Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChẳng lẽ Liên hợp quốc lại “sợ” Triều Tiên ?

Chẳng lẽ Liên hợp quốc lại “sợ” Triều Tiên ?

Từ mấy chục năm nay, Triều Tiên luôn tìm mọi cách cách trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mang các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có khả năng bắn tới lãnh thổ các “kẻ thù” lớn. Vấn đề đặt ra là, tại sao Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lại im lặng?

Chưa đầy bốn tháng đầu năm, Bình Nhưỡng đã 12 lần phóng tên lửa, trong đó bao gồm bộ ba vũ khí là tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình vốn được coi là “uy lực” nhất trong các loại vũ khí. Mật độ phóng tên lửa ở mức cao nhất từ trước đến nay. Không có tiếng nói chính thức nào phản đối. Chẳng lẽ Liên hợp quốc lại sợ Bình Nhưỡng đến thế?

Chắc hẳn là không “sợ” rồi, nhưng thái độ thì im lặng đến khó hiểu. Hồi đầu năm nay, hôm 3/1, năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh để xảy ra. Theo đó, phản đối việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân cho các mục đích tấn công, đồng thời cam kết sẽ cùng nhau giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa những loại vũ khí này”.

Tuyên bố có vẻ rất kiên quyết, thái độ rõ ràng, nhưng hình như Triều Tiên chả hề nao núng. Nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng một loại tên lửa riêng lẻ nào, mà phối hợp các loại tên lửa để tạo đòn phản công mạnh nhất có thể.

Liên tục trong mấy ngày qua, Bán đảo Triều Tiên nóng bỏng các vụ bắn thử vật thể mà phía Hàn Quốc cho biết, nhiều khả năng là tên lửa bắn ra vùng biển phía Đông nhằm uy hiếp nước này. Vụ phóng được thực hiện vào dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, 15/4. Căng thẳng nối tiếp căng thẳng khiến cho Bán đảo Triều Tiên như chảo dầu sôi.

Hôm 17/4, Quân đội Hàn Quốc thông báo, Triều Tiên đã bắn hai vật thể chưa xác định ra vùng biển phía Đông nước này. Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói chẻ hoe rằng: Đây là một tên lửa dẫn đường chiến thuật mới nhằm tăng cường hiệu quả của các chiến dịch hạt nhân chiến thuật. Rõ ràng, tới đây Bình Nhưỡng sẽ không ngừng thực hiện các vụ phóng tên lửa, thậm chí thử hạt nhân, nếu các bên liên quan không có những “đáp ứng”, không kiên quyết phản đối hoạt động của Triều Tiên.

Trong các “bên liên quan” đó, vai trò Liên hợp quốc cần đặt lên trên hết và trước hết. Nếu không thì, vai trò của tổ chức này, nói rộng hơn là chủ nghĩa đa phương đã xuống đến đáy, như mối lo của các nhà phân tích tình hình quốc tế hiện nay.

Phóng hai vật thể không xác định vào ngày17/4, đồng thời từ nhiều ngày trước đó, Triều Tiên đang “tổng huy động” tất cả các kênh tuyên truyền nhằm lên án sự uy hiếp quân sự của Hàn Quốc trước thềm tập trận chung Hàn quốc-Mỹ. Nếu vậy, Triều Tiên sẽ phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9/2018.

Phản ứng về sự kiện này, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg gọi Triều Tiên là “chính quyền bất hảo” (rogue regime). Lúc này đây, quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ rất căng thẳng. Tuy nhiên, chưa phải ở mức đỉnh điểm. Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về biện pháp cụ thể đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Từ lâu, Bình Nhưỡng bị lên án là “kẻ điên khùng”. Thế nhưng, nhà lãnh đạo “độc tài” Kim Jong Un lại tự tin rằng Bình Nhưỡng đang xử lý vẫn đề hạt nhân một cách “hợp lý”. Để bảo vệ an ninh quốc gia, Bình Nhưỡng muốn trang bị vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, không phải để tấn công các nước khác mà là để bảo toàn sự sống còn của chế độ (!).

Chiến lược sinh tồn của Triều Tiên được bảo đảm bằng các chương trình quốc phòng khiến cộng đồng thế giới hết sức lo lắng. Các nhà lãnh đạo cha truyền con nối ở Triều Tiên cho rằng, các Nhà nước độc tài nhỏ bé chỉ có thể tồn tại bằng cách răn đe những đối thủ nào có ý đồ can thiệp, có thể gây ra chiến tranh. Vào năm 2016, Hãng thông tấn Nhà nước KCNA từng cao giọng: “Lịch sử đã chứng minh rằng, một sự răn đe hạt nhân mạnh mẽ được xem như là một thanh bảo kiếm tốt nhất để làm nản lòng những kẻ gây hấn”.

Và thế là, “người điên” tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mặc cho Washington, Tokyo, Seoul không ngớt lời chỉ trích. Càng như vậy, chế độ độc tài ở Triều Tiên càng tập trung củng cố mục tiêu và nhận thức về một cuộc chiến “tàn khốc”. Bình Nhưỡng luôn nói rằng các cuộc tập trận thường niên Mỹ – Hàn ngay sát biên giới nước này là nguy cơ lớn có thể xảy ra một cuộc chiến.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từng tuyên bố, sẽ tiếp tục tuân thủ “các thỏa thuận và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí song phương và đa phương”. Tuyên bố, không có vũ khí hạt nhân nào của họ là nhằm vào nhau hoặc nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác.

Xem ra, đó chỉ là những tuyên bố mang tính “phải đạo”. Lúc này đây, khi Bình Nhưỡng ngày càng tỏ ra khinh nhờn ngọn roi trong tay các nhà nắm cán công công lý thế giới thì Liên hợp quốc cần phải tỏ thái độ một cách dứt khoát, mạnh mẽ và cụ thể hơn. Phải có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ những kẻ điên khùng đang gây mất an ninh, an toàn trong khu vực, đang khiến cho quốc gia này ngày càng đóng cửa với thế giới, đời sống người dân ngày càng đói nghèo, khốn khó.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới