dọa một trong những nước này, Mỹ – cùng với Pháp, Đức, Anh và phần còn lại của liên minh NATO gồm 30 thành viên – sẽ phải đáp trả theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Điều 5 đảm bảo rằng các nguồn lực của toàn liên minh có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ quốc gia thành viên nào. Lần đầu tiên và duy nhất Điều 5 được sử dụng là sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ; kết quả là các đồng minh NATO tham gia cuộc xâm lược Afghanistan.

Xe quân sự và đống đổ nát được nhìn thấy ở Bucha, Ukraine ngày 27/2. Ảnh: Reuters.

Quân đội Mỹ có giúp tạo vùng cấm bay ở Ukraine?

Đại sứ Thomas-Greenfield cho biết hôm Chủ nhật rằng, Mỹ sẽ không đưa các phi công Mỹ lên trời để tạo vùng cấm bay ở Ukraine. Bà nói rằng, quan điểm của chính quyền Biden là giữ các lực lượng Mỹ ở ngoài Ukraine, đồng nghĩa với việc “chúng tôi sẽ không đưa lính Mỹ lên không trung, nhưng chúng tôi sẽ làm việc với người Ukraine để giúp họ có khả năng tự vệ”.

Trong khi một số quan chức Ukraine kêu gọi các nước NATO “đóng cửa bầu trời” đối với Ukraine, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ khiến Mỹ can dự trực tiếp với quân đội Nga mà Nhà Trắng đã tuyên bố rõ ràng là họ không muốn làm.

Mỹ đang giúp Ukraine như thế nào?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Bảy cho biết, theo sự ủy quyền của Tổng thống Biden, ông đã đồng ý với khoản chi mới trị giá 350 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngay lập tức. Các khoản hỗ trợ trước đây là 60 triệu USD và 250 triệu USD, đưa tổng số tiền trong 12 tháng qua lên hơn 1 tỷ USD.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken hôm Chủ nhật thông báo rằng, Mỹ đang gửi gần 54 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga.

Một hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy đoàn xe quân sự Nga đang tiến gần Ivankiv, Ukraine. Ảnh: EPA.

Mỹ đã trừng phạt Nga như thế nào?

Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với Nga, nhằm vào các lĩnh vực ngân hàng, hàng không vũ trụ và công nghệ của nước này. Họ đưa ra nhiều hình phạt cụ thể:

-Phong tỏa tài sản đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga.

-Hạn chế về nợ và vốn chủ sở hữu đối với các công ty khai thác, vận tải và hậu cần quan trọng của Nga.

-Ngăn chặn khả năng tiếp cận của Nga đối với các công nghệ quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và quân sự chủ chốt của Nga.

Hôm thứ Sáu, Mỹ – cùng với Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada – tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Một ngày sau, Mỹ và Ủy ban châu Âu cùng với Pháp, Đức, Ý, Anh và Canada, thông báo rằng họ sẽ loại bỏ một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT – mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính khắp thế giới.

“Hy vọng rằng, các biện pháp trừng phạt, phong tỏa, ảnh hưởng kinh tế, xây dựng liên minh chống lại các hành động của ông Putin, đồng thời cung cấp vũ khí và những sự trợ giúp khác cho Ukraine sẽ ngăn chặn được đà leo thang và những hậu quả không mong muốn trên toàn thế giới”, ông Hertling nói.

Dư luận ra sao?

Người Mỹ đang cảnh giác với sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo các cuộc thăm dò được thực hiện trước cuộc tấn công của Nga hôm 24/2. Trong một cuộc thăm dò của AP-NORC, chỉ 26% người Mỹ tin rằng Mỹ nên đóng một vai trò quan trọng trong tình hình giữa Nga và Ukraine. Khoảng một nửa, 52%, cho rằng Mỹ nên đóng một vai trò nhỏ và 20% khác cho rằng nước này không nên đóng vai trò gì cả.

Khoảng 32% đảng viên Dân chủ và 22% đảng viên đảng Cộng hòa muốn Mỹ đóng một vai trò quan trọng. Khoảng 32% ý kiến độc lập cho rằng Mỹ không nên đóng vai trò gì; tỷ lệ ở đảng viên Cộng hòa là 22% và ở đảng viên Dân chủ là 14%.

Một tay súng thuộc Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ Ukraine kiểm tra xe cơ động bộ binh Nga GAZ Tigr bị phá hủy sau cuộc chiến ở Kharkiv. Ảnh: Getty Images.

Tiếp theo là gì?

Bà Thomas-Greenfield hôm Chủ nhật cho biết, Mỹ “không có gì là không bàn” khi được hỏi về việc nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng của Nga với các lệnh trừng phạt, điều mà đến nay vẫn chưa xảy ra. “Chúng ta đang gia tăng (trừng phạt) mạnh mẽ khi người Nga tăng cường (leo thang quân sự), vì vậy sẽ còn nhiều điều hơn thế”, bà nói.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã thảo luận về việc nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương Nga bằng các biện pháp trừng phạt, một bước đi chưa có tiền lệ đối với một nền kinh tế tầm cỡ của Nga.

Đại sứ Thomas-Greenfield không đưa ra thời gian chính xác cho việc đó, nhưng bà nói: “Điều này đang xảy ra rất, rất nhanh”. Quy mô các biện pháp trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga vẫn đang được thảo luận và thậm chí có thể còn nhiều hơn những gì các quan chức đã thông báo, CNN đưa tin.

Canada điều tra máy bay Nga vi phạm không phận

Canada cho biết họ có kế hoạch mở cuộc điều tra về một chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot từ bang Miami của Mỹ đến Mátxcơva đã đi vào không phận Canada hôm 27/2, vi phạm lệnh cấm đối với tất cả các chuyến bay của Nga.

“Chúng tôi biết rằng chuyến bay 111 của Aeroflot đã vi phạm lệnh cấm được đưa ra trước đó đối với các chuyến bay của Nga sử dụng không phận Canada. Chúng tôi đang xem xét lại hành vi của Aeroflot và nhà cung cấp dịch vụ định vị hàng không độc lập, NAVCAN, dẫn đến vi phạm này. Chúng tôi sẽ không ngần ngại có hành động thực thi thích hợp và các biện pháp khác để ngăn chặn các vi phạm trong tương lai ”, Bộ Giao thông vận tải Canada thông báo ngày 27/2 trên Twitter.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Canada Omar Alghabra cho biết, trước đó không phận của nước này đã đóng cửa đối với tất cả các nhà khai thác máy bay Nga. “Chúng tôi sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công chống lại Ukraine”, ông Alghabra viết trên Twitter.

RELATED ARTICLES

Tin mới