Saturday, April 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội"Số phận" kit test Việt Á

“Số phận” kit test Việt Á

Liên quan đến việc mua kit test của Công ty Việt Á, cơ quan điều tra các địa phương đang tiếp tục làm rõ để xử lý. Về số kit test các địa phương đã mua, dư luận thắc mắc hiện ở đâu.

Bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Tại Thanh Hóa, để đáp ứng nhu cầu chống dịch Covid-19 cấp bách trên địa bàn tỉnh, tháng 8/2021, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh cho phép mua vật tư, sinh phẩm, hóa chất phòng chống Covid-19, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm Real-time RT-PCR. Địa phương này đã chi 28,2 tỷ đồng để mua 60.000 kit với giá 470.000 đồng/bộ do Công ty Việt Á sản xuất.

Theo ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, số sinh phẩm mà Thanh Hóa đã mua của Công ty Việt Á đã được sử dụng hết cách đây nhiều tháng.

Ông Huỳnh Lê Xuân Bích – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên – cho biết, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, CDC Phú Yên đã mua tổng cộng 25.200 bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á, trong đó có 200 bộ giá 470.000 đồng/bộ, số còn lại có giá 367.500 đồng/bộ.

“Hiện toàn bộ số bộ xét nghiệm của Việt Á đã được sử dụng” – ông Bích nói.

Trước đó, Giám đốc CDC Phú Yên cũng cho biết, cả 2 mức giá mà CDC Phú Yên mua sản phẩm Việt Á đều là mức thấp trong dải mức giá bộ xét nghiệm mà Bộ Y tế đưa ra lúc đó. Mức cao của kit là trên 500.000 đồng/bộ.

Tại tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian từ năm 2020 đến 2021, CDC Khánh Hòa đã mua hơn 63.000 kit xét nghiệm do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất với số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Trao đổi về số kit xét nghiệm đã mua của Việt Á, ông Huỳnh Văn Dõng – Giám đốc CDC Khánh Hòa cho biết “không nhớ”.

Cũng liên quan đến CDC Khánh Hòa, vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Tư pháp tỉnh này thông báo trên hệ thống thông tin đến toàn bộ văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh này, yêu cầu không thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản liên quan đến 10 cá nhân, trong đó có ông Huỳnh Văn Dõng.

Theo Cơ quan CSĐT, đơn vị này đang xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại CDC tỉnh Khánh Hòa.

Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, số kit test mà Hải Dương mua của Công ty Việt Á đã dùng hết, không có hàng tồn.

Khi được hỏi Hải Dương đã mua kit test của Công ty Việt Á tổng số lượng bao nhiêu, vị Giám đốc Sở Y tế Hải Dương nói: “Hải Dương mua số lượng cũng nhiều, nhưng cụ thể con số thì để tôi kiểm tra lại, vì mua theo nhiều gói hợp đồng”.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Bình Dương là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi ghi nhận số ca mắc và tử vong chỉ sau TPHCM. Sau khi Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương 5.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, CDC Bình Dương đã mua 3 lần với tổng số lượng 72.000 bộ với đơn giá 470.000 – 509.250 đồng/bộ.

Ngoài ra, CDC Bình Dương còn phê duyệt Công ty Việt Á trúng thầu chỉ định gói 6,9 tỷ đồng, cung cấp 50.000 kit từ một hãng sản xuất của Mỹ với giá 250.000 đồng/test. Tổng số tiền phải trả cho các gói thầu với Việt Á tại Bình Dương hơn 40 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, thời điểm địa phương mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tình hình dịch bệnh phức tạp nên mua bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Từ tháng 5-9/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã có 3 quyết định về việc mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, với tổng số tiền hơn 41,5 tỷ đồng. Trong số này, CDC Bình Phước đã thanh toán cho Công ty Việt Á số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Hai đợt mua còn lại với số tiền khoảng hơn 34 tỷ đồng, CDC Bình Phước chưa thanh toán.

Theo CDC Bình Phước, toàn bộ số kit mua của Công ty Việt Á đã được sử dụng hết. Liên quan đến vụ việc này, Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước bị kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng. Trước đó, Công ty Việt Á có đến gửi quà biếu ông Sáu.

Tỉnh Đắk Nông chỉ mua 559 triệu đồng tiền kit xét nghiệm của Việt Á năm 2020. Sau đó, do giá thành cao, nguồn cung không đảm bảo với nhu cầu chống dịch, tỉnh này đã mua kit test của một đơn vị khác.

Từ năm 2021, đặc biệt từ tháng 7/2021, khi Đắk Nông ghi nhận ca bệnh đầu tiên, ngành y tế Đắk Nông không sử dụng kit test Việt Á. Số kit test Việt Á đã mua trước đó đã được sử dụng hết trong năm 2020.

Theo thông tin từ Sở Y tế Gia Lai, ngày 21/6/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai được Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cấp phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.

Vào tháng 7/2021, trong lúc có nhu cầu khẩn cấp nhưng thiếu sinh phẩm xét nghiệm nên CDC Gia Lai đã mượn tỉnh khác 960 bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Sau đó, CDC tỉnh Gia Lai đã tiến hành mua 960 bộ kít xét nghiệm Việt Á với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng để trả lại cho tỉnh bạn.

Về việc test nhanh Covid-19, CDC Gia Lai không tự mua sắm mà sử dụng vật tư do Bộ Y tế cấp và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Liên quan đến vụ việc này, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an tỉnh Gia Lai đã làm việc lãnh đạo và các phòng, ban liên quan thuộc CDC Gia Lai.

Sáng 15/3, ông Nguyễn Đình Dích – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, số kit test mà Hà Giang mua của Công ty Việt Á đã dùng hết, không có hàng tồn.

“Việc mua bán kit test là phía bên CDC thực hiện, hiện số kit test mua của Công ty Việt Á đã được sử dụng và hết từ lâu”, ông Dích nói.

Tại Quảng Bình, ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC tỉnh này cho hay, đơn vị này sử dụng nhiều loại kit test của các đơn vị khác nhau. Riêng của Công ty Việt Á đều được CDC Quảng Bình nhập qua Công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình đúng với giá quy định, theo từng giai đoạn được công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Trong đó có khoảng 29.000 kit xét nghiệm, thông qua 8 gói thầu.

Theo ông Tiệp, toàn bộ lô kit test Việt Á nói trên đã được đơn vị sử dụng để triển khai hoạt động xét nghiệm, bóc tách F0 trên địa bàn và đã hết từ lâu.

CDC tỉnh Quảng Ngãi đã mua 3 lô kit test của Công ty Việt Á với tổng kinh phí khoảng 5,1 tỷ đồng. Theo ông Hồ Minh Nên – Giám đốc CDC Quảng Ngãi, 3 lô kit test được mua với mức giá khác nhau. Mức giá cao nhất là 509.000 đồng/bộ, tiếp đó là 470.000 đồng/bộ và giá thấp nhất là 367.000 đồng.

Thời điểm CDC Quảng Ngãi mua 3 lô kit test này diễn ra trong tháng 7 và tháng 8/2020. Số kit test này đã được CDC Quảng Ngãi sử dụng hết sau đó chuyển sang mua kit test của các đơn vị khác có giá rẻ hơn.

Liên quan đến sự việc này, ông Hồ Minh Nên khẳng định, việc mua vật tư chống dịch được đơn vị thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Quá trình mua kit test, CDC Quảng Ngãi có tham khảo giá từ nhiều nguồn nhằm tránh tiêu cực có thể xảy ra.

Trong một diễn biến liên quan, Thanh tra Quảng Ngãi đang tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2020 và 2021.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới