Friday, March 29, 2024
Trang chủQuân sựKhông quân TQ suýt có được 'kho vàng' từ Mỹ: Kế hoạch...

Không quân TQ suýt có được ‘kho vàng’ từ Mỹ: Kế hoạch mỹ mãn sụp đổ vào phút chót

Để chuẩn bị cho kế hoạch, 40 sĩ quan quân đội Trung Quốc đã được cử sang Mỹ. Thế nhưng, may mắn không mỉm cười với Bắc Kinh.

Một sĩ quan Không quân Trung Quốc đứng gần các máy bay chiến đấu J-10 chờ cất cánh.

Mối quan hệ hợp tác được manh nha

Năm 1979, Mỹ cuối cùng đã công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc, đặt cơ sở cho một thời gian ngắn hợp tác quốc phòng Mỹ-Trung.

Được sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao, Bắc Kinh bắt đầu mua vũ khí từ các công ty Mỹ. Trong quá trình này, họ đã nhìn thấy một cơ hội cho phép lợi dụng chuyên môn công nghệ của Mỹ để phục vụ chương trình máy bay chiến đấu thế hệ ba J-8.

Chương trình đó vốn được khởi động vào đầu những năm 1960 nhưng bị cản trở bởi tình trạng hỗn loạn trong nước, và thiếu các bí quyết kỹ thuật, từ đó tạo ra mối đe dọa đối với các nhu cầu hoạt động của Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Vào cuối những năm 1950, các nước phương Tây bắt đầu phát triển máy bay ném bom chiến lược thọc sâu thế hệ mới trang bị vũ khí hạt nhân, cũng như máy bay trinh sát có khả năng vượt trội hơn nhiều so với các máy bay tiên tiến nhất của PLAAF.

Do vậy, quân đội Trung Quốc thấy rằng họ cần có một loại máy bay chiến đấu đánh chặn hiệu suất cao, có thể bay với tốc độ tối đa lên tới Mach 2.2, trần bay trên 20.000m, bán kính chiến đấu từ 750-1.000km.

Năm 1964, Viện thiết kế máy bay Thẩm Dương (Viện 601) đã đề xuất phiên bản tăng kích cỡ của mẫu máy bay hai động cơ phản lực J-7, gọi là J-8. Đây là bản sao của mẫu MiG-21 Fishbed do Liên Xô thiết kế, nó được PLA thông qua vào năm 1965.

Quá trình sản xuất nguyên mẫu bắt đầu vào năm 1966. Chuyến bay đầu tiên của J-8 diễn ra vào năm 1969 nhưng quá trình bay thử nghiệm của máy bay đã không hoàn thành trước tháng 12/1979 vì những gián đoạn do “Cách mạng văn hóa” của Trung Quốc gây ra.

Dẫu vậy, J-8 được chứng nhận hoàn thiện thiết kế vào tháng 12/1979 và được đưa vào phục vụ PLAAF năm 1981. Mặc dù mẫu máy bay này phần nào đã đạt được các mục tiêu thiết kế ban đầu về hiệu suất, nhưng nó không có lợi thế khác biệt so với mẫu J-7 vì thiếu các thiết bị điện tử hàng không vũ trụ và vũ khí mạnh mẽ.

Trong khi đó, Viện 601 đã bắt đầu phát triển một biến thể cải tiến được gọi là J-8I vào năm 1976, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1982. Quá trình bay thử nghiệm được hoàn thành vào năm 1985 và mẫu máy bay này đã được phê duyệt để hoàn thiện thiết kế.

Tuy nhiên, ngay cả J-8I cũng không đáp ứng được các yêu cầu của PLAAF, họ yêu cầu khả năng không chiến “ngoài tầm nhìn” bằng cách sử dụng các tên lửa không-đối-không tầm trung dẫn đường bằng radar, và muốn phát triển khả năng tấn công mặt đất như khả năng phụ của máy bay.

Trong bối cảnh đó, tập đoàn Thẩm Dương đã bắt đầu phát triển một biến thể cải tiến hoàn toàn, gọi là J-8II, vào đầu những năm 1980.

J-8II có cửa hút động cơ gắn bên hông, thay vì cửa hút ở mũi [tương tự MiG-21] của J-8I, từ đó cho phép lắp một radar cỡ lớn ở thân máy bay phía trước. Theo một số báo cáo, thiết kế của J-8II cũng được hưởng lợi từ mẫu MiG-23 Flogger (Liên Xô sản xuất) mà Trung Quốc đã mua bất hợp pháp từ Ai Cập đầu những năm 1970.

J-8II cất cánh lần đầu tiên vào tháng 6/1984 nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của PLAAF do bị hạn chế bởi cảm biến, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống điện tử hàng không kém tiên tiến. Nó có tải trọng thấp và chỉ mang được 4 tên lửa không-đối-không.

Hệ thống vũ khí của J-8II cũng thua xa các đối thủ đến từ Mỹ và Liên Xô, với tên lửa AIM-7 và R-40. Vì thế, Bắc Kinh cuối cùng đã quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ cho chương trình J8. Nếu có được các thiết bị điện tử hàng không tiên tiến của Mỹ, Trung Quốc chẳng khác nào có “kho vàng” trong tay.

Kế hoạch mỹ mãn sụp đổ

Năm 1986, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã phê duyệt dự án hợp tác ‘Peace Pearl’ để giúp Trung Quốc hiện đại hóa mẫu máy bay chiến đấu J-8II, nhằm mục đích cùng nhau chống lại mối đe dọa từ Liên Xô.

Năm 1987, Cơ quan Các hệ thống hàng không của Không quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 502 triệu USD với công ty Grumman (nay là Northrop Grumman) để nâng cấp hệ thống điện tử hàng không cho khoảng 50-55 chiếc J-8II.

Gói nâng cấp này bao gồm các radar Westinghouse AN / APG-6 dùng trên mẫu tiêm kích F-16 đời đầu, hệ thống dẫn đường quán tính do Mỹ sản xuất, màn hình hiển thị thông tin trên kính lái (HUD), màn hình buồng lái đa chức năng, máy tính và ghế phóng.

Hai chiếc J-8II đã được vận chuyển tới Mỹ vào đầu năm 1989 cùng với khoảng 40 sĩ quan quân đội Trung Quốc. Những sĩ quan này sẽ tham gia các buổi thử nghiệm bay do các phi công Mỹ đảm nhiệm.

Công tác lắp đặt nguyên mẫu đã được lên kế hoạch cho hai chiếc J-8II này tại Căn cứ không quân Edwards hoặc Cảng Hàng không Vũ trụ Mojave ở California vào năm 1989.

Trong khi Mỹ cung cấp hệ thống điện tử hàng không, thì các loại vũ khí dành cho J-8II sẽ do quốc phòng Italia cung cấp. Một lô tên lửa Alenia Aspide BVR, dựa trên mẫu AIM-7E Sparrow với radar dẫn đường bán chủ động, đã được chuyển giao cho Trung Quốc giữa những năm 1980.

Sau đó, Bắc Kinh đã cải tiến chúng để phục vụ cho các mục đích phóng từ trên bộ và trên không.

Đã xuất hiện ít nhất một bức ảnh chụp J-8II trong một buồng chống dội âm ở Mỹ, đây là nơi được dùng để tích hợp các radar mới và thiết bị điện tử khác trên máy bay.

Tuy nhiên, sự hợp tác lịch sử giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Dự án đã bị hủy bỏ do lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Bắc Kinh sau đó đã phải nhờ tới Nga và Israel để được giúp đỡ trong công tác phát triển các bộ thiết bị điện tử tiên tiến. Khoảng 60 chiếc J-8II đã được sản xuất từ năm 1991-1995.

Theo các báo cáo ghi nhận, radar xung Doppler Type 1471 của J-8II được phát triển dựa trên mẫu Elta EL / M-2034 của Israel. Máy bay được trang bị tên lửa không đối không PL-12 mới với độ chính xác cao, tầm bắn 100 km và tốc độ Mach 4, ngang hàng với các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga-Mỹ vào thời điểm đó.

Ngoài ra còn có một phiên bản tối ưu hóa cho xuất khẩu được trang bị radar Phazotron Zhuk và vũ khí trang bị của Nga. J-8 là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hướng tới một mẫu máy bay phản lực nội địa hiện đại phục vụ tác chiến không-đối-không.

Biến thể tiên tiến nhất của J-8 là J-8F, cất cánh lần đầu tiên năm 2000. Hiện tại, một số đơn vị PLAAF và một trung đoàn của Hải quân PLA vẫn vận hành J-8.

Ngày nay, sau hơn 50 năm kể từ khi chiếc J-8 cất cánh lần đầu tiên năm 1969, ngành hàng không quân sự của Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể, dù vẫn đi kèm với nhiều tai tiếng. Hiện Trung Quốc đang là quốc gia thứ ba trên thế giới vận hành máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, bên cạnh Mỹ và Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới