Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển ĐôngLo ngại TQ 'thừa nước đục thả câu' ở Biển Đông

Lo ngại TQ ‘thừa nước đục thả câu’ ở Biển Đông

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông khiến một số chuyên gia quốc tế lo ngại nước này nhân lúc tình hình giao tranh ở Ukraine căng thẳng để gây áp lực ở các vùng biển trong khu vực.

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông vào tháng 8.2021.

Như Thanh Niên đã thông tin, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) vừa qua đăng tải thông báo quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 4 – 15.3. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh dư luận thế giới đang bị thu hút về Ukraine – nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh căng thẳng do Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Thử lửa” Washington

Nhận định về cuộc tập trận của Trung Quốc khi trả lời Thanh Niên ngày 7.3, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật): “Đó là cách Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” hành động đáp trả Mỹ cùng các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Mới đây, Mỹ đã thực hiện tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông và nhấn mạnh vấn đề này trong cuộc họp của “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) ở Úc hồi tháng 2. Qua đó, Washington muốn chứng minh sự tập trung và nguồn lực để đối phó với các thách thức địa chính trị ở cả 2 khu vực Indo-Pacific và châu Âu”.

“Trong khi đó, Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh quân sự để gây ảnh hưởng lên các nước Đông Nam Á, đồng thời chứng minh vị thế để củng cố tinh thần dân tộc trong nước. Không những vậy, Bắc Kinh còn muốn “thử lửa” khả năng của Washington trong bối cảnh Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sử ở Ukraine. Rõ ràng, khi Mỹ bị phân tâm bởi xung đột ở Ukraine, thì việc chuyển hướng các nguồn lực của Washington ở Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan trở thành cơ hội chiến lược để Trung Quốc thúc đẩy các lợi ích cốt lõi mà nước này đề ra ở khu vực. Qua đó, Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm những điểm yếu của Washington để chiếm ưu thế trong tương lai”, PGS Nagy phân tích và cho rằng: “Ngoài ra, các áp lực nội bộ đang thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu bá quyền trong khu vực khi có cơ hội”.

Trung – Nga thách thức Mỹ

Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) cho biết có thông tin chưa được xác nhận là Trung Quốc triển khai tập trận để giải quyết một vụ tai nạn máy bay quân sự tại khu vực tập trận.

“Khi Trung Quốc đang thắt chặt với Nga, cuộc tập trận có thể nhằm nhân cơ hội để phản ứng việc Mỹ điều động tàu chiến hiện diện ở eo biển Đài Loan gần đây. Cũng có thể, Trung Quốc cũng không có ý định leo thang thêm”, GS Sato nhận định, đồng thời đề cập khả năng cuộc tập trận được tiến hành nhằm thúc đẩy cơ hội để Bắc Kinh đạt được các tham vọng ở Biển Đông.

Đầu tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin công du đến Trung Quốc và có cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước chủ nhà, ngay trước thềm lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 4 – 20.2. Sau cuộc hội đàm, hai bên đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh lời kêu gọi phương Tây “từ bỏ các phương pháp tiếp cận theo ý thức hệ của Chiến tranh lạnh”. Khi đó, giới quan sát quốc tế đã nhìn nhận việc Nga và Trung Quốc phối hợp thách thức Mỹ nhằm phân tán nguồn lực của Washington. Như lời nhận xét của ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) là: “Tuyên bố chung Trung – Nga không nằm ngoài dự đoán khi hai bên phản đối mạnh mẽ Mỹ và cho rằng Washington là chướng ngại vật chính đối với nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thống trị châu Á cũng như Moscow giữ vai trò kiểm soát châu Âu”.

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 7.3 tuyên bố chính phủ nước này sẽ chi ít nhất 10 tỉ AUD (gần 170.000 tỉ đồng) để xây dựng căn cứ cho hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai. Đây sẽ là căn cứ quan trọng đầu tiên được xây dựng ở Úc kể từ thập niên 1990, theo Bloomberg. Bộ Quốc phòng Úc đã chọn 3 địa điểm có thể làm nơi xây dựng căn cứ mới: Newcastle và Port Kembla ở bang New South Wales, và thủ phủ Brisbane của bang Queensland. Úc đang có kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm hạt nhân trong những thập niên tới với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh. Úc vẫn chưa quyết định sẽ sử dụng thiết kế của Anh hay Mỹ cho hạm đội tàu ngầm của mình. Hạm đội tàu ngầm mới có thể giúp Úc tăng khả năng triển khai lực lượng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới