Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCấm vận dầu mỏ một hành động “có sức hút chính trị”

Cấm vận dầu mỏ một hành động “có sức hút chính trị”

Hôm 8/3 Tổng thống Mỹ Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng lập tức tạo hiệu ứng mạnh mẽ, nhất là ở khu vực châu Âu. Đây không chỉ là đòn trừng phạt đơn thuần về kinh tế mà là một phép thử đối với quan hệ quốc tế hiện nay.

Đương nhiên, mọi biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga đều làm cho giá xăng dầu bị đẩy lên cao. Bởi từ đầu năm 2022, giá xăng dầu vốn đang ở mức cao, tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Khi quyết định cấm nhập khẩu xăng đầu từ Nga, Lầu Năm Góc thừa hiểu nếu ban bố một lệnh cấm chung từ Mỹ – sẽ không thể thực hiện được. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết, Mỹ có thể hành động một mình, hoặc phối hợp với một nhóm nhỏ các đồng minh. Ông nói: “Không phải nước nào cũng hành động giống nhau. Nhưng chúng ta đã chạm ngưỡng cần phải áp đặt những cái giá khắc nghiệt nhất mà mọi người đều đồng thuận như vậy”.

Đúng như dự đoán của nhà ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói thẳng: Berlin không có ý định tham gia bất kỳ lệnh cấm nào về lĩnh vực này. Trong nhiều năm qua, Đức là quốc gia tiêu thụ năng lượng từ Nga lớn nhất.

Ở trong nước, các đơn vị trong ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ hưởng ứng tích cực mục tiêu giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài bằng những cam kết phối hợp cùng chính quyền Biden và Quốc hội. Trước đó, khi chưa có lệnh cấm, các nhà máy lọc dầu Mỹ đã bất ngờ cắt hợp đồng với công ty Nga.

Sản lượng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga đã giảm sâu nhất (xuống 0) vào cuối tháng 2, tức là sau khi Nga phát động cuộc chiến tấn công Ukraine vài ngày.

Trước lệnh cấm của Mỹ, Nga sẽ bị ảnh hưởng ra sao và sẽ phản ứng như thế nào? Bước đầu chúng tôi thấy, tác động của lệnh cấm đối với nền kinh tế Nga là không nhiều, bởi Mỹ chỉ nhập một phần không đáng kể lượng dầu xuất khẩu từ Nga và không mua khí tự nhiên. Cả năm 2021, chỉ khoảng 8% dầu và các sản phẩm tinh chế nhập khẩu của Mỹ là từ Nga; tổng lượng nhập khẩu cả năm khoảng 245 triệu thùng năm qua, (khoảng 672.000 thùng mỗi ngày). Số còn lại Mỹ nhập khẩu từ các thị trường khác.

Bù đắp vào khoản “mất đi” đó Nga có thể sẽ xuất khẩu tăng thêm sang Trung Quốc và Ấn Độ. Trong trường hợp xấu nhất, cả khi Nga bị loại khỏi thị trường toàn cầu, các quốc gia như Iran có thể vẫn bắt tay với Moscow.

Đó là những tính toán chung, còn cụ thể thì diễn biến giá dầu là dễ thấy nhất, nó đã tăng một cách siêu tốc. Ngay tại trường Mỹ giá xăng nhảy múa đầu tiên. Giá bán một gallon (tương đương 3,785 lít) giá trung bình lên tới 4,17 USD sau khi có lệnh cấm nhập dầu từ Nga. Trong tháng 2 giá dầu là 90 USD/thùng, còn hiện tại, hôm 8/3, giá gần chạm ngưỡng 130 USD/thùng.

Với đà này theo các nhà nghiên cứu kinh tế, giá dầu có thể lên tới 160 USD, thậm chí 200 USD/thùng, nếu người mua tiếp tục từ chối dầu thô Nga. Theo đó, giá bán xăng ở Mỹ có thể cao hơn 5 USD/gallon. Rốt cuộc, trừng phạt Nga, Mỹ cũng gián tiếp… ăn đòn tăng giá.

Nhân nói đến mối quan hệ biện chứng kinh tế – chính trị – ngoại giao chung quanh cuộc chiến tại Ukraine và những chính sách trừng phạt kinh tế, ông Morgan Bazilian, Giám đốc Viện Payne (Colorado, Mỹ) bình luận: Lệnh cấm vận dầu mỏ từ Mỹ là hành động “rất có sức hút chính trị”.

Phản ứng chính thức từ Nga chưa rõ rệt. Dường như Kremlin đã dự tính được điều này. Quả đấm thép của Mỹ đã giáng vào một bức tường có sức đàn hồi. Đại sứ quán Nga tại Mỹ bình thản nói: Moscow không bất ngờ và đã có nơi để chuyển hướng sản phẩm năng lượng chất lượng cao và có tính cạnh tranh.

Lệnh cấm mới được phát ra còn phải chờ tính hiệu quả của nó. Tổng thống Biden đã thảo luận với một số đồng minh châu Âu về biện pháp trừng phạt này. Có điều sự hưởng ứng còn dè dặt, bởi các nước châu Âu vốn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga. Như vậy tại châu Âu sẽ không áp đặt lệnh trừng phạt tương tự như Mỹ đã tuyên bố.

Trừng phạt Nga không chỉ có đòn cấm nhập khẩu dầu. Ông Biden cho biết gói trừng phạt kinh tế và kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ áp đặt lên Nga đã gây “thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga”. Đồng rúp Nga đã giảm tới 30% giá trị kể từ khi Putin tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine.

“Một đồng rúp bây giờ có giá trị không bằng một xu Mỹ” (lời ông Biden). Nga sẽ không thể tăng giá đồng rúp vì phương Tây đã loại các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Các công ty lớn đã tạm ngừng dịch vụ của họ tại Nga, bao gồm Visa, Mastercard, American Express, Ford, Nike và Apple…

Chưa phải nước cờ quyết định thắng thua, nhưng chí ít cũng khiến cho Moscow không dám chủ quan và sớm có giải pháp phù hợp cho cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine đang diễn ra ngày càng ác liệt.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới