Monday, September 9, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnQuy định mới của Indonesia hỗ trợ ổn định Biển Đông

Quy định mới của Indonesia hỗ trợ ổn định Biển Đông

Quy định mới của Tổng thống Indonesia được coi là một phần trong nỗ lực duy trì chủ quyền và hỗ trợ sự ổn định trên Biển Đông.

Tuần qua, Bộ Ngoại giao Indonesia đã công bố Quy định của Tổng thống số 41 năm 2022 được Tổng thống Indonessia Joko Widodo ký từ ngày 17/3/2022, liên quan đến Kế hoạch phân vùng cho biển Natuna – Bắc Natuna, khu vực chồng lấn với yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.

Quy định mới của Tổng thống Indonesia được coi là một phần trong nỗ lực duy trì chủ quyền và hỗ trợ sự ổn định trên Biển Đông, bao gồm hai chính sách: quản lý khu vực phòng thủ hiệu lực, hiệu quả, thân thiện với môi trường, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ quốc phòng, an ninh nhằm hỗ trợ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia.

Để thực hiện việc quản lý khu vực phòng thủ, quy định đưa ra bốn chiến lược. Thứ nhất, tăng cường hiệu quả của các hoạt động trong khu vực phòng thủ bằng cách tính đến các mục đích sử dụng không gian. Thứ hai, kiểm soát tác động môi trường trong các khu vực huấn luyện quân sự. Thứ ba, thực hiện năng động quốc phòng và an ninh. Cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả và tầm quản lý quốc phòng, an ninh trên các vùng biển.

Trong khi đó, để cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho quốc phòng và an ninh, Indonesia đưa ra các chiến lược cụ thể như: phát triển các chốt an ninh biên giới theo đặc điểm khu vực và các điểm dễ bị tổn thương, đặt các thiết bị hỗ trợ hàng hải nhằm đảm bảo an toàn cho vận chuyển hàng hải và phát triển hệ thống giám sát chống lại các hoạt động đe dọa, phá vỡ quốc phòng và sự ổn định của quốc gia.

Quy định mới của Tổng thống Indonesia cũng bao gồm các chính sách và chiến lược trong các lĩnh vực khác nhau như bảo tồn các khu vực biển, kinh tế và du lịch, cũng như ranh giới của vùng biển Natuna và Bắc Natuna. Vùng biển Natuna là tâm điểm chú ý của thế giới. Yêu sách phi lí về “đường 9 đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Indonesia đưa ra quanh đảo Natuna. Năm 2017, Indonesia đổi tên vùng biển trên thành biển Bắc Natuna để thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tài phán.

RELATED ARTICLES

Tin mới