Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngTrường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử: Những...

Trường Sa 1988 – Hồ sơ một sự kiện lịch sử: Những bước xâm lấn thực địa

Chuẩn bị tiến hành chiến dịch xâm lấn quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc thành lập một bộ tư lệnh đặc biệt, sử dụng lực lượng của hạm đội Nam Hải, được tăng cường một bộ phận của hạm đội Đông Hải, gồm 40 tàu với khoảng 1.000 quân thay nhau hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trên bãi đá Chữ Thập vào đầu tháng 2.1988

Mang vũ khí đi “khảo sát khoa học”

Trong các khí tài quân sự mà Trung Quốc “đầu tư” cho cuộc xâm nhập, có thể kể đến: có 20 tàu mà Trung Quốc thường xuyên duy trì hoạt động (10 tàu chiến và 10 tàu hỗ trợ) quanh quần đảo Trường Sa là: Tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Đại mang số hiệu 164; các tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hộ mang số hiệu 510, 511, 513, 551, 552, 556; tàu hộ vệ tên lửa lớp Thành Đô mang số hiệu 506; tàu hộ vệ lớp Giang Đông mang số hiệu 531; tàu hộ vệ lớp Giang Nam mang số hiệu 503; 10 tàu bổ trợ (tàu đổ bộ số 929, 3 tàu vận tải số 615, 463, 937, tàu đo đạc số 833, tàu kéo số 147; các tàu đánh cá có vũ trang số 427, 811, 813, 812); ngoài ra còn một số pông tông và sà lan tự hành.

Từ giữa năm 1987, Trung Quốc có nhiều hoạt động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa như trinh sát, khảo sát, tập trận, cắm bia… nhằm biến các bãi cạn này thành căn cứ quân sự, các điểm đóng quân, để “đặt chân vào” khu vực Trường Sa của Việt Nam.

Cụ thể, “từ ngày 16.5 – 16.6.1987, Trung Quốc tiến hành diễn tập ở quần đảo Trường Sa có sự tham gia của nhiều tàu thuộc hạm đội Nam Hải” (Theo Nguyễn Hữu Đạo trong bài nghiên cứu: “Trung Quốc xâm lấn quần đảo Trường Sa năm 1988”, Thông tin đối ngoại, 8.2014, tr. 52). Cùng với đó, dưới danh nghĩa khảo sát khoa học, Trung Quốc cho nhiều tàu đi thu thập tin tức tình báo ở các đảo phía nam quần đảo Trường Sa.

Đầu năm 1988, tình hình trên quần đảo Trường Sa rất phức tạp, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đổ quân chiếm các bãi đá. Cụ thể: Ngày 31.1.1988, chiếm bãi đá ngầm Chữ Thập; ngày 18.2.1988, chiếm bãi đá ngầm Châu Viên; ngày 26.2.1988, chiếm bãi đá Ga Ven; ngày 28.2.1988, chiếm bãi đá Huy Gơ.

Đồng thời phía Trung Quốc cũng cho tàu chiến ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp tế cho các đảo. Trung Quốc cho xây dựng một số đường băng trên một vài đảo san hô làm đầu cầu tới các đảo khác, nhằm đe dọa các nhóm đảo của Việt Nam. Tại các bãi Chữ Thập, Châu Viên… đã có sự gây hấn căng thẳng, quyết liệt giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc, có lúc nòng súng hai bên chĩa thẳng vào nhau, sẵn sàng khai hỏa.

Tạo cớ xung đột vũ trang

Trong tình thế hết sức khó khăn, Việt Nam cố gắng tìm mọi cách xây dựng, củng cố các khu vực, các vị trí của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý, bằng việc đưa tàu vận tải chở vật liệu ra củng cố các đảo chìm, bãi đá theo một kế hoạch mang tên CQ-88 (Chủ quyền 88).

Bộ Tư lệnh hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam lệnh cho lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các tàu của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhưng tránh âm mưu khiêu khích của tàu Trung Quốc; chỉ thị Lữ đoàn 125 chuẩn bị tàu, pông tông sẵn sàng đưa lực lượng ra đóng giữ thêm các bãi đá san hô (đảo chìm) ở Trường Sa; Trung đoàn 83 công binh chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng cơ động xây dựng trên đảo.

Ngày 2.12.1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 hải quân đưa bộ đội ra đóng giữ, xây dựng trên đảo chìm Đá Tây; ngày 26.1.1988, quân ta đóng giữ, xây dựng trên đảo chìm Tiên Nữ. Sau đó, hải quân Việt Nam liên tiếp đóng giữ, xây dựng trên các đảo chìm: đảo Đá Lát (5.2.1988), đảo Đá Lớn (6.2.1988), đảo Đá Đông (18.2.1988), đảo Tốc Tan (27.2.1988), cắm chốt đảo Núi Le (2.3.1988).

Khi Trung Quốc chiếm đóng bãi Chữ Thập và bãi Châu Viên, ngày 20.2.1988, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố: “Ngày 31.1.1988, trong khi 2 tàu vận tải của Việt Nam làm nhiệm vụ bình thường ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì 4 tàu chiến của hải quân Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam đã tiến hành khiêu khích và cản trở. Bốn tàu chiến này đến nay vẫn còn ở trong vùng biển Việt Nam. Mấy ngày gần đây, phía Trung Quốc còn điều thêm nhiều tàu chiến đến khu vực này. Tiếp theo nhiều hoạt động của hải quân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa trong những năm qua như trinh sát, khảo sát, tập trận, cắm bia… những hành động phi pháp trên đây bộc lộ rõ ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của nước Việt Nam và của các nước ven Biển Đông, gây tình hình căng thẳng và mất ổn định ở Đông Nam Á”.

Mặc cho những phản ứng ngoại giao nêu rõ và chỉ đích danh hành vi xâm lược, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc xâm chiếm trên thực địa.

Những ngày cuối tháng 2.1988, Trung Quốc cho quân xâm lấn và đóng quân thêm ở các bãi Ga Ven, Ke Nan và khống chế bãi Gạc Ma nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.

Quân đội Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động ngăn cản, phong tỏa và dùng vũ lực khiêu chiến các tàu vận tải của Việt Nam nhằm tạo cớ gây xung đột vũ trang.

Đầu tháng 3.1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, “tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây lên 9 đến 12 tàu chiến gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn”.

Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam điều quân đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, giao cho Lữ đoàn vận tải 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này bởi Gạc Ma có vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế cho các căn cứ khác tại quần đảo Trường Sa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới