Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu sân bay và giấc mơ cường quốc đại dương của TQ

Tàu sân bay và giấc mơ cường quốc đại dương của TQ

Cách đây đúng 10 năm, năm 2012, Trung Quốc gia nhập hàng ngũ những quốc gia sở hữu tàu sân bay với việc chính thức biên chế tàu Liêu Ninh (Liaoning) cho lực lượng hải quân. Bắc Kinh coi đây là sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, những cường quốc, từ lâu đã sở hữu các tàu sân bay tối tân như Mỹ, Anh, Pháp, lại rất coi thường, nhếch mép khinh thị ví Liêu Ninh như một chiếc xà lan cổ lỗ sĩ.

Tàu sân bay Sơn Đông neo đậu ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Suy cho cùng, Mỹ, Anh, Pháp có lý do để mà chế nhạo. Liêu Ninh vốn là tàu tuần dương sân bay lớp Kuznetsov được Liên Xô (cũ) đóng nhằm trang bị cho lực lượng hải quân, có tên ban đầu là Varyag. Liên Xô tan rã khiến Varyag phải dang dở tại một nhà máy đóng tàu ở Ukraine. Sau đó, nó được Trung Quốc mua năm 1998 với giá rẻ bất ngờ 20 triệu USD.

Varyag được vận chuyển về nhà máy đóng tàu Đại Liên và hoàn thiện tại đó với thời gian tới 12 năm, đổi tên là Liêu Ninh. Có lẽ, thời điểm đó, Trung Quốc cũng tự ty nhiều nhiều với những hàng không mẫu hạm tối tân của Mỹ và các cường quốc Tây Âu, nên khi biên chế cho lực lượng hải quân, họ chỉ đặt ra mục tiêu cho Liêu Ninh là phục vụ nghiên cứu và huấn luyện.

Dù bị coi thường, nhưng chắc chắn một điều, Liêu Ninh đã góp phần giúp Trung Quốc tiến một bước dài trong hành trình sở hữu một đội tàu sân bay hiện đại, nhắm tới mục tiêu tham vọng trên biển.

5 năm sau, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông, hoàn toàn tự chế. Khác với sự khiêm tốn, biết điều khi đưa Liêu Ninh vào biên chế, lần này, truyền thông Trung Quốc làm rầm rộ rằng: Sơn Đông, với tính năng hiện đại, “có nhiệm vụ chủ yếu là giúp Trung Quốc giành sự kiểm soát trên các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, trọng tâm chiến lược các khu vực thuộc Biển Đông”. Thực tế, Sơn Đông từng vài lần tới Biển Đông tham gia tập trận phô trương sức mạnh răn đe Đài Loan và các nước láng giếng cũng những ai gây khó dễ cho yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh thậm chí còn úp mở rằng tàu sân bay thứ ba đang được đốc thúc tiến độ; nó dự kiến sẽ gia nhập hải quân Trung Quốc vào năm 2024 và “có thiết kế tiệm cận với các tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ…” (?)

Quan sát những gì Trung Quốc diễn tập với hai tàu sân bay trên Biển Đông cùng những gì thu được qua thám thính vệ tinh đã khiến Mỹ phải sốt ruột. Cuối năm ngoái, đô đốc hải quân Mỹ – ông John Aquilino – đã cảnh báo Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax, rằng: “Hãy nhìn những gì người Trung Quốc đã làm. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng của mình ngang bằng về quân sự với Mỹ vào năm 2027”.

Trung Quốc có hiện thực hóa được yêu cầu của ông Tập Cận Bình nêu trên hay không? Chưa biết. Nhưng hiện thời, với chi tiêu quân sự lên tới trên 250 tỷ USD, bằng non nửa của Mỹ (con số thực, theo giới thạo tin, có thể lớn hơn nhiều), Trung Quốc đang ra sức hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đầu tư phát triển các khí tài quân sự tối tân. Việc phô trương vũ khí trong các dịp kỷ niệm các sự kiện chính trị quan trọng gần đây, trong đó có duyệt binh chào mừng 90 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tại Căn cứ huấn luyện Chu Hòa Nhật (30/7/2017) với các loại vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa siêu thanh có tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh…, cho thấy, Trung Quốc đang quyết tâm như thế nào. Về hải quân, xét về số lượng, Trung Quốc hiện có số tàu nhiều nhất thế giới với 360 tàu, trong khi đội tàu của Mỹ chỉ là 297. Tuy nhiên, về chất lượng, các loại tàu chiến lớn, Mỹ lại vượt trội cả về số lượng, công nghệ cũng như kinh nghiệm. Đặc biệt, Mỹ có tới 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể thực hiện các hành trình dài hơn so với các loại tàu sân bay chạy năng lượng thông thường; loại lớn nhất, có thể chở 60 máy bay hoặc nhiều hơn; 20 năm mới phải nạp nhiên liệu…Chính vì thế, Trung Quốc hiện đang vô cùng khao khát có được tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân để cạnh tranh với Mỹ.

Sở hữu tàu sân bay hạt nhân cần không chỉ kinh nghiệm, thời gian mà còn là con số khổng lồ hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, là nền kinh tế có quy mô tới 17.000 tỷ, số tiền trên, với Trung Quốc, là “chuyện nhỏ”, so với mục tiêu thành một cường quốc đại dương thực sự để mưu đồ các tham vọng không cùng khác.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới