Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNỗi nạn đói ở TQ

Nỗi nạn đói ở TQ

Trung Quốc (từng) là một quốc gia rộng lớn với thiên nhiên phong phú, trữ lượng nước ngọt dồi dào, đất đai phì nhiêu cho trồng trọt và chăn nuôi. Với nguồn tài nguyên sẵn có như vậy, ĐCSTQ đã và đang làm gì để đảm bảo lương thực cho hơn 1,4 tỷ người dân Trung Quốc?

Ảnh minh hoạ: Mùa thu hoạch; 1/10/2013.

Kể từ năm 2015, nền sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc bị suy giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, dẫn đến những lo ngại và tranh cãi về khả năng đảm bảo chủ quyền lương thực mà ĐCSTQ từng tuyên bố.

Hiện tại, ĐCSTQ không thể đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân. Để giải quyết vấn đề này và tạm thời ngăn chặn khủng hoảng lương thực, ĐCSTQ không còn cách nào khác ngoài việc nhập khẩu ngũ cốc và dự trữ một lượng lương thực khổng lồ. Chiến lược của chính quyền này đã dẫn đến sự thay đổi giá lương thực thế giới.

An ninh lương thực là một chủ đề nhạy cảm đối với ĐCSTQ. Ký ức đau thương về Nạn đói lớn diễn ra từ năm 1958 đến năm 1961, còn được gọi là Ba năm đắng cay (Tam niên đại cơ hoang), đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người, vẫn còn ám ảnh đến ngày nay. Bi kịch này chính là hậu quả của chính sách Đại nhảy vọt do nhà độc tài cộng sản Mao Trạch Đông đề xuất. Bởi vậy, đảm bảo an ninh lương thực đã trở thành vấn đề liên quan mật thiết đến mục tiêu ổn định chính trị của ĐCSTQ.

ĐCSTQ không thể sản xuất thực phẩm thiết yếu cung cấp cho người dân

Trong hai thập niên qua, theo số liệu mà ĐCSTQ công bố, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự phát triển mặc dù không đồng đều nhưng đã kéo theo sự gia tăng đáng kể về nhu cầu thực phẩm. ĐCSTQ không thể đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân nếu không nhập khẩu hàng trăm triệu đô-la thực phẩm mỗi ngày.

Dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc, vấn đề chủ quyền lương thực là một vấn đề của chính phủ. Dù rằng luôn được đưa vào biểu ngữ của chủ nghĩa cộng sản, song thực tế, đảm bảo chủ quyền lương thực luôn là trở ngại cho các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ – những người thường bị chất vấn vì không thể giải quyết dứt điểm và chính xác vấn đề này.

Theo một báo cáo của tạp chí Nature, giá trị nhập khẩu nông sản đã tăng 78% (tính theo đô-la) trong 20 năm qua, nhập khẩu thịt bò và thịt lợn cũng gia tăng đáng kể, chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang phụ thuộc mạnh vào thị trường quốc tế để cung cấp thực phẩm cho người dân.

Trong một thế giới đầy biến động, khi mà đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu, cùng với căng thẳng leo thang giữa các cường quốc đang đe dọa hòa bình thế giới, thì nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực ngày càng trở thành chính sách quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển mới của Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã phát biểu rằng “Bát cơm của Trung Quốc phải được cầm chắc trong tay người Trung Quốc”, bày tỏ sự quan tâm và lo lắng của chính quyền đối với việc đảm bảo lương thực cho người dân, khi đã xác định rõ rằng đó là trụ cột cơ bản cho sự ổn định quyền lực của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đặt ra câu hỏi, rằng tại sao Trung Quốc lại không thể đạt được quyền tự chủ về lương thực mặc dù nước này sở hữu tới 10% diện tích đất canh tác trên thế giới, cùng với nguồn nước dồi dào, lực lượng lao động khổng lồ và đầy đủ công nghệ thiết yếu?

Có lẽ câu trả lời không phải là duy nhất và nhắm thẳng được vào nguyên nhân. Tuy nhiên, một số nhân tố có thể được kể đến, chẳng hạn như tham nhũng, tham vọng hay sự vụng về trong các quyết sách của ĐCSTQ.

Đất canh tác về cơ bản đã bị ô nhiễm do bị sử dụng cho các mục đích công nghiệp và bởi sự phát triển bất động sản đang gây tranh cãi.

Dịch tả lợn châu Phi năm 2019-2020 đã phá hủy ngành chăn nuôi lợn và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Trung Quốc phải nhập khẩu thịt lợn theo cấp số nhân kể từ thời điểm đó đến nay.

Đồng thời, việc sử dụng sai mục đích hoặc lạm dụng hơn 20.000 đập thủy điện đã dẫn tới lũ lụt và hạn hán, tác động xấu và tàn phá hàng nghìn hecta đất đai màu mỡ.

Đập thủy điện – tác nhân chính kéo nền sản xuất nông nghiệp Trung Quốc lao dốc

Hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn của Trung Quốc chắc chắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm giảm sản lượng lương thực của nước này trong những năm gần đây.

Chính quyền Trung Quốc nhanh chóng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu đã gây ra các thảm họa môi trường, khiến cho mất mùa liên miên, động vật bị chết và hủy hoại hoàn toàn những vùng đất màu mỡ trước đây.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy hỗn loạn ở vùng sản xuất nông thôn không hẳn hoàn toàn là do biến đổi khí hậu, mà chủ yếu là bởi một nguyên nhân khác. Hơn 20.000 con đập do chính quyền Trung Quốc xây dựng trên các núi cao đang làm biến đổi dòng chảy của các con sông, dẫn đến hạn hán vào mùa mưa và lũ lụt vào mùa khô.

Một nghiên cứu được công bố bởi tổ chức Eyes on Earth vào năm 2020 sử dụng bằng chứng khách quan từ các đồng hồ đo lưu lượng nước và các quy trình viễn thám đã xác nhận chắc chắn cho những lo ngại từ trước đến nay, rằng tình hình hạn hán đang diễn ra đúng là có liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên nước của Trung Quốc.

Báo cáo xác nhận rằng chính quyền Trung Quốc đã bất ngờ xả nước mà họ giữ lại trong các con đập vào mùa mưa để sản xuất thủy điện vào mùa khô. Hậu quả là xảy ra lũ lụt lớn và mất cân bằng phi tự nhiên, ảnh hưởng đến các tỉnh nông nghiệp của Trung Quốc và các nước láng giềng ở hạ nguồn.

Tất cả các khu vực này đều trải qua hạn hán nghiêm trọng trong mùa mưa, mặc dù các ghi chép cho thấy lượng mưa và lượng tuyết tan đều ở mức bình thường. Nguyên nhân hạn hán là bởi vì các nhà chức trách Trung Quốc đã chặn dòng chảy bình thường của nước trong hàng nghìn đập thủy điện, ngăn nước chảy đến các khu vực thấp hơn.

Chính quyền Trung Quốc coi dữ liệu về lưu lượng nước và hoạt động thủy điện là bí mật nhà nước, rồi dựa vào sự thiếu minh bạch oán thán rằng chính nó cũng là nạn nhân, đổ lỗi cho biến đổi khí hậu và thiên tai là nguyên nhân dẫn đến việc không thể sản xuất đủ lượng lương thực cần thiết.

Các dự án đô thị không cần thiết “mọc” trên đất canh tác

Một yếu tố khác đang gây trở ngại cho hoạt động sản xuất lương thực của Trung Quốc là thiếu đất canh tác – thêm một vấn đề liên quan đến sự quản lý yếu kém và tham nhũng của ĐCSTQ trong lĩnh vực kinh doanh kiếm lời.

Trung Quốc hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có, tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính quốc gia và thị trường chứng khoán thế giới.

Hiện tượng “bong bóng bất động sản” ở Trung Quốc là hậu quả của việc giá bất động sản liên tục tăng trong nhiều năm thu hút giới tài chính rót tiền vào lĩnh vực xây dựng. Các công ty bất động sản khổng lồ như Evergrande ra đời và liên tục cho ra mắt các dự án, từ các tòa nhà lớn, sân vận động, các căn hộ, thậm chí cho đến toàn bộ thành phố đều được tài trợ bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang kỳ vọng vào một món hời khổng lồ.

Tuy nhiên, cầu đạt đến đỉnh điểm bắt đầu giảm xuống, trong khi nguồn cung tiếp tục tăng lên. Khi điều đó xảy ra, bong bóng sẽ nổ tung. Đó chính xác là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc ngày nay.

Song song với cuộc khủng hoảng tài chính, một vấn đề không nhỏ khác đã phát sinh. Theo những báo cáo gần đây, như tạp chí Business Insider đưa tin vào tháng 10/2021,Trung Quốc hiện có ít nhất 65 triệu ngôi nhà trống tại hàng trăm thành phố, được biết đến với cái tên rùng rợn là “thành phố ma”. Tổng số nhà này đủ để làm nơi ở cho toàn bộ dân số nước Pháp.

Vậy khủng hoảng nhà ở, thị trấn ma và sản xuất lương thực thì có liên quan gì đến nhau? Việc tạo ra các thành phố ma và sự phát triển quá mức của các đô thị đã gây ra ô nhiễm hoặc soán chỗ những vùng đất sản xuất, khiến cho đất đai không còn được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và thậm chí không còn thích hợp cho người dân định cư.

ĐCSTQ lẽ ra phải chăm lo cho hàng triệu cư dân nghèo đang phải sinh sống trong cảnh bần cùng ở các vùng nông thôn, song dựa trên những suy đoán phi thực tế, nó lại khuyến khích sự phát triển của các đô thị có vẻ ngoài hoành tráng nhưng hoàn toàn vắng bóng người, “mọc” trên những vùng đất có khả năng canh tác và phá hủy đất đai. Vấn đề thiếu thốn nguyên liệu thô cho ngành thực phẩm một phần chính là bởi thiếu đất canh tác.

Dịch tả lợn Châu Phi

Trung Quốc từng là nước tiêu thụ và sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, nhưng đến năm 2018, dịch tả lợn châu Phi đã tấn công và gây ra tổn thất to lớn. Các chính sách vệ sinh của chính quyền để đối phó với loại dịch bệnh này đã tỏ ra không hiệu quả. Tờ New York Times đã báo cáo rằng có khoảng một nửa số lợn dành cho người tiêu dùng đã bị chết vì vi-rút.

Tất nhiên, khi nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh, giá thịt lợn cũng tăng theo.

Hơn 3 năm đã trôi qua kể từ khi dịch tả lợn đổ bộ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, giải pháp vẫn chưa được tìm ra, hiện trạng vẫn vậy. Tháng 3 năm 2021, các đợt dịch bệnh mới đã khiến nhập khẩu thịt lợn từ Trung Quốc lập kỷ lục 460.000 tấn trong một tháng.

Hệ quả trực tiếp của việc tăng giá là người dân Trung Quốc đã phải loại bỏ hoặc giảm đáng kể lượng tiêu thụ thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày. Sự phụ thuộc của ĐCSTQ vào nước ngoài để có thể cung cấp thịt chất lượng cho người dân lại một lần nữa được chứng minh.

Nhập khẩu lương thực của Trung Quốc tác động thế nào lên nền kinh tế thế giới?

Việc chính quyền Trung Quốc nhập khẩu quá nhiều ngũ cốc thiết yếu ngay lập tức ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc chiếm khoảng 20% ​​dân số thế giới và dự trữ hơn một nửa lượng ngô, gạo và lúa mì của thế giới. Mặc dù là một quốc gia giữ vai trò quan trọng trong sản xuất ngô, đậu nành và lúa mì, lượng nhập khẩu những mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng gấp 2 đến 12 lần trong 5 năm qua, đủ để nuôi sống 1,4 tỷ người dân nước này.

Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi dự trữ cuối cùng của các sản phẩm ngũ cốc. Bởi vì chính quyền Trung Quốc bóp méo thông tin, cho nên không thể biết chính xác lượng nhập khẩu cũng như mục đích sử dụng, tuy nhiên rõ ràng nước này phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và gây tác động đáng kể đến thị trường thế giới.

Hành vi tích trữ ngũ cốc của Trung Quốc chắc chắn là một yếu tố dẫn đến sự gia tăng gần đây của giá ngũ cốc và lương thực. Việc một quốc gia tích trữ đủ ngũ cốc để đảm bảo cung cấp cho người dân hoàn toàn khác với việc tích trữ quá nhiều ngũ cốc trong bối cảnh nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.

Tình huống này đặt ra một kịch bản rất phức tạp. Một mặt, với tư cách là nhà nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc lớn nhất thế giới, chính quyền Trung Quốc có quyền kiểm soát giá thị trường một cách dễ dàng. Mặt khác, việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu để cung cấp cho người dân trong nước đã bộc lộ một điểm yếu rất lớn trong cấu trúc địa chính trị.

Chính quyền Trung Quốc nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự phụ thuộc này và đang cố gắng hành động để lật ngược tình thế bất lợi. Dự án Vành đai và Con đường được mở rộng nhằm đa dạng hóa các nhà cung cấp ngũ cốc và các sản phẩm thiết yếu khác để hạn chế sự phụ thuộc vào một số ít nước sản xuất.

Thực phẩm độc hại ở Trung Quốc và mối liên hệ với cuộc khủng hoảng lương thực

Các báo cáo chỉ ra các trường hợp ngộ độc nghiêm trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc đang ngày càng tràn lan, gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vấn đề thực phẩm độc hại đã được đưa ra ánh sáng từ hơn một thập kỷ trước và vẫn đang phổ biến ở Trung Quốc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên, một phần liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền lương thực, mà chủ yếu là do nhu cầu giảm chi phí và thiếu nguyên liệu thô đã dẫn đến gia tăng nhu cầu thay thế các sản phẩm tự nhiên bằng đầu vào hóa học.

Tình trạng thực phẩm độc hại đã đến mức đáng báo động. Cơ quan chống doping thế giới (WADA) cảnh báo các vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh “hết sức thận trọng” khi ăn thịt ở Trung Quốc, vì thịt có khả năng bị nhiễm độc. Bên cạnh đó, tờ South China Morning Post cũng đưa tin rằng steroid Clenbuterol, thường được gọi là “chất tạo nạc”, được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc để tăng khối lượng cơ ở lợn và các động vật khác.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho biết rằng ở Trung Quốc, trong nhiều thập niên, Clenbuterol đã được thêm vào thức ăn chăn nuôi, chủ yếu trong chăn nuôi lợn, nhằm mục đích tăng trọng và tăng tỷ lệ cơ trên mỡ.

Các khiếu nại cũng báo cáo hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh đã mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng do bị cho ăn sữa bột và sữa công thức bị nhiễm protein độc hại.

Năm 2011, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng 17 nhà sản xuất mì ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, đã bị cáo buộc cho thuốc nhuộm công nghiệp và sáp parafin vào sản xuất mì thường làm từ khoai lang để hạ giá thành.

Vào năm 2013, một video của Đài Á Châu Tự Do đã lan truyền trên mạng cho thấy rất chi tiết cách dầu ăn được làm từ rác thải. Như Washington Post đã mô tả: “Những kẻ táo bạo sẽ đi tới các thùng rác, mương nước và thậm chí cả cống rãnh, vớt rác thải lỏng hoặc rắn có chứa dầu đã qua sử dụng hoặc các bộ phận của động vật. Sau đó, họ chế biến thành dầu ăn mà họ bán với giá thấp hơn thị trường cho những người bán thực phẩm – những người sử dụng dầu này để nấu thứ thức ăn có thể khiến bạn lâm trọng bệnh”.

Chính quyền ĐCSTQ nhận thức rất rõ thực trạng này và đã có những cáo buộc rằng giới tinh hoa của Đảng đang được hưởng đặc quyền tiêu thụ những thực phẩm sản xuất độc quyền từ những nguyên liệu thô chọn lọc.

Thời báo Los Angeles đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “In China, what you eat tells who you are” (tạm dịch: “Ở Trung Quốc, đồ ăn của bạn thể hiện đẳng cấp của bạn”), mô tả các trang trại hữu cơ và các nhà máy độc quyền là một phần của hệ thống song song chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm chất lượng cho tầng lớp thượng lưu của ĐCSTQ.

Do các quan chức cấp cao của Trung Quốc không phải đối mặt với thực phẩm bị ô nhiễm nên họ ít quan tâm đến chất lượng thực phẩm của người dân. Thêm vào đó, tham nhũng cũng khiến việc kiểm tra an toàn thực phẩm kém hiệu quả.

Tập Cận Bình nhận ra vấn đề an ninh lương thực và hành động quyết liệt

Như đã đề cập ở trên, an ninh lương thực là một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc và có liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị của các nhà lãnh đạo nước này. Dù không nhận trách nhiệm về mình, Tập Cận Bình đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề này và thậm chí đã có những hành động cụ thể để đối phó.

Trong bối cảnh trên, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mô tả lượng thực phẩm lãng phí là “gây sốc và ưu phiền”, dẫn tới việc ông lên tiếng kêu gọi “Clean Plate Campaign” (tạm dịch: “Chiến dịch ăn sạch đĩa”) vào tháng 8/2020. Thông qua chiến dịch, chính quyền muốn “nâng cao nhận thức” của người dân về vấn đề lãng phí thực phẩm. Ngoài ra, nó còn nhằm hạn chế lượng thức ăn được phục vụ trong các nhà hàng và các dịch vụ ăn uống, đồng thời đưa ra các biện pháp gây tranh cãi khác để hạn chế tình trạng “tiêu thụ quá mức” và lãng phí.

Dự luật dài 32 trang được đưa ra vào tháng 12/2020 bao gồm một bài báo kêu gọi các nhà hàng sử dụng công nghệ giám sát để theo dõi việc tiêu thụ thực phẩm quá mức của thực khách. Dự luật cũng nêu chi tiết việc áp dụng các khoản phạt cứng đối với bất kỳ dịch vụ ăn uống nào bị cho là cổ vũ cho việc ăn quá nhiều.

Các quan chức Thượng Hải khuyến khích người dân thông báo cho nhau nếu họ thấy thực phẩm bị lãng phí. Ở tỉnh Hắc Long Giang, camera giám sát đã được lắp đặt ở một huyện để theo dõi thức ăn thừa của công nhân trong “hệ thống tiếp xúc với thức ăn thừa”. Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, bất kỳ công nhân nào bị bắt gặp vứt thức ăn thừa ba lần thì hình ảnh của họ sẽ bị phát trên màn hình TV trong căng tin để khiến họ phải cảm thấy hổ thẹn.

Những sáng kiến ​​này, cùng với nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng lương thực mới có thể xảy ra do đại dịch virus Corona, đã khơi dậy mối quan tâm của người dân.

Mặc dù các kênh thông tin tuyên truyền của chính quyền đã cố gắng xoa dịu tâm lý quần chúng bằng cách làm giảm sự “cường điệu hóa của phương tiện truyền thông”, song rất khó để trấn an xã hội khi mà chính Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc phải “duy trì nhận thức về khủng hoảng an ninh lương thực”.

Dù rằng chính quyền không thừa nhận, một chiến lược rõ ràng khác đã được thực hiện là liên tục dự trữ ngũ cốc và các nguyên liệu thô nhập khẩu khác nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Ngay từ năm 1990, chính quyền Trung Quốc đã quyết định thành lập dự trữ ngũ cốc quốc gia và hiện đã tạo ra một hệ thống điều phối dự trữ nhà nước trung ương với dự trữ địa phương, từ đó quản lý để bổ sung lượng tồn kho của chính phủ và doanh nghiệp nhằm kiểm soát tốt hơn lượng lương thực hiện có.

Ngoài ra, vào năm 2015, các nhà chức trách đã đưa ra một cơ chế giải trình kết hợp với các tiêu chí đánh giá chi tiết để yêu cầu tất cả các thống đốc cấp tỉnh chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh lương thực của địa phương.

Theo ước tính của văn phòng USDA, nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2021 đạt mức kỷ lục 28 triệu tấn do “nhu cầu lương thực tiếp tục tăng và thâm hụt nguồn cung thúc đẩy việc bổ sung dự trữ”.

Cùng với ngô, nhập khẩu đậu tương và các loại ngũ cốc khác của nước này cũng tăng mạnh, để bù đắp cho sự thiếu hụt các loại ngũ cốc chủ yếu như lúa mì và gạo.

Chính quyền Trung Quốc có một nhược điểm lớn trong chiến lược thống trị và bành trướng của mình, đó chính là phải phụ thuộc quá nhiều vào các nước khác để cung cấp lương thực cho 1,4 tỷ người dân trong nước. Điều đáng nói là, nhược điểm này không phải là do Trung Quốc không có đủ điều kiện để sản xuất lương thực cần thiết, mà chính là các quyết sách tệ hại của ĐCSTQ đã đánh mất đi năng lực sản xuất của một vùng đất rộng lớn đã từng vô cùng thích hợp cho phát triển nông nghiệp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới