Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiToàn cầu hóa sẽ ra sao?

Toàn cầu hóa sẽ ra sao?

Cuộc Cách mạng Khoa học- kỹ thuật đã làm cho năng lực sản xuất của thế giới phát triển nhanh chóng, tạo ra khối lượng hàng hóa và vật chất ngày càng lớn. Tuy nhiên, trong hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều vấn đề kinh tế – xã hội và môi trường mà loài người đã và đang phải đối mặt, từng quốc gia không thể giải quyết được. Câu hỏi đặt ra là, những biến động to lớn đó tác động như thế nào đến quá trình toàn cầu hóa?

Trong mấy năm nay, nhiều cuộc biến động lớn nối tiếp nhau. Kinh hoàng nhất là đại dịch Covid-19 loang nhanh như một cơn bão khắp toàn cầu, bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Những thiệt hại về tính mạng, tài sản là vô cùng lớn, không kém gì một cuộc chiến tranh thế giới.

Rồi cuộc chiến thương mại thuế quan giữa hai cường quốc Mỹ-Trung Quốc; cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng Ukraine không dễ kết thúc trong một vài tháng, dù có lạc quan đến mấy. Nga-Ukraine xung đột kéo theo cuộc chiến tranh kinh tế tàn khốc giữa Nga với Mỹ và Châu Âu. Cần phải lưu ý một cuộc chiến lâu dài, phức tạp, căng thẳng do những âm mưu thôn tính Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Và không chỉ có Biển Đông, Trung Quốc đang vươn cái vòi bạch tuộc tới vùng biển Thái Bình Dương.

Những biến động nêu trên như lưỡi tầm sét giáng vào quá trình toàn cầu hóa. Trước hết nó làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ta có thể thấy rõ hệ lụy của các cuộc chiến khiến cho nguồn nguyên liệu thô của Nga và Ukraine không sang được Châu Âu; phân bón của Nga, Belarus không đến được Châu Á; ngũ cốc và dầu thực vật từ Ukraine bị tắc nghẽn,v.v.. Ở Việt Nam, từ cuối tháng 2/2022, khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa cũng thấy rõ, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng đột biến, khiến nhiều hộ nông dân bỏ không cấy lúa.

Thực trạng đó đang đe dọa làm đảo chiều xu hướng toàn cầu hóa của thế giới.

Chuỗi cung ứng vốn là sợi dây tạo ra mạng lưới toàn cầu hóa. Chuỗi cung ứng càng bền vững, xu hướng toàn cầu hóa càng được củng cố. Khi nó bị đứt gãy thì toàn cầu hóa chỉ còn tồn tại trên ý tưởng. Trong bầu trời u ám đó, xu hướng toàn cầu hóa sẽ ra sao?

Cần phải khẳng định, toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược, bởi không một quốc gia nào có thể tự cung tự cấp tất cả mặt hàng cho người dân. Nó sẽ tồn tại và tiếp diễn, tuy nhiên có những điều chỉnh, thích nghi cho phù hợp điều kiện mới. Hôm 6/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rất thực tế: “Bát cơm của người dân phải chứa đầy lương thực của Trung Quốc. Thực phẩm của người Trung Quốc phải do người Trung Quốc làm ra và nằm trong tay của người Trung Quốc”. Còn với Tổng thống Mỹ Joe Biden từng ký sắc lệnh ủng hộ một chiến dịch mang tên “made in America” mang các nhà máy trở về nước Mỹ.

Động thái của hai “Ông lớn” thể hiện tính chủ động, phát huy nội lực khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy. Cả hai “Ông” đều  có vẻ như quên một điều, rằng chính Bắc Kinh và Washington đã góp phần thêm dầu vào lửa cho việc chặt đứt mắt xích của hành trình toàn cầu hóa.

Có hai thay đổi lớn trong xu hướng mới của toàn cầu hóa: Các nước sẽ tìm mọi cách để tự cung tự cấp những mặt hàng có thể cho người dân trong nước mình, trở lại ưu tiên nền kinh tế tự cung tự cấp; chuyển hướng làm ăn, nhập khẩu hàng hóa sang những quốc gia thân thiện về mặt chính trị.

Hai xu hướng này tạm thay cho xu hướng toàn cầu hóa như trước đây, do tâm lý lo ngại các cuộc xung đột mới sớm muộn rồi cũng diễn ra. Đó là những mâu thuẫn tiềm tàng, như việc xung đột Trung Quốc-Đài Loan; Hàn Quốc – Triều Tiên; Ấn Độ – Pakistan; Mỹ-Iran; các cuộc nội chiến ở Nam Sudan, Yemen, Lybia, Syria, Afghanistan, Iraq; bạo lực hình sự ở Mexico; đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, bất ổn chính trị tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Lebanon, Venezuela, Ethiopia, v.v..  

Khi các nước thủ thế sẽ tạo ra một sức ỳ, một lực hãm cỗ xe kinh tế. Chẳng hạn, khi Trung Quốc chủ trương thúc đẩy an ninh lương thực trong nước thì sẽ làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu lương thực, kéo theo giảm nhu cầu xuất khẩu ở các quốc gia nước ngoài là đối tác của họ. Tác động kinh tế sẽ kéo theo vai trò của luật pháp quốc tế sẽ bị suy yếu.

Một xu hướng khác không mong đợi là thế giới sẽ hình thành những khối thương mại riêng lẻ làm việc theo nhóm. Nga -Trung sẽ xích lại gần nhau để “chơi” lại Mỹ. Mỹ và EU sẽ sát cánh để “choảng” Nga, Trung Quốc. Các khối thương mại này ngày càng rời xa nhau do các hố sâu ngăn cách về chính trị.  

Điều đáng sợ nhất là, khi luật pháp quốc tế suy yếu, bạo lực sẽ lại lên ngôi. Chiến tranh sẽ nổ ra, khi đó đấu tranh ngoại giao là con đường cơ bản nhất nhưng không dễ tìm được tiếng nói chung.

Ai sẽ được hưởng lợi khi xu hướng toàn cầu bị chia tách. Chắc chắn một điều, đó là các nước đứng ở vị thế trung lập. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI cũng có xu hướng sẽ tìm đến những quốc gia đứng ngoài các cuộc xung đột địa chính trị. Với chính sách ngoại giao mềm mỏng, Việt Nam đã trở thành vùng đất an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp các nước.

Rõ ràng, toàn cầu hóa trước sau gì vẫn là con đường đi tới của nhân loại. Tất nhiên nó phải tự tìm đến con đường phù hợp, dù tạm thời phải qua những khúc quanh. Quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, kinh tế phát triển hay kém phát triển cũng phải ráng tìm “cơ” trong “nguy”. Học cách thích nghi trong trạng thái bình thường mới, nhiều quốc gia đã bước đầu điều chỉnh chiến lược của mình để phục hồi và phát triển kinh tế. Và Việt Nam là một thí dụ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới