Saturday, April 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgười chăn nuôi Việt lại khốn khổ?

Người chăn nuôi Việt lại khốn khổ?

Từ hôm đại lý bán thức ăn chăn nuôi thông báo rằng ngày 15/3, giá các loại cám heo sẽ tăng thêm 10.000 đồng/bao, loại 25kg, anh Nguyễn Văn Quý (Tiên Lữ, Hưng Yên) lo lắng, “mất ăn, mất ngủ” khi đứng bên bờ vực thua lỗ.

Ông Đinh Văn Mừng (xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) cho hay, giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”, buộc gia đình ông phải chăn nuôi cầm chừng, cố gắng duy trì đàn.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù, nông dân bên bờ vực lỗ nặng

Chắc chắn một điều, không chỉ riêng anh Quý và hàng vạn hộ chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản… cũng đang chung tâm trạng này. Bởi từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng phi mã và đây là lần tăng thứ 10.

Nhiều hộ chăn nuôi cũng bày tỏ lo lắng, liệu lần thứ 10 này đã phải là lần tăng cuối cùng chưa? Trong khi đó, giá bán các sản phẩm chăn nuôi thì vẫn èo uột trong thời gian dài. Giá lợn hơi loanh quanh 48.000 – 55.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp chỉ từ 16.000 – 25.000 đồng/kg; giá cá lồng cũng đang thấp thê thảm, thương lái thu mua chậm…

“Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa có những biện pháp can thiệp “mạnh tay” để góp phần hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi”, một hộ chăn nuôi heo ở Thái Bình nói với Dân Việt.

Anh Quý cho hay, theo quy luật thị trường giá cám tăng thì sẽ tăng đồng loạt, không có chuyện công ty này tăng, còn công ty khác giữ giá. Với đàn heo 130 con, mỗi ngày trang trại của anh Quý sử dụng gần 10 bao cám. Nếu chưa tính đợt tăng giá 15/3 thì tiền cám phải bỏ ra 1 tháng là 120 triệu đồng.

Hiện nay, anh Quý chăn nuôi heo theo hướng khép kín, nên chủ động được con giống. Heo từ khi sinh ra đến xuất chuồng thời gian khoảng 6 tháng, lúc này heo đạt trọng lượng khoảng 120kg/con. Giá thành nuôi heo dao động từ 3,1 đến 3,2 triệu/con. Nếu giá cám tăng thêm 10.000 đồng/bao thì sẽ cộng thêm 100.000 đồng vào giá thành sản xuất.

“Đấy là đối với những hộ chăn nuôi tốt, chủ động được con giống, không gặp dịch bệnh, giữ được đầu con. Và giá heo hơi phải đạt 55.000 đồng/kg trở lên thì may ra còn duy trì được. Với tình hình này, những hộ phải mua con giống ở ngoài thì thua lỗ là điều chắc chắn”, anh Quý chia sẻ với Dân Việt.

Để duy trì đàn heo, anh Quý cho biết, trong thời gian tới sẽ phải tính toán cắt giảm khẩu phần ăn và thời gian nuôi để giảm bớt chi phí về cám.

Nói với Dân Việt, ông Đinh Văn Mừng (xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) cho hay, giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”, buộc gia đình ông chỉ chăn nuôi cầm chừng. Hiện ông đang cố gắng duy trì đàn heo khoảng 100 con, trong khi công suất nuôi của chuồng lên đến 250 con.

Mỗi ngày đàn lợn của gia đình ông Mừng ngốn hết gần 10 bao cám. Trong đó, cám cho lợn tập ăn giá hơn 400.000 đồng/bao 25kg, còn cám cho lợn 2 tháng tuổi trở lên giá hơn 300.000 đồng/bao 25kg.

Không chỉ riêng gia đình ông Mừng, mà rất nhiều hộ chăn nuôi ở xã Đông Đô đang rơi vào tình cảnh khó khăn, có đầy đủ cơ sở vật chất, chuồng trại nhưng không thể mở rộng quy mô đàn do giá thức ăn tăng quá cao.

Ông Mừng cho rằng, để người chăn nuôi có động lực, mở rộng quy mô, tăng đàn lợn, Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá.

Nếu được, đây sẽ là một trong những điều khiến người dân, chủ trang trại, HTX chăn nuôi yên tâm sản xuất.

“Nếu có thể đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá thì trước mắt nên thực hiện thí điểm ở một số tỉnh trọng điểm về chăn nuôi. Các tỉnh sẽ triển khai thí điểm ở các huyện, xã trọng điểm về chăn nuôi”, ông Mừng cho hay.

Giá cám đối với heo, gia cầm tăng cao, thì giá cám trong nuôi thủy sản cũng không chịu “ngồi yên”.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Đinh Văn Linh – Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản Bình Thanh (huyện Cao Phong, Hòa Bình) nói, HTX mới được thành lập năm 2020 với 20 thành viên. Nhưng đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh. Từ đó đến nay, thị trường tiêu thụ cá lồng của HTX rất bí đầu ra, thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội và các tỉnh lân cận gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tiền vay ngân hàng vẫn chưa trả hết, hàng tháng vẫn phải đóng lãi thì giá thức ăn cho cá đã tăng “chóng mặt” từ năm 2021 đến nay. Mới đầu giá cám 240.000 đồng/bao 25kg, nay tăng lên 320.000 đồng/bao 25kg, khiến anh Linh và nhiều hộ nuôi cá lồng của HTX kiệt quệ về vốn.

Nhiều hộ không chống đỡ nổi nên đã nuôi ít hơn, thậm chí có hộ phải bán cả cá lẫn lồng.

Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.

Đơn cử, giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, ngô tăng khoảng 9%… Điều này dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm cũng tăng từ 3-13%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới