Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiReam - chuyện riêng của Campuchia?

Ream – chuyện riêng của Campuchia?

Ream là một căn cứ của Hải quân Hoàng gia Campuchia nằm trên bờ biển Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Sihanoukville, Campuchia. Vài năm nay, nơi này bỗng như thành một điểm nóng tranh chấp giữa các cường quốc.

Ảnh vệ tinh hai tòa nhà được xây dựng cấp tốc tại căn cứ Ream của Campuchia.

Sao có chuyện tranh chấp khi Ream hoàn toàn nằm trên lãnh thổ của Campuchia? Thực ra, tranh chấp chỉ là một cách nói. Đúng hơn, căn cứ hải quân này, từ vài năm nay, thành điểm cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Mỹ. Mỹ và Trung Quốc cùng nhìn thấy Ream có ý nghĩa quan trọng trong chính sách đối với các quốc gia trong khu vực và Thái Bình Dương. Chính thế, cả hai đều ra sức tranh thủ PhnomPenh để được biệt đãi. Với Mỹ, từ năm 2010, Ream là nơi diễn ra các cuộc tập trận hải quân và huấn luyện chung hàng năm giữa Campuchia và Mỹ trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng Chiến đấu trên Biển.

Tuy nhiên, trong câu chuyện Ream, với Mỹ, Campuchia cũng chỉ mặn mà đến vậy. Bằng chứng là đầu năm 2019, Campuchia từ chối thằng thừng việc Mỹ đề nghị giúp Campuchia sửa chữa, nâng cấp quân càng này. Những tưởng được vồ vập, thì lại bị ghẻ lạnh, Mỹ đã bực bội gửi một lá thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia yêu cầu cung cấp thông tin, thực chất chất vấn về cái lắc đầu phũ phàng đó.

Chuyện càng trở nên căng thẳng khi tháng 6 năm 2021, Campuchia đã từ chối cấp quyền tiếp cận đầy đủ căn cứ Ream đối với tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại PhnomPenh, khiến ông này tự ái, hủy bỏ chuyến công cán. Thậm chí, nhà lãnh đạo Campuchia, Thủ tướng Hunsen, sau đó nửa năm, trong buổi lễ khánh thành một số cây cầu ở Sihanoukville, đã giận giữ nhắc lại sự việc mà rằng: “Căn cứ hải quân Ream không phải là một nơi dành cho các tên trộm và kẻ cướp. Quý vị có thể nói bất kỳ điều gì quý vị muốn. Tôi đã cho phép quý vị đến thăm, không phải để điều tra hay kiểm tra. Hãy phân biệt ý nghĩa của việc thăm viếng và kiểm tra. Quý vị nên biết rõ nhiệm vụ của mình. Hành động của quý vị vi phạm chủ quyền Campuchia và luật pháp quốc tế”.

Câu nói sỗ sàng của ông Hunsen hiển nhiên là làm Washington khó chịu.Chỉ có điều, không phải vì thế mà Ream bị đặt trong sự soi mói liên tục của Mỹ. Điều Mỹ quan ngại nhất trong câu chuyện này là: lắc với Mỹ, nhưng ông Hunsen có gật đầu với Trung Quốc?

Tham vọng của Trung Quốc thì cộng đồng quốc tế đều biết. Không chỉ muốn cả Biển Đông, Bắc Kinh còn muốn chứng tỏ, họ là cường quốc biển thực sự trên Thái Bình Dương, gắn với những lợi ích khác. Chính thế, họ thèm muốn một căn cứ có vị trí tiền đồn chiến lược và trung gian như Ream. Một vị trí như thế không chỉ tăng thêm số căn cứ quân sự ở nước ngoài, ít nhất là trên Thái Bình Dương mà họ hiện đang quá lép vế so với đối thủ Mỹ, mà còn là bàn đạp mở rộng mạng lưới hoạt động quân sự ở khu vực cửa ngõ kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương – nơi lâu nay, Mỹ mặc sức tung hoành ngang dọc như chỗ không người.

Trở lại câu chuyện Ream, trong cuộc chạy đua với Mỹ, Trung Quốc rõ ràng là có lợi thế. Trung Quốc, không chỉ thời điểm này, mà kể cả chặng dài phía trước, đã và sẽ tiếp tục là nhà cung cấp viện trợ kinh tế lớn nhất cho Campuchia, trong đó có các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tăng cho căn cứ Hải quân Ream và trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) toàn cầu. Đồng thời, khác với sự dè dặt của một số nước khác trong Asean, Campuchia chẳng hề nề hà khi thể hiện công khai sự gần gũi với Trung Quốc. Ngày 2/6/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết Trung Quốc sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân Ream của Campuchia.

Dù ông Tea Banh ý tứ rào đón Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận căn cứ này, thì tuyên bố của ông Tea Banh vẫn làm cho Washington khó chịu vì thừa hiểu PhnomPenh chơi trò láu cá, định dùng Trung Quốc để mặc cả với Mỹ.

Đối phó lại, năm 2021, bất chấp việc Campuchia tuyên bố chỉ nhận viện trợ từ Trung Quốc để hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream, nhưng sẽ không cho Trung Quốc độc quyền vận hành căn cứ, Mỹ vẫn liên tục phản đối diễn biến tại Ream; tung ra bằng chứng, nhất là các ảnh chụp từ vệ tinh, cáo buộc sự hiện diện đáng ngờ của quân đội Trung Quốc. Washington còn dùng một giải pháp vẫn thường dùng một khi quốc gia nào đó khiến họ mếch lòng: cấm vận về quân sự. Gần đây, Mỹ đã đặt lệnh cấm vận vũ khí và mở rộng các hạn chế xuất khẩu đối với Campuchia. Tất nhiên, ngoài lý do trừng phạt Campuchia tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc, Mỹ thừa khôn khéo để viện dẫn thêm những quan ngại về nhân quyền ở Campuchia, nhằm đẩy Campuchia vào thế cô lập.

Sở hữu một căn cứ hải quân có vị trí chiến lược như Ream ngỡ là một lợi thế của Campuchia. Tuy nhiên, trò chơi hai mặt rất có thể sẽ tiếp tục đẩy Campuchia vào thế kẹt trong cuộc đấu giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới