Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCovid xen vào chuyện ngoại giao

Covid xen vào chuyện ngoại giao

Dương tính với virus Sars- CoV-2 là điều điều chẳng muốn. Nhưng với việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi nhiễm bệnh thời điểm này hóa ra hữu ích vì tạm thời tránh cho Bắc Kinh và Washington một tình huống căng thẳng.  

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy

Bà Nancy Pelosi dự định dừng chân ở Đài Loan vào ngày 10/4 sau chuyến thăm Nhật Bản. Việc thành F0 bất đắc dĩ đã khiến kế hoạch của bà phải dừng lại.

Câu hỏi đặt ra là: liệu người đàn bà quyền lực trong chính giới Mỹ là Bà Nancy Pelosi, có tiếp tục chuyến thăm hòn đảo tự trị Đài Loan, khi âm tính trở lại?

 Chưa chắc – Đó là nhận định của không ít người vốn lâu nay quan sát, theo dõi sát vấn đề Đài Loan.

Câu chuyện Đài Loan, ai cũng biết, chẳng thể nào tách rời sự can dự của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc lâu nay, gắn với sự vươn vai trỗi dậy mạnh mẽ, ngày càng tỏ ra quả quyết với mục tiêu thu hồi Đài Loan. Căng thẳng đặc biệt dâng cao từ năm 2016, khi thành tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn tuyên bố  từ chối công nhận chính sách “Một Trung Quốc” của đại lục. Tuyên bố đã khiến Bắc Kinh không chỉ khó chịu mà còn tức giận, đến mức vài năm sau, khi đã nhuần nhị hơn trong vấn đề Đài Loan, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi (9/10/2021) vẫn phải tuyên bố coi chủ nghĩa ly khai đòi độc lập ở Đài Loan là “trở ngại lớn nhất trong mục tiêu thống nhất đất nước, cũng là nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng nhất với nỗ lực chấn hưng quốc gia”.

“Tài nữ xứ Đài” – bà Thái Anh Văn – cũng chẳng chút nhún nhường, thi thoảng lại thách thức sự đe dọa của Trung Nam Hải. Gần đây, khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, cùng với thăm các đơn vị quân đội, bà Thái Anh Văn liên tục nhắc nhở lực lượng vũ trang tăng cường giám sát và cảnh giác với các hoạt động quân sự quanh hòn đảo này. Thậm chí, trong tháng 3 vừa qua, Trung Quốc tập trận, quân đội Đài Loan cũng tập trận, trong đó, có mục tiêu là các tàu đổ bộ trên biển.

Trở lại chuyến liên quan chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, trong cuộc họp báo quốc tế ngày 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, nhân thể câu hỏi của một phóng viên nước ngoài, đã nói rằng “kế hoạch này phải được hủy bỏ ngay lập tức”. Thậm chí, liên quan sự kiện này, quan điểm của Trung Quốc còn được thể hiện ở cấp cao hơn. Trong cuộc điện đàm với Tham tán Pháp Emmanuel Bonne, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã cảnh báo Washington sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyến thăm Đài Loan.

Nhà ngoại giao cáo già họ Vương này còn mượn câu chuyện Ukraine đang nóng bỏng để răn đe Mỹ: Mỹ kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, nhưng “công khai giẫm lên vạch đỏ trong nguyên tắc Một Trung Quốc”;  “Nếu bà Pelosi, một lãnh đạo chính trị của Mỹ, đến thăm Đài Loan, đó sẽ là hành động khiêu khích ác ý chống lại chủ quyền, can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và sẽ gửi đi một tín hiệu chính trị cực kỳ nguy hiểm ra thế giới bên ngoài. Nếu Mỹ khăng khăng làm theo cách của họ, Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng cứng rắn và phía Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả”.

Việc thăm Đài Loan của Pelosi (dù chưa thành) có thể chỉ là giọt nước tràn ly, đẩy cơn giận của Bắc Kinh lên cực điểm. Trước đó, ngày 6/4, Bắc Kinh từng phản ứng quyết liệt việc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố Mỹ có kế hoạch cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Đài Loan với lý do “chúng cần thiết cho khả năng tự vệ của đảo này”. Trung Quốc cũng phản ứng việc tháng 2,  Mỹ cũng đã phê duyệt thỏa thuận bán vũ khí và dịch vụ trị giá 100 triệu USD cho Đài Loan để “duy trì, bảo dưỡng và nâng cấp” hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot… Để có cơ sở quy kết Mỹ gây hại cho quan hệ Mỹ – Trung một cách có hệ thống, Bắc Kinh còn được cho là đã làm cái việc ví như “ghi sổ” khi thống kê chính quyền thời tổng thống Trump đã bán vũ khí cho Đài Loan 11 lần trong 4 năm, với số tiền tới 18,3 tỉ USD.

Lời cảnh báo của Bắc Kinh về kế hoạch thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, như trên, rõ là đã quyết liệt. Dư luận đang hồi hộp chờ xem, sau khi có xét nghiệm âm tính trở lại, liệu bà Nancy Pelosi có tiếp tục kế hoạch của mình hay không? Và nếu chuyến thăm vẫn diễn ra, “phản ứng cứng rắn” – như lời ông Vương Nghị cảnh báo –  sẽ là như thế nào?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới