Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam cần làm gì trong quan hệ Nga-Trung

Việt Nam cần làm gì trong quan hệ Nga-Trung

Ngày 31/3/2022 vừa qua, Đài Á Châu Tự Do (RFA) mới đăng một bài viết có tựa đề: “Đã đến lúc Việt Nam tìm mua vũ khí của Mỹ thay cho Nga”. Trong đó có đoạn: “Cuộc chiến Ukraine đã khiến thế giới có nhiều sự thay đổi. Với sự bao vây, trừng phạt và cô lập Nga với mức độ chưa từng có của Mỹ và Phương Tây khiến nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. (…) Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á mua nhiều nhất vũ khí từ Nga. Từ năm 1995 đến 2019, Việt Nam đã nhập khẩu vũ khí Nga trị giá 7,38 tỷ USD — chiếm 84% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của nước này…”

Tập Cận Bình và Vladimir Putin.

Ngay từ 8 năm trước, một nhà phân tích lão luyện đã nhìn ra tình thế cấp bách này khi chiến sự Nga-Ukraine còn chưa nổ ra. DKN TV xin trân trọng giới thiệu bài bình luận của thầy Hà Văn Thịnh (1955-2019), cựu giảng viên khoa Sử – Trường Đại học Khoa học Huế tới quý vị độc giả.

Khả năng về một cuộc chiến tranh xâm lược trong ngắn hạn của Trung Quốc đối với Việt Nam, theo sự phân tích của các chuyên gia chiến lược nước ngoài, là rất khó xảy ra. Thế nhưng, trong nguyên tắc của “bàn cờ” chính trị phức tạp, khó lường đang diễn ra trên Biển Đông hiện nay, đây là điều cần phải được nghĩ tới, bàn tới bởi “nước đến chân mới nhảy” là điều tối kỵ trong cuộc đời, nhất là đối với nguy cơ chiến tranh – liên quan đến sự tồn vong của cả quốc gia, dân tộc.

Thực tế khó khăn – cấp bách nhất của nền quốc phòng nước ta là đại đa số khí tài, trang bị, vũ khí là mua từ Nga! GS Carl Thayer, một nhà nghiên cứu quốc tế có uy tín cho rằng nếu chiến tranh bùng nổ, những vũ khí hiện đại nhất của Việt Nam sẽ “hết đạn” ngay trong thời gian cực ngắn và, nếu điều tồi tệ này đến, không dễ gì để Nga “hy sinh” quyền lợi từ Trung Quốc để cung cấp ngay những gì Việt Nam cần (RFI, 21.5.2014). Nhận xét này hoàn toàn xác đáng nếu chúng ta thấy rằng con gấu Nga đã ngủ đông ngay giữa mùa hè khi sự kiện giàn khoan Hải Du 981 trở thành điểm nóng nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nhất đối với nền an ninh của Việt Nam. Cái gọi là tuyên bố của Nga “ủng hộ” Việt Nam chỉ gói gọn trong cụm từ “rất lấy làm tiếc”, một kiểu xoa tay đầy ma quái trước cái cảnh cháy nhà hàng xóm.

Tình hình đặc biệt căng thẳng khi mới đây, trước chuyến thăm Trung Quốc, TT Nga Putin đã tuyên bố rất rõ ràng về vị trí chiến lược (thực sự, chứ không phải như gần một chục đối tác chiến lược mà Việt Nam đang có) của “tình bạn Nga – Trung”. Putin khẳng định “Thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người bạn đáng tin cậy của chúng ta, là ưu tiên chính sách ngoại giao không điều kiện của Nga.

“Hiện tại hợp tác Nga-Trung đang tiến lên giai đoạn mới của đối tác toàn diện và liên hệ chiến lược. Sẽ không sai khi nói nó đã đạt tầm cao nhất trong cả lịch sử hàng thế kỷ nay.” Chỉ trong có bảy mươi tư chữ, TT Nga đã làm cho giới truyền thông hoa cả mắt khi ông dùng một loạt từ ngữ siêu biểu hiện – đến mức bất chấp cả lòng tự tôn dân tộc khi “ca” Trung Quốc đến mức xun xoe bằng những mỹ từ không thể tốt đẹp hơn: người bạn đáng tin cậy, ưu tiên không điều kiện, tầm cao nhất trong hàng thế kỷ (BBC, 15:24, 19.5.2014).

Nói như GS Carl Thayer, dẫu cay đắng khi ngả vào lòng Trung Quốc, người Nga đã đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có các hợp đồng kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD.

Như vậy, tình hữu nghị Nga – Trung, được cái xương sống chiến lược chống lại Hoa Kỳ gánh đỡ, được các thỏa thuận kinh tế béo bở đắp đầy da thịt làm cho màu mỡ, đã và đang đặt Việt Nam vào một tình thế vô cùng đáng quan ngại. Về kỹ thuật quân sự, ai cũng biết rằng khi cả hai bên tham chiến có vũ khí y hệt nhau, lợi thế sẽ nghiêng hẳn về bên có số lượng áp đảo. Nhất là, trong chiến tranh hiện đại, không hiếm khi lòng dũng cảm chỉ còn là một món hàng xa xỉ.

Các nhà hoạch định chiến lược quân sự Việt Nam đã nhìn thấy điều này từ nhiều năm trước. Bằng chứng rõ nhất là chương trình thay thế súng cá nhân AK47 bằng vũ khí cơ động hơn, hiệu quả và kinh tế hơn của Israel là tiểu liên Galil (Giáo dục VN, 12.2.2014) đã được khởi động. Thế nhưng, như lâu nay vẫn vậy, sự chậm chạp khi đổi thay là một trong lực cản ngàn đời của người Việt.

Dẫn chứng có nhiều, chỉ xin lấy một ví dụ. Quá trình Nam tiến của cha ông ta diễn ra từ 1306 (lúc Huyền Trân Công chúa bước xuống thuyền vào Nam) mãi đến năm 1757 mới kết thúc. 450 năm để “đi hết” quãng đường hơn 1.000 kilomet, trên bề ngang trung bình có hơn 100 kilomet(!) Tính ra, “tốc độ” di chuyển là hơn 2 cây số/năm! Trong khi đó, nói theo cách của Bill Clinton tại Đại học Quốc gia Hà Nội tháng 11.2000, một trong bốn điểm tương đồng của hai dân tộc Mỹ – Việt là ra đời từ sự di chuyển – người Việt Nam tiến, người Mỹ Tây tiến. Cái khác mà Bill không nhắc tới là để đi hết quãng đường Tây tiến dài 4.000 kilomet, trên bề ngang 2.000 kilomet, người Mỹ chỉ mất có… 60 năm (tính từ khi Mỹ có nhà nước, 1789 đến 1849).

Có lẽ, trong vô số những điều cần thay đổi thì việc phải thay đổi nhanh, dứt khoát, quyết liệt là điều cần thay đổi trước tiên trong nếp nghĩ, cách sống của tư duy Việt. Đã đến lúc phải lựa chọn một cơ sở hậu cần an toàn nhất có thể cho nền quốc phòng, tất nhiên, ưu tiên số một cho khả năng tự lực cánh sinh. Tất cả “trứng” của khả năng phòng thủ, nếu cứ tiếp tục đặt vào cái “giỏ” Nga như bây giờ, là điều tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro, nếu không muốn dùng hai từ: Nguy hiểm. Làm sao có thể có đủ sự tự tin khi bắt đầu chiến tranh vệ quốc bằng “niềm tin” rất đỗi mơ hồ rằng người Nga sẽ cung cấp đủ cho Việt Nam những gì cần thiết? Họ sẽ cung cấp đủ (theo nguyên tắc hợp đồng kinh tế) nhưng, sẽ… chậm trễ. Chỉ riêng điều đó thôi đã làm cho chúng ta nhớ đến câu nói bất hủ trong nhà binh: “Binh quý thần tốc” – chỉ một giây chậm trễ có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng.

Trong cờ vua, quân Hậu có sức mạnh lớn nhất. Hậu ở đây không chỉ là “vợ vua” mà là cả hậu phương sức người, sức của – yếu tố quyết định thứ nhất đến thắng lợi của chiến tranh. Vũ khí, khí tài, trang bị quân sự luôn thay đổi bởi xu thế hiện đại hóa, yêu cầu thực tế, quan hệ quốc tế…Việt Nam cần phải có một đối tác khác Nga nếu ta xét đến những gì người Nga đang hướng tới và, thật cần nếu tính đến yếu tố hoàn toàn kỹ thuật: Vũ khí, trang bị của Việt Nam giống y chang Trung Quốc thì thật sự là… nguy hiểm!

Khi tôi đang viết những dòng này thì được tin Hãng thông tấn RIA Novosti – một trong những hãng tin lớn nhất của Nga đã đăng bài bôi nhọ Việt Nam. Nghiêm trọng hơn cả sự bôi nhọ cạn tàu ráo máng là tác giả Kosyrev ngang nhiên cổ súy cho sự “giống nhau” giữa Crimea và… Việt Nam(!) Kossyrev đã cho rằng Trung Quốc có quyền thu hồi Việt Nam tương tự như người Nga đã làm với Crimea. Chẳng lẽ chủ nghĩa Đại Nga, Đại Hán cho rằng cứ theo cái logic tham tàn, bạo ngược thì người Anh sắp sửa thu hồi Hoa Kỳ, Mông Cổ sẽ thu hồi… Trung Quốc?!…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới