Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông không hề “nguội”

Biển Đông không hề “nguội”

Cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Qua bốn lần đàm phán mới chỉ xuất hiện một vài dấu hiệu tích cực. Một số nhà phân tích cho rằng, trong lúc nổ ra chiến tranh ở Ukraine có thể Trung Quốc sẽ nghe ngóng và tạm dừng các hành động gây hấn. Song không phải như thế. Tình hình Biển Đông không hề “nguội”.

Tiêm kích J-11B của Trung Quốc.

Điều mà nhiều nhà nghiên cứu quân sự phỏng đoán, Bắc Kinh sẽ chờ đợi kết quả cuộc tấn công quân sự của Moscow. Nếu Nga “thắng” và Kiev khuất phục thì Trung Quốc sẽ chơi đòn quyết định đối với Đài Loan và từ đó dấn thêm một bước trên Biển Đông. Nhưng rồi Ukraine đã “chơi rắn”. Bãi chiến trường khổng lồ này chỉ có người lính là bản địa còn hầu như từ vũ khí cho tới lương thực là của Mỹ và phương Tây. Gọi tên đây là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” là hoàn toàn có lý.

Cho nên Tổng thống Putin với tư tưởng Đại Nga, cái đầu bốc lửa đã không dễ hạ gục cựu diễn viên -Tổng thống Zelensky. Hơn một tháng đã trôi qua, cái vạc dầu Ukraine vẫn bùng cháy. Đạn pháo vẫn nổ và máu vẫn chảy. Con số thương vong cả hai bên đã lên tới vài nghìn.

Đây là bài học nhỡn tiền đối với Bắc Kinh. Không thể phô trương sức mạnh quân sự, tấn công trực tiếp, lấy quân sự để thực hiện mục đích chính trị. Thế nên, họ lại dùng chiêu bài cũ: tập trận và tập trận trên Biển Đông, một mũi tên trúng vài ba đích. Động thái này cũng khiến cho Wasinghton nhảy dựng. Mỹ cũng vội điều tầu chiến hiện đại tới khu vực này. Mỹ cũng nhanh chóng tổ chức tập trận cùng Philippinees trong những ngày tháng 3 vắt sang tháng 4.

Cụ thể, hôm 28/3, quân đội Mỹ và Philippines đã khởi động cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc tập trận mang tên Balikatan 2022, kéo dài trong 12 ngày trên đảo Luzon, với sự tham gia của khoảng 9.000 binh sĩ. Không chỉ dài về thời gian, đông về quân số, mà nội dung cũng nhiều gấp bội: bảo đảm an ninh hàng hải, các hoạt động đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Điều mà Wasinghton nhắn gửi phải chăng là: chúng tôi luôn theo sát và có phản ứng với các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục leo thang như thế nào? Tuần trước, Cổng thông tin điện tử của Cục Hải sự (MSA) Trung Quốc thông báo cho biết, nước này sẽ tập trận liên tục ở Biển Đông trong tháng 4. Cụ thể, một cuộc tập trận vào khoảng đầu tháng 4, theo tờ South China Morning Post. Khu vực tập trận nhiều khả năng nằm gần bờ biển phía đông nam đảo Hải Nam. Trung Quốc đã cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan. Trước đó, quân đội Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc tập bắn đạn thật ở phía bắc Biển Đông từ ngày 25 đến 26/3.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) thông tin: Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam đã bổ sung vào đội hình tham gia diễn tập thường xuyên nhiều tiêm kích J-11B. Loại tiêm kích này có phần nắp chụp radar trước mũi màu xám, không giống màu đen của các phiên bản gốc. Có khả năng nó đã được nâng cấp radar với hệ thống quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại hơn. Việc tăng cường các dòng chiến đấu cơ hiện đại và khả năng bay kéo dài ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường năng lực không quân ở vùng biển này.

Không chỉ có vậy, theo Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) John Aquilino, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất việc quân sự hóa trên ba thực thể: đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam).Ông Aquilinoocho hay: “Các thực thể đó có chức năng mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài bờ biển của nước này. Họ có thể cho tiêm kích và oanh tạc cơ xuất kích, cộng thêm khả năng tấn công bằng tên lửa”.

Quân đội Trung Quốc tuyên bố, bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào bay qua khu vực Biển Đông cũng dễ dàng lọt vào tầm bắn của các hệ thống tên lửa Trung Quốc được triển khai trên ba thực thể nêu trên. Đây thật sự trở thành mối đe dọa và là lý do đáng quan tâm đối với Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Indonesia… cũng như toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế.

Trước những động thái ngang ngược đó, phản ứng đầu tiên của Mỹ là điều tàu do thám vào Biển Đông. Không chỉ có Mỹ, các nước Anh, Pháp, Đức cũng tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông. Cùng thời gian Trung Quốc tập trận, Mỹ đã điều căn cứ viễn chinh di động kiêm tàu do thám USS Miguel Keith vào Biển Đông. Với lượng giãn nước hơn 90.000 tấn, USS Miguel Keith là một trong những tàu chiến lớn nhất trong biên chế, chỉ đứng sau các tàu sân bay Mỹ.

Tàu USS Miguel Keith từng đóng vai trò chủ lực trong cuộc diễn tập chung Mỹ – Nhật Noble Fusion hồi tháng 2. Sắp tới tàu này có thể sẽ tham gia nhiều cuộc tập trận và sự kiện quân sự ở Biển Đông cùng các khu vực lân cận. Ngoài tàu USS Miguel Keith, còn ba do thám khác của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông và cận Biển Đông từ giữa tháng 3 đến nay. Đó là, tàu khảo sát đại dương USNS Bowditch ở phía nam đảo Hải Nam; tàu giám sát đại dương USNS Effective ở phía bắc bãi cạn Scarborough và tàu giám sát đại dương USNS Loyal ở phía đông Đài Loan.

Vậy là, “thời tiết” Biển Đông tháng 4 vẫn rất nóng! Các quốc gia trong khu vực không thể chủ quan, “kê cao gối ngủ”. ASEAN vẫn còn nợ việc lớn là hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (UNCLOC) rên Biển Đông. Trung Quốc vẫn thản nhiên “khuyên” Nga và Ukraine nên tăng cường đấu tranh ngoại giao, đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, tránh đổ máu vô ích. Rằng, Trung Quốc luôn giữ vai trò như lực lượng duy trì hòa bình của thế giới. Trung Quốc luôn đứng về phía duy trì hòa bình và phản đối chiến tranh. Điều này không chỉ gắn liền với lịch sử và văn hóa của Trung Quốc, mà còn là chính sách đối ngoại Trung Quốc luôn cam kết (!)

Nói thì như sách. “Khuyên” thì như lời moi từ gan ruột. Nhưng chớ có vội tin! Nhưng không ai “khuyên” được Trung Quốc. Thật ra, cái vạc dầu trên Biển Đông do Bắc Kinh nhóm lửa mới là điểm nóng lâu dài nhất đe dọa hòa bình khu vực và thế giới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới