Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐiều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Nga vỡ nợ sau...

Điều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Nga vỡ nợ sau ngày 4/5 tới?

Kinh tế Nga đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nước ngoài vào ngày 4/5 tới, một cột mốc nghiệt ngã mà họ chưa từng thấy kể từ Cách mạng Bolshevik hơn một thế kỷ trước. Đây sẽ là một cột mốc dấy lên viễn cảnh kéo dài nhiều năm tranh chấp pháp lý, sự săn lùng toàn cầu của các trái chủ đối với tài sản Nga.

Kinh tế Nga đang tiến gần đến mức vỡ nợ đầu tiên đối với nợ nước ngoài trong hơn một thế kỷ, sau khi một cơ quan giám sát phán quyết rằng nỗ lực của nước này để giải quyết khoản thanh toán lãi suất bằng đồng rúp trị giá 649 triệu USD sẽ không thành công.

Mới đây, một cơ quan giám sát tuyên bố chặn Nga thanh toán nợ nước ngoài bằng đồng rúp

Nói về lịch sử khởi phát các khoản nợ, Tim Sa samples, giáo sư nghiên cứu pháp lý tại Đại học Kinh doanh Terry của Đại học Georgia và là một chuyên gia về nợ có chủ quyền cho biết: “Tôi nghĩ rằng vụ vỡ nợ này của kinh tế Nga phức tạp và sẽ bị tranh chấp pháp lý vì nhiều lý do khác nhau”. Ông Sa Sample cũng cho rằng, có thể có một “dòng thác” các sự kiện khiến Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Điều này cũng dễ hiểu bởi Chính phủ Nga có tổng số nợ trị giá 40 tỷ USD tính bằng USD và EUR, một nửa trong số đó thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Nga có thời hạn cuối cùng là ngày 4 tháng 4 (đã qua) để trả khoảng 649 triệu USD tiền lãi và nguyên tắc từ chủ sở hữu của hai trái phiếu phát hành là phải thanh toán bằng USD.

Vốn dĩ, Nga có rất nhiều tiền mặt – nước này thu về hơn 1 tỷ USD mỗi ngày chỉ từ việc giao dầu và khí đốt – nhưng lại bị hạn chế tiếp cận với đồng USD do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chính quyền Biden đã cho phép Nga sử dụng một số dự trữ ngoại tệ trước đó đã bị đóng băng để thanh toán một khoản nợ trước đó. Nhưng Mỹ đã có một cú quay xe bất ngờ vào ngày 5 tháng 4, khi ngăn chặn Nga sử dụng đồng USD dự trữ tại các ngân hàng Mỹ để thanh toán khoản nợ kế tiếp trị giá 649 triệu USD. Điều đó, khiến Nga có ít lựa chọn ngoài việc cố gắng thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng rúp, nhưng giá trị của nó đã rất biến động kể từ cuộc chiến diễn ra.

Cơ quan xếp hạng Moody’s cảnh báo rằng, việc Nga thanh toán khoảng nợ 649 triệu USD bằng đồng rúp thay cho đồng USD có thể được coi là một vụ vỡ nợ nếu nước này không đảo ngược quy trình, và thanh toán bằng đồng USD trước ngày 4 tháng 5, khi thời gian ân hạn 30 ngày kết thúc. Cảnh báo này được đưa ra theo sau một cảnh báo tương tự của S&P Global, khi cơ quan này đặt Nga vào xếp hạng “vỡ nợ mặc định có chọn lọc”. Như vậy, nếu Nga không chuyển các khoản thanh toán sang USD vào ngày 4 tháng 5, kinh tế Nga sẽ bị vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1918.

Giờ đây, Nga có thể đang trên đỉnh điểm của lần vỡ nợ đầu tiên kể từ khi những người Bolshevik lật đổ Sa hoàng Nicholas II cách đây hơn một thế kỷ trước, sau khi mới đây thêm một cơ quan giám sát phán quyết rằng, nỗ lực của nước này để giải quyết khoản thanh toán lãi suất bằng đồng rúp trị giá 649 triệu USD sẽ không thành công.

Cụ thể, Uỷ ban Quyết định phái sinh tín dụng (Credit Derivatives Determinations Committee – CDDC) vào ngày 20/4- một cơ quan có ảnh hưởng bao gồm các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và Barclays đã tuyên bố rằng, đồng rúp Nga không đủ tốt. CDDC cho biết, nỗ lực của Moscow để giải quyết nợ bằng đồng tiền của mình thay vì đồng USD mà nước này nợ có thể tạo ra một sự kiện “không trả được”, tương đương với việc kinh tế Nga sẽ vỡ nợ.

Vốn dĩ, CDDC là ủy ban gồm các tổ chức tài chính và các tổ chức này họp để quyết định xem một công ty có vỡ nợ hay không. Phán quyết từ ủy ban là bước quan trọng để giúp các nhà đầu tư trong hợp đồng Giao dịch hoán đổi nợ tín dụng (CDS). Được biết, CDS là một công cụ tài chính tương tự như bảo hiểm, được các trái chủ sử dụng để bù đắp rủi ro do công ty phát hành trái phiếu không trả được nợ. Trái chủ trả cho công ty phát hành CDS – thường là ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm – một khoản phí bảo hiểm thông thường để đổi lấy lời hứa rằng công ty phát hành CDS sẽ mua nợ của trái chủ trong trường hợp vỡ nợ. Bằng cách đó, trái chủ không bị giữ lại một mảnh giấy vụn vô giá trị. Hay nói cách khác, đây là các hợp đồng đóng vai trò bảo hiểm trước các khoản vỡ nợ và giúp các nhà đầu tư nhận được các khoản thanh toán.

Công ty Đường sắt Nga đã trở thành công ty chính thức đầu tiên vỡ nợ ở Nga

Gần đây, Uỷ ban Quyết định phái sinh tín dụng (Credit Derivatives Determinations Committee – CDDC) đã ra phán quyết rằng, Công ty Đường sắt Nga đã vỡ nợ sau khi công ty này không thể thanh toán lãi cho khoản trái phiếu trị giá 268 triệu USD. Nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Nga tiếp cận hệ thống tài chính thế giới.

Theo tờ Business Insider, phán quyết trên do Bộ phận tại châu Âu của Uỷ ban Quyết định phái sinh tín dụng đưa ra ngày 11/4. Hạn trả lãi suất số trái phiếu này là 14/3. Như vậy, Công ty Đường sắt Nga đã trở thành công ty chính thức đầu tiên vỡ nợ ở Nga kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukaraine vào cuối tháng 2.

Về mặt kỹ thuật, tính tới thời điểm hiện tại Nga vẫn chưa vỡ nợ. Trong khi các khoản thanh toán đến hạn vào ngày 4 tháng 4, quốc gia này hiện có thời gian gia hạn 30 ngày để thực hiện thanh toán bằng USD. Nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có nghĩa là nước này khó có khả năng thanh toán đồng USD đúng hạn, tạo tiền đề cho lần vỡ nợ đầu tiên kể từ năm 1918.

Khi kinh tế Nga đối mặt với khả năng vỡ nợ, các nhà đầu tư cân nhắc các lựa chọn pháp lý

Khi kinh tế Nga đang đứng trước bờ vực của một vụ vỡ nợ lịch sử, các nhà đầu tư nước ngoài vào các khoản nợ của đất nước có một số lựa chọn hợp lý để thu hồi tiền của họ. Các chủ nợ nước ngoài thường cố gắng tập hợp lại với nhau để đàm phán, hoặc ra tòa trong trường hợp Nga bị vỡ nợ, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra và đặc thù của trái phiếu chủ quyền Nga khiến lựa chọn đầu tiên trở nên khó khăn vào lúc này.

Dennis Hranitzky, người đứng đầu mảng kiện tụng chủ quyền tại công ty luật Quinn Emanuel cho biết, khi thời gian ân hạn 30 ngày đối với khoản thanh toán trái phiếu ngày 4 tháng 4 trôi qua đến vào đầu tháng 5, các chủ nợ sẽ có hai lựa chọn trên. Nhưng với tình hình xung quanh các lệnh trừng phạt thay đổi liên tục và càng tăng nhiệt, lựa chọn thứ hai có khả năng xảy ra nhất, Hranitzky và các luật sư khác có liên hệ với các trái chủ cho biết.

Hranitzky nói: “Tôi không nghĩ chúng ta biết rõ và đầy đủ về việc chuyện này sẽ diễn ra như thế nào, chúng ta không biết cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu. Tình hình với Nga là chưa từng có”.

“Đã 40 năm trôi qua kể từ khi chúng tôi chứng kiến bất cứ điều gì tương tự như thế này”, Lee Buchheit, người đã từng làm việc trong quá trình tái cơ cấu nợ có chủ quyền ở Hy Lạp và Argentina cho biết. “Đây không phải là một vấn đề tài chính; nó là một vấn đề chính trị thuần túy”.

Các trái chủ có thể cố gắng đưa vấn đề ra tòa nhưng đây thường là một quá trình tốn kém và kéo dài nhằm mục đích nhận được tiền bồi thường, hoặc thu giữ tài sản. Trong trường hợp của Nga, hành động pháp lý sẽ thậm chí còn gay gắt hơn, các luật sư cho biết.

Các luật sư cũng dự đoán Moscow sẽ đổ lỗi cho việc không có khả năng thanh toán sau khi Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết Nga sẽ có hành động pháp lý nếu phương Tây buộc nước này vỡ nợ.

“Nga sẽ tranh luận điều này”, Mitu Gulati, giáo sư luật tại Đại học Virginia và là chuyên gia về tái cơ cấu nợ cho biết. Tuy nhiên, ông cho rằng Moscow sẽ có thành công hạn chế. “Đúng, đây là một cuộc chiến, nhưng nó là cuộc chiến do Nga gây ra.”

Nếu kinh tế Nga vỡ nợ vào ngày 4/5 tới đây, “những người nắm giữ 25% trái phiếu có thể quyết định tuyên bố” sự kiện vỡ nợ” để đẩy nhanh việc thanh toán toàn bộ số trái phiếu”, Lee Buchheit, một luật sư lâu năm về quản lý nợ có chủ quyền cho biết.

Còn Giáo sư kinh tế quốc tế Ugo Panizza nói với tờ EURACTIV rằng: “Điều này có thể tạo ra phản ứng dây chuyền. Vì Nga có lẽ sẽ không chấp nhận một quyết định như vậy nên các chủ nợ sẽ phải ra tòa. Trong khi đó, Hợp đồng trái phiếu hiện tại bị ràng buộc bởi luật pháp Anh, nên ví dụ nếu một tòa án Anh quyết định rằng, các trái chủ có quyền tài phán, họ có thể yêu cầu Nga thanh toán khoản nợ của mình. Và rất có thể chính phủ Nga cũng sẽ không tôn trọng lệnh của tòa án, nên các chủ nợ có thể cố gắng thu giữ tài sản của nhà nước Nga để làm phương tiện trả nợ. “Tuy nhiên, không có khả năng các chủ nợ có thể lấy được tài sản bị phong tỏa”, Buchheit nói.

Còn về việc nắm bắt các khoản thanh toán năng lượng?

Các chủ nợ cũng có thể cố gắng thu giữ các khoản thanh toán cho hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, ví dụ như khoản tiền mà người mua khí đốt của Đức trả cho công ty Nga Gazprom.

“Câu hỏi đặt ra là liệu Gazprom có được coi là ‘bản ngã thay đổi’ của nhà nước Nga hay không”, Buchheit giải thích. Chính phủ Nga nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty. Trong trường hợp giả định này là các trái chủ sau khi Đức thanh toán cho Gazprom, họ sẽ phải thuyết phục một tòa án Đức coi Gazprom về cơ bản tương đương với nhà nước Nga để ra lệnh cho các nhà mua khí đốt của Đức thanh toán phần tiền qua cho các chủ nợ thay vì đưa cho công ty Gazprom.

Theo Buchheit, khả năng tấn công tài sản của Nga theo cách này có thể bị một số chủ nợ nhắm tới. Một phần vì Ukraine nhận được rất nhiều hỗ trợ trong cộng đồng tài chính. Và có thể có một số trái chủ muốn làm điều gì đó vì chính nghĩa, ông nói.

“Kịch bản sẽ là ác mộng bởi tình hình Ukraine chưa được giải quyết và các lệnh trừng phạt vẫn được áp dụng trong nhiều tháng, và có thể lâu hơn”, ông Buchheit nói.

Giáo sư kinh tế quốc tế Ugo Panizza còn chia sẻ, khi một quốc gia không trả được nợ nước ngoài, các nhà đầu tư quốc tế thường không muốn hoặc không thể cho quốc gia đó vay thêm tiền. Hoặc họ yêu cầu lãi suất cao hơn nhiều.

Cho dù vì chi phí lãi suất cao hơn hoặc không có khả năng vay, điều này buộc một quốc gia phải cắt giảm chi tiêu. Chi tiêu của chính phủ ít hơn làm giảm hoạt động kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm chậm tốc độ tăng trưởng. Trong khi một số tác động này, như tăng trưởng kinh tế yếu hơn, thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, các hậu quả khác có thể ám ảnh một quốc gia trong nhiều năm.

Thương mại với các quốc gia khác vẫn dưới mức bình thường trong trung bình 15 năm sau khi vỡ nợ xảy ra, trong khi việc loại trừ hoàn toàn khỏi thị trường vốn thường chỉ kéo dài hơn tám năm.

Ví dụ, khi Argentina vỡ nợ năm 2001, đồng peso lao dốc, nền kinh tế suy thoái và lạm phát tăng vọt. Bạo loạn vì lương thực đã nổ ra khắp cả nước, dẫn đến việc tổng thống phải từ chức. Mặc dù nền kinh tế của Argentina đã phục hồi vào năm 2007, nhưng nước này vẫn không thể vay vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến tình trạng vỡ nợ trở lại vào năm 2014.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Nga? Nước này đã bị khóa khỏi các thị trường vay nợ quốc tế vì các lệnh trừng phạt. Một quan chức chính phủ gần đây cho biết Nga cũng sẽ cố tránh vay nợ trong nước, vì vỡ nợ sẽ dẫn đến lãi suất “vũ trụ”.

Nhưng doanh thu đáng kể từ việc bán dầu và khí đốt đôi khi được chiết khấu có thể giúp bù đắp nhu cầu vay nợ trong ngắn hạn, đặc biệt nếu Nga có thể tiếp tục tìm được những người mua có thiện chí như Ấn Độ và Trung Quốc. Vào ngày 14 tháng 4 năm 2022, Putin thừa nhận các lệnh trừng phạt đang làm gián đoạn xuất khẩu và tăng chi phí.

Nhưng rủi ro lớn nhất đối với Nga là danh tiếng. Thông thường, các vụ vỡ nợ có chủ quyền dẫn đến một thiệt hại đáng kể về danh tiếng khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai. Ông Ugo Panizza nói: “Putin có thể không quan tâm đến rủi ro vỡ nợ, nhưng tới bây giờ thì Nga còn lại bao nhiêu danh tiếng để mất?.

Ông Ugo Panizza còn nói thêm, tất cả những người đi vay khác ở Nga cũng sẽ bị giảm uy tín tín dụng, và nền kinh tế thực có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, “Sẽ mất một thời gian dài để nền kinh tế Nga trở lại từ tình trạng vỡ nợ có chủ quyền”.

Vụ vỡ nợ cũng sẽ làm suy yếu hơn nữa bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong nước Nga, và hạn chế năng lực của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế Nga đang sụp đổ, nhưng nó cũng sẽ tác động đến châu Âu, đặc biệt và khiến việc vay nợ trên toàn cầu trở nên đắt đỏ hơn.

Ugo Panizza nói: “Việc không trả được nợ có chủ quyền là một đòn giáng mạnh đối với Nga. Nga sẽ nhanh chóng hết tiền và khó tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới