Wednesday, October 9, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVì sao kinh tế TQ bắt đầu suy thoái

Vì sao kinh tế TQ bắt đầu suy thoái

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới – đã có bước thụt hậu rõ ràng trong 4 năm trở lại đây, khi mà mức tăng trưởng hàng năm hơn 10% trong nhiều thập kỷ đã bắt đầu giảm xuống chỉ còn hơn 2% mỗi năm.

Mặc dù có những yếu tố bên ngoài tác động vào sự suy thoái kinh tế, song các quyết sách của ĐCSTQ mới là nguyên nhân then chốt dẫn đến tình trạng đáng buồn này.

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy thoái trong những năm trở lại đây

Phong tỏa thông tin

Rất khó để có thể phân tích chính xác nền kinh tế Trung Quốc, bởi vì chính quyền Trung Quốc là nguồn duy nhất cung cấp các dữ liệu thống kê về nước này cho phần còn lại của thế giới và ai cũng biết rằng ĐCSTQ luôn thao túng dư luận bằng cách sử dụng thông tin sai lệch để phủ nhận mà không một lời giải thích.

Hơn nữa, ở Trung Quốc, nhà nước can thiệp vào tất cả các phương tiện truyền thông chính thống và không có kênh truyền thông nào dám chỉ trích Đảng. Thêm vào đó, sự kiểm duyệt chặt chẽ Internet khiến cho hoạt động truyền tin ra nước ngoài rất khó khăn. Do vậy, để hiểu được những gì đang thực sự xảy ra ở Trung Quốc đại lục, nhiều chuyên gia và kênh truyền thông chuyên ngành phải sử dụng nguồn tin là các “nhà báo công dân” – những người cung cấp thông tin nội bộ hoặc những người Trung Quốc lưu vong biết rõ nội tình của đất nước.

Tuy vậy, tất cả số liệu và thống kê về Trung Quốc vẫn chỉ là ước tính gần đúng và thường là tồi tệ hơn những gì được nhà nước Trung Quốc công bố.

Một ví dụ cụ thể, nhiều chuyên gia và các kênh truyền thông chuyên ngành cho rằng có hàng trăm triệu người dân Trung Quốc ở cả nông thôn và thành thị đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, không có nước uống và điện, không được tiếp cận với bệnh viện, gieo trồng được gì thì ăn nấy để sống qua ngày.

Ấy vậy mà vào năm 2020, dựa trên số liệu tự thống kê, Trung Quốc đã tuyên bố với toàn thế giới rằng nước này đã xóa đói giảm nghèo thành công, rằng việc Trung Quốc thoát nghèo là một “kỳ tích”, dù rằng không có tổ chức độc lập hay chính phủ nào trên thế giới có thể chứng minh điều này là đúng.

“Phép màu Trung Quốc”

Trong khi phần nhiều các nước ở châu Á đều phát triển thịnh vượng lên thì dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Trung Quốc lại bị bần cùng hoá. Chiến dịch Đại nhảy vọt (1958-1962) đã gây ra nạn đói khủng khiếp khiến hơn 10 triệu người Trung Quốc phải bỏ mạng vì lý tưởng “công nghiệp hóa Trung Quốc” của Mao Trạch Đông. Các cuộc vận động chính trị liên miên cũng như những chủ trương tệ hại khác của ĐCSTQ lại càng đẩy Trung Quốc sâu hơn xuống vực thẳm của đói nghèo và tuyệt vọng.

Để cứu vãn tình thế suy giảm quyền lực, Đặng Tiểu Bình đã quyết định mở cửa thị trường Trung Quốc. Chỉ trong vòng vài năm, nguồn lao động dồi dào giá rẻ của Trung Quốc đã thu hút rất nhiều công ty đang loay hoay tìm cách cắt giảm chi phí, và dần dần biến Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.

Vào năm 1989, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đã đáp lại phong trào đòi dân chủ của sinh viên một cách bạo lực bằng lực lượng quân đội và dùng xe tăng cán chết hàng nghìn người Trung Quốc vô tội trong sự kiện Thảm sát Thiên An Môn. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn giúp đỡ ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Kể từ đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã sang một trang mới.

Chúng tôi sẽ phân tích các yếu tố bên ngoài đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các yếu tố bên trong hay các chính sách trong nước đã làm cho tình hình thêm trầm trọng.

Yếu tố bên ngoài/khách quan:

Chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ

Rõ ràng là cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018 đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, cho dù các quan chức ĐCSTQ đã cố gắng phản kháng.

Theo dữ liệu chính thức, từ năm 2018, GDP của Trung Quốc bắt đầu sụt giảm, cộng thêm ảnh hưởng từ đại dịch năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc đã giảm từ mức tăng trưởng hơn 6% hàng năm xuống còn 2,3% vào năm 2020 (dữ liệu năm 2021 chưa được công bố).

Động cơ dẫn đến hành động của ông Trump là nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bởi vì gã khổng lồ châu Á luôn xuất nhiều hơn nhập. Không chịu ngồi yên, ĐCSTQ đã đáp trả quyết liệt bằng cách áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Hoa Kỳ. Dẫu vậy, hiệu ứng truyền thông từ chiến dịch của Trump đã ảnh hưởng đến một số đồng minh của Hoa Kỳ và làm giảm sự phụ thuộc của các nước này vào Trung Quốc.

Theo báo cáo của Forbes, chiến tranh thương mại đã làm giảm lượng trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ khi thuế quan được áp dụng, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu ước tính cũng đã giảm 25 tỷ USD.

Và dù rằng trong 9 tháng đầu năm 2021, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã tăng vọt 19% và nhập siêu tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, song tranh chấp giữa hai nước vẫn tiếp diễn, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Theo báo cáo của South China Morning Post, trong số 500 doanh nghiệp lớn của Mỹ có nhà máy tại Trung Quốc, có 50 doanh nghiệp đã chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á khác, bao gồm cả Apple, Dell, Hewlett Packard và Nintendo. Động cơ của các doanh nghiệp này là tránh khỏi làn đạn thuế từ phía hai nước Trung – Mỹ mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm cuối cùng của họ.

Đại dịch

Mặc dù không thể được coi là một yếu tố hoàn toàn khách quan, nhưng việc đại dịch khởi phát từ thành phố Vũ Hán đã làm trầm trọng thêm sự suy thoái kinh tế Trung Quốc, chủ yếu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong tình trạng khẩn cấp y tế – đa phần được sản xuất tại Trung Quốc. Đại dịch cũng buộc nhiều chính phủ phải nghiêm túc suy xét về việc phụ thuộc vào nước khác để làm giảm tác động của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như vậy.

Một báo cáo của Gartner cho biết, 33% các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng đã chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc hoặc đã lên kế hoạch sẽ làm như vậy vào năm 2023.

Báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát với 260 nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng toàn cầu. Những người tham gia khảo sát cho biết lý do quan trọng nhất là việc tăng thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến chi phí sản xuất ở Trung Quốc và các nước châu Á khác, thậm chí tại địa phương, gia tăng đáng kể.

Kamala Raman, giám đốc phân tích cấp cao của chuỗi cung ứng Gartner cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng các mức thuế do chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt trong những năm gần đây đã làm chi phí chuỗi cung ứng của hơn 40% doanh nghiệp tăng lên tới 10%. Hơn 1/4 số người được khảo sát cho biết tác động thậm chí còn lớn hơn”.

Bà Raman cũng nói thêm: “Các địa điểm thay thế phổ biến nhất là Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Lý do chính thứ hai để chuyển doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc là các nhà quản lý chuỗi cung ứng muốn mạng lưới của họ linh hoạt hơn”.

Vào tháng 7 năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản trợ cấp hơn 2 tỷ USD cho các công ty Nhật Bản rời Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Theo Japan Forward, chương trình này được gọi là “China exit” (tạm dịch: “Rời khỏi Trung Quốc”), với khoảng 87 công ty đã đồng ý nhận trợ cấp của chính phủ để chuyển hoạt động sản xuất của họ trở lại Nhật Bản hay tới các nước châu Á khác.

Năm 2010, Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu của Apple, thông báo rằng họ sẽ chuyển 30% sản lượng sang Việt Nam, đầu tư 1 tỷ USD vào một nhà máy ở Ấn Độ và không còn hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc nữa.

Các chính sách của ĐCSTQ: Các yếu tố trong nước

Không giống như ở các nước đang phát triển khác, tại Trung Quốc, Đảng điều tiết và kiểm soát tất cả các khía cạnh của nền kinh tế ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Do đó, không thể coi Trung Quốc là một thị trường tự do, và [thực tế là] sự tăng trưởng hay trì trệ của kinh tế Trung Quốc chính là kết quả của các chính sách nhà nước.

Ở các nước phi cộng sản, mặc dù nhà nước điều tiết khu vực tư nhân ở một mức độ nhất định, nhưng nhìn chung, các công ty và các cá nhân được tự do đưa ra quyết định và thị trường biến động một cách tự nhiên.

Khi phân tích nền kinh tế Trung Quốc, cần nhớ một điều quan trọng là không có gì thoát khỏi sự giám sát hoặc kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Như chúng ta sẽ thấy bên dưới, các quyết sách thường phục vụ lợi ích của Đảng chứ không phải vì nền kinh tế của đất nước.

Gia tăng chi phí lao động

Một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và tay nghề cao. Theo Fox News đưa tin, năm 2017, ​​mức thu nhập của người Trung Quốc tăng tới 20%.

Năm ngoái, nhờ chính sách “Thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình, tiền lương ở Trung Quốc đã gia tăng trở lại. Theo Nikkei, mức thu nhập đã tăng từ 254USD mỗi tháng lên 370USD.

So với các nước Đông Nam Á khác cũng là điểm đến của các công ty lớn, giá nhân công Trung Quốc đã không còn cạnh tranh như trước. Đó là lý do mà nhiều công ty đã tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc.

Ví dụ, năm 2020, các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất đã phải trả mức lương cơ bản trung bình là 531USD/tháng ở Trung Quốc, nhưng con số chỉ là 447USD ở Thái Lan và 250USD ở Việt Nam.

Sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực công nghệ và giáo dục:

Lĩnh vực công nghệ

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái, ĐCSTQ đã quyết định áp dụng các quy định mới đối với lĩnh vực công nghệ, bao gồm Luật An toàn dữ liệu, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và các biện pháp chống độc quyền khác, tác động lớn đến nền kinh tế.

Theo quy định mới, các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải lưu trữ dữ liệu của khách hàng trên các máy chủ địa phương. Đồng thời, các công ty có hơn 1.000.000 người dùng không được chia sẻ dữ liệu của họ với các tổ chức nước ngoài.

Đối với các công ty trong nước, điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Trung Quốc sẽ quyết định xem họ có được phép hoạt động trên các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài hay không.

Trường hợp đáng chú ý nhất là công ty Didi, cung cấp dịch vụ cho thuê xe tương tự như Uber.

Sau khi Didi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại phố Wall mà không có sự “chấp thuận” của chính quyền Trung Quốc, ĐCSTQ đã mở một cuộc điều tra về công ty và cáo buộc Didi vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Chính quyền đã xóa tất cả các ứng dụng của Didi khỏi các cửa hàng trực tuyến ở Trung Quốc và công ty này buộc phải rút khỏi phố Wall với tổn thất lên tới hàng triệu đô-la.

Vì Jack Ma, người sáng lập Alibaba – gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến, dám chỉ trích ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ khu vực tư nhân, chính quyền Trung Quốc đã buộc Ant Group của ông rời khỏi phố Wall. Ngoài ra, ĐCSTQ còn buộc tập đoàn này phải đăng ký là một công ty tài chính và giáng án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc Ant Group độc quyền.

Tencent, nhà phát triển ứng dụng Tik Tok, cũng đã phải hủy bỏ thương vụ sáp nhập với một dịch vụ âm nhạc bởi quy định của luật chống độc quyền.

Theo South China Morning Post, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc – một lĩnh vực đang thu hút phần lớn cử nhân đại học, đã mất tổng cộng 1 nghìn tỷ USD. Đây là một nguồn thuế đáng kể đối với Trung Quốc.

Các công ty như Yahoo và Linkedin đã tuyên bố rút khỏi Trung Quốc đại lục bởi vì“môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng khó khăn”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lĩnh vực công nghệ đóng góp gần 40% GDP của Trung Quốc. Cuộc tấn công của chính quyền vào lĩnh vực này là một bí ẩn đối với nhiều nhà quan sát. Nhiều người đã dự đoán sẽ xảy ra một sự sụt giảm nghiêm trọng trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn luôn là một trong những trụ cột mà ĐCSTQ dựa vào để hợp pháp hóa chính quyền của mình.

Ngay cả lĩnh vực trò chơi điện tử và giải trí cũng bị ảnh hưởng. Chính quyền không cho phép phát triển các trò chơi có chủ đề như luân hồi, ma quỷ và thế giới tự nhiên; tác phẩm tiểu thuyết không được phép có các nhân vật cực đoan; còn phim truyền hình thì phải thể hiện những điều tốt đẹp và giản dị của cuộc sống đời thường.

Giáo dục tư nhân

Vào tháng 7 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước đã ban hành các quy định mới cấm các công ty vì lợi nhuận cung cấp dịch vụ dạy thêm cho các môn học chính và cấm đầu tư nước ngoài vào các công ty như vậy. Tức là sẽ không có doanh nghiệp giáo dục tư nhân vì lợi nhuận mới nào được cấp phép và tất cả các doanh nghiệp hiện có sẽ phải đăng ký hoạt động phi lợi nhuận.

Nói cách khác, tất cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư nhân không được tính phí cho các lớp học của họ.

Ngành này ước tính có khoảng 10 triệu nhân viên. Một trường hợp điển hình là công ty New Oriental, đã thông báo sa thải hơn 50.000 nhân viên do các quy định mới.

New Oriental tập trung vào việc chuẩn bị cho học sinh Trung Quốc tham gia các kỳ thi để du học Hoa Kỳ, tuy nhiên sau đó nó đã phải đóng chương trình đào tạo.

Các chuyên gia coi những quy định này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền Trung Quốc đang tìm cách cắt đứt ảnh hưởng của phương Tây trong xã hội Trung Quốc, bởi vì trong lĩnh vực giáo dục tư nhân, học sinh được tiếp xúc với các phương pháp và nội dung giảng dạy của các nước khác.

Chính sách “Zero COVID”

Để đối phó với virus Corona, ĐCSTQ đã sử dụng các biện pháp cực đoan như nhốt người dân trong nhà hay dựng hàng rào an ninh với sự giám sát của cảnh sát nhằm đảm bảo rằng không ai được phép ra vào.

Sự phong tỏa đã gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng, bởi không có cách nào để đến cảng lấy hàng và vận chuyển. Hoạt động vận chuyển hàng hóa bị đình trệ đã dẫn đến gia tăng chi phí vận chuyển.

T2M là một công ty có trụ sở ở California, chuyên sản xuất cần điều khiển iPhone và các linh kiện ở nhiều nước châu Á, lắp ráp chúng ở Trung Quốc và sau đó vận chuyển thành phẩm đến Hoa Kỳ. Giám đốc điều hành công ty, ông Fraser Townley, chia sẻ với Vision Times rằng trước đây công ty chỉ phải trả 3.500USD cho mỗi container, nhưng đến năm 2021, sau khi các lệnh phong tỏa về đại dịch được dỡ bỏ, chi phí đã tăng lên tới 18.000USD cho một container.

Do đó, T2M đang xem xét chuyển địa điểm lắp ráp sản phẩm của mình từ Trung Quốc sang California vì chi phí vận chuyển khiến cho việc tiếp tục ở lại Trung Quốc rơi vào tình cảnh lợi bất cập hại.

Một báo cáo năm 2020 của trang tin tức Đức D.W. cho biết các quan chức ĐCSTQ và truyền thông nhà nước đang mạnh tay hơn với các giám đốc điều hành công ty nước ngoài sau đại dịch.

Nhiều giám đốc điều hành xác nhận rằng họ không được phép trở lại công ty của mình, nhân viên của họ không được cho vào khu vực làm việc và họ nhận thấy rằng tin tức trên các kênh truyền thông nhà nước có vẻ như đang chĩa mũi nhọn về phía các công ty châu Âu.

Tẩy chay các công ty Hàn Quốc

Năm 2017, sau khi Hàn Quốc ký thỏa thuận cấp đất cho Mỹ để lắp đặt hệ thống tên lửa như một phần của các thỏa thuận an ninh thông thường giữa hai quốc gia, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay các thương hiệu Hàn Quốc.

Sau khi đồng ý bàn giao đất để triển khai hệ thống tên lửa này, Lotte Mart – chuỗi trung tâm mua sắm của Hàn Quốc khá phổ biến tại Trung Quốc, đã phải hứng chịu sự trả đũa mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc. Có ít nhất 10 cửa hiệu Lotte Mart trên khắp Trung Quốc đã bị đóng cửa vì “vi phạm quy định về an toàn hỏa hoạn”.

Theo South China Morning Post (SCMP), hàng chục người Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình trước các cửa hiệu của Lotte vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sự việc này có thể là do các quan chức địa phương Trung Quốc đã bỏ tiền để thuê người gây rối.

Lotte Mart có ít nhất 20.000 nhân viên người Trung tại các cửa hiệu trên khắp Trung Quốc.

Samsung cũng đã đóng cửa tất cả các nhà máy của mình ở Trung Quốc và hoàn toàn ngừng sản xuất tại đây vào năm 2019. Một số kênh truyền thông đã đưa tin rằng những nơi Samsung rời đi giờ đây đã trở thành các thị trấn ma.

Nối gót các công ty trên là hãng xe hơi Kia. Kia buộc phải đóng cửa một nhà máy lớn vào năm 2019 do doanh số bán hàng giảm.

Cùng năm đó, gã khổng lồ Hyundai cũng đành phải đóng cửa nhà máy ở Bắc Kinh sau khi báo cáo khoản lỗ 1 tỷ USD.

Mặc dù có thể cuộc tẩy chay đã đạt được mục tiêu, nhưng thiệt hại về tài sản đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng rất to lớn.

Vấn đề nhân quyền ở Tân Cương

Các công ty lớn như Adidas, Nike và Apple đã bị dính líu đến bê bối đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương do sử dụng bông vải và lao động cưỡng bức trong dây chuyền sản xuất.

Một báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố cho biết những thương hiệu lớn này đã được hưởng lợi từ việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương và khắp Trung Quốc, dưới một chiến dịch đàn áp có hệ thống của chính quyền Trung Quốc.

Sau vụ bê bối, Adidas đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Apple cũng đầu tư vào Ấn Độ và Việt Nam, mặc dù vẫn phải đối mặt với những thách thức khi di chuyển ra khỏi Trung Quốc bởi Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng cần thiết.

Hai tập đoàn lớn khác là Dell và Sony cũng đã rời Trung Quốc do môi trường thù địch và hiệu suất bán hàng thấp.

Đánh cắp dữ liệu

Trong chiến tranh thương mại, chính quyền Trump đã cấm các thiết bị mang nhãn hiệu Huawei tại Hoa Kỳ, với cáo buộc rằng công ty này có hoạt động gián điệp và thông tin về dữ liệu cá nhân của người dùng Hoa Kỳ đã bị gửi đến máy chủ ở Trung Quốc. Một khiếu nại tương tự cũng đã được đưa ra cho Tik Tok.

Cáo buộc đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Huawei tại Vương quốc Anh và các quốc gia khác. Trước thái độ chắc chắn của Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Mike Pompeo, Anh đã hủy hợp đồng lắp đặt thiết bị Huawei trong mạng di động 5G ở nước này.

Nhà cung cấp ứng dụng họp trực tuyến Zoom là một trong những công ty Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng từ vụ việc của Huawei.

Bởi vì Zoom có máy chủ ở Trung Quốc nên theo quy định của ĐCSTQ, công ty phải chia sẻ dữ liệu với các cơ quan tình báo nhà nước. Do vậy, vào tháng 8 năm 2020, Zoom đã ra thông báo rằng họ ngừng tất cả hoạt động bán hàng trực tiếp cho người dùng Trung Quốc.

Nạn thất nghiệp

Sự ra đi của các công ty lớn, chiến tranh thương mại và cuộc tấn công của chính quyền vào lĩnh vực công nghệ và giáo dục tư nhân đã đồng loạt hạ gục nền kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không đủ vốn để giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính và đành phải chấp nhận gánh chịu hậu quả.

Vào tháng 12 năm 2021, một báo cáo cho biết 4,37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã phải đóng cửa, với số lượng liên doanh mới thấp hơn 3 lần so với trước đây.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc tạo ra tới 60% doanh thu từ thuế của quốc gia.

Theo báo cáo của SCMP, tính đến tháng 4 năm 2020, hơn 200 triệu người Trung Quốc rơi vào tình trạng thất nghiệp, vì bị mất việc làm trong đại dịch hoặc không thể tìm được việc khi cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, con số trên thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều do sự thiếu minh bạch của các cơ quan nhà nước.

Năm ngoái, Amazon đã bắt đầu “dẹp” các gian hàng Trung Quốc ra khỏi nền tảng thương mại điện tử của mình, cáo buộc các công ty Trung Quốc đã trả tiền để nhiều người bình luận nói tốt cho sản phẩm của mình trên Amazon nhằm nâng cao danh tiếng.

Theo Vision Times, hơn 250.000 gian hàng đã bị đóng trong chiến dịch dọn dẹp này, 50.000 người bán bị ảnh hưởng và doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc chịu tổn thất 15,8 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, có hơn 3 triệu công ty tham gia bán hàng trực tuyến với khoảng 50 triệu nhân viên.

Phí tổn chính trị cho các quyết sách của ĐCSTQ

Có thể nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào suy thoái, trong khi các quyết sách của ĐCSTQ càng làm tình hình thêm trầm trọng và thường đặt lợi ích của Đảng lên trước lợi ích của nhân dân.

Không giống như ở các quốc gia tự do khác, các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ không cần dè chừng dư luận – vốn bị giám sát chặt chẽ bởi truyền thông nhà nước và cảnh sát mạng, cũng không sợ bị mất ghế vì chỉ cần tìm một con dê thế tội, để người đó thay các nhà lãnh đạo Đảng gánh chịu trách nhiệm về những sai lầm đã dẫn đến thảm họa.

Ví dụ như trường hợp của Evergrande, công ty xây dựng Trung Quốc lớn nhất thế giới.

Trong nhiều năm, Evergrande đã vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc và cùng với nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn này đã tiến hành xây dựng ồ ạt rất nhiều dự án. Thông thường, trong khi vẫn còn những dự án thi công dang dở, Evergrande lại đã bắt đầu một dự án mới.

Evergrande chiếm gần 25% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong vài năm qua, nhưng chỉ sau một đêm, nó đã sụp đổ. Tập đoàn gánh khoản nợ 300 tỷ USD, hàng nghìn người không có nhà ở dù đã thanh toán hết chi phí, hàng triệu nhà cung cấp, công ty và nhà thầu có liên quan cũng mất việc làm.

Dưới chế độ cầm quyền của Trung Quốc, nếu không được ĐCSTQ chống lưng và nếu không hối lộ cho các quan chức, thì chắc chắn Evergrande không thể đạt được những thành tựu như nó đã từng, không thể tạo ra một bong bóng bất động sản khổng lồ như vậy, cũng không đi đến kết cục như ngày hôm nay.

Tuy vậy, các báo cáo truyền thông vẫn bàn luận về khả năng Đảng sẽ “giải cứu hoặc ngăn chặn” sự sụp đổ hoàn toàn của Evergrande như một “vị cứu tinh”, bỏ qua thực tế rằng chính ĐCSTQ đã gián tiếp gây ra khủng hoảng này.

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc được cho là một trụ cột cho tính chính danh của ĐCSTQ. Đảng tuyên truyền rằng “nhờ có ĐCSTQ”, Trung Quốc mới được hưởng thịnh vượng. Như vậy, sự sụp đổ kinh tế trong ba năm qua cũng có thể là đang báo hiệu cho sự sụp đổ của chính quyền Trung Quốc, hoặc ít nhất phí tổn chính trị sẽ là rất cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới