Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChính sách của Nhật Bản thay đổi sau khủng hoảng Nga-Ukraine

Chính sách của Nhật Bản thay đổi sau khủng hoảng Nga-Ukraine

Căng thẳng Ukraine đặt ra nhiều câu hỏi cho các mục tiêu chính sách đối ngoại lâu nay của Nhật Bản, trong đó có mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và phản ứng của Bắc Kinh đang buộc Tokyo xem xét lại các chính sách kéo dài hàng thập kỷ – bao gồm chính sách thân thiện với Nga để cân bằng với Trung Quốc, hay đường lối phòng thủ theo “chủ nghĩa hòa bình” từ sau thế chiến. Khủng hoảng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia (NSS) của Nhật Bản. 

Thay đổi chính sách

“Trung Quốc rõ ràng là vấn đề số một đối với chúng tôi. Với Nga lại là một câu chuyện dài. Thật khó để nghĩ rằng chúng tôi cần phải đối mặt với Nga và Trung Quốc cùng một lúc. Vì vậy, ý tưởng là bằng cách nào đó cần đẩy Nga ra xa khỏi Trung Quốc”, ông Yoko Iwama, giám đốc chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Tokyo, bình luận.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều cuộc họp thượng đỉnh và đưa ra những lời hứa hẹn đầu tư lớn của Nhật Bản nhằm giúp vực dậy nền kinh tế của vùng Viễn Đông đang suy thoái của Nga. Theo chuyên gia, Tokyo dường như hy vọng hai bên sẽ có một hiệp ước hòa bình song phương, trong đó Nga sẽ đồng ý để lại ít nhất một phần quần đảo Kuril đang tranh chấp cho Nhật Bản.

Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Tokyo miễn cưỡng áp đặt một số biện pháp trừng phạt với Moskva. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, được thông qua dưới thời ông Abe vào năm 2013, đã kêu gọi nước này “thúc đẩy hợp tác với Nga trên mọi lĩnh vực” vì lợi ích “an ninh hòa bình và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của ông Abe ngay cả sau khi từ chức vào năm 2020 đã khiến những người kế nhiệm ông khó thay đổi hướng đi. Tuy nhiên, với hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, Nhật Bản đang có xu hướng làm như vậy.

Phó giáo sư James DJ Brown tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định: “Cuộc chiến có thể được coi là đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chính sách của Nhật Bản đối với Nga”. Theo chuyên gia này, dưới thời ông Abe, họ không muốn cứng rắn với Nga vì nước này có thể xích lại gần Trung Quốc hơn. Còn hiện tại Nhật Bản muốn cứng rắn với Nga để thể “cảnh báo” Trung Quốc trong các vấn đề như Đài Loan.

Theo chuyên gia Yuki Tatsumi, phụ trách chương trình Nhật Bản tại trung tâm Stimson, Mỹ, về ngắn hạn, dù ông Kishida muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga và có hiệp ước hòa bình với Moskva, đây cũng không phải là lúc phản ứng không rõ ràng trước xung đột Ukraine vì “sự mềm mỏng có thể làm ảnh hưởng đến vị thế trên bàn đàm phán của Nhật Bản”. Nếu nước này muốn có sự ủng hộ của quốc tế trong trường hợp Trung Quốc hành động hung hăng ở biển Hoa Đông hoặc eo biển Đài Loan, Nhật Bản cũng cần thể hiện sự ủng hộ với các nước phương Tây. 

Trong vòng một tuần sau khi xung đột Ukraine bắt đầu, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi các quy tắc quản lý xuất khẩu quân sự. Đầu tháng 3, Lực lượng Phòng vệ của nước này đã điều một máy bay tiếp dầu Boeing KC-767 với áo chống đạn và mũ bảo hiểm, tới chiến trường Ukraine.

Hai tuần sau cuộc chiến, phương tiện truyền thông của Nhật Bản đưa tin rằng chiến lược an ninh mới được áp dụng trong năm nay sẽ không còn coi Nga là “đối tác” mà là “thách thức an ninh”. Sự thay đổi cũng trở nên nổi bật khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội Nhật Bản.

Nhật Bản nhanh chóng ban hành các biện pháp trừng phạt Nga theo Mỹ và châu Âu. 

Toan tính của Nhật Bản sau khủng hoảng Nga-Ukraine - 2
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: AP)

“Hậu quả” sau đó đến rõ ràng: Trong tháng 3, Tokyo cáo buộc máy bay trực thăng Nga xâm phạm không phận Nhật Bản. Hôm 23/3, Moskva tạm dừng các cuộc đàm phán hòa bình với Nhật Bản về Kuril.

Dù vậy không có nghĩa là tất cả các mối quan hệ giữa hai bên bị cắt đứt. Ba dự án năng lượng quan trọng vẫn được duy trì.

Mitsui và Tập đoàn Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản (Jogmec) đầu tư giai đoạn hai theo kế hoạch vào dự án khí đốt quốc gia hóa lỏng Bắc Cực, do Novatek của Nga và TotalEnergies của Pháp hỗ trợ. Ngoài ra, Mitsui và một chi nhánh của Mitsubishi cũng nắm giữ cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin II cùng với Shell và Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga. Trong khi đó các công ty dầu khí nhà nước Nhật Bản, Itochu và Marubeni, là cổ đông của Sakhalin I cùng với các đối tác Mỹ, Ấn Độ và Nga.

Các nhà phân tích cho biết điều này một phần là do Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) có những lo ngại về an ninh năng lượng – mặc dù Nhật Bản chỉ nhập khẩu 4% dầu và 9% khí đốt tự nhiên từ Nga và không phụ thuộc vào Moskva về năng lượng như châu Âu.

Tăng cường năng lực phòng thủ

Mặc dù không thể so sánh với các lô vũ khí của Mỹ và châu Âu, sự viện trợ quân sự của Nhật Bản cho Ukraine đánh dấu việc nước này rời xa đường lối kiềm chế theo chủ nghĩa hòa bình của họ từ thời hậu chiến, theo các chuyên gia.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi giữa các nhà lập pháp Nhật Bản về việc tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của nước này, và tranh luận ngày càng gay gắt về việc liệu Nhật Bản có nên mua vũ khí có khả năng tấn công các bãi phóng tên lửa trong lãnh thổ của đối phương hay không.

Các động thái thể hiện Nhật Bản đang nhận ra họ phải tăng cường sức mạnh răn đe của chính mình, thay vì chỉ dựa vào liên minh với Mỹ để bảo vệ các lợi ích.

Toan tính của Nhật Bản sau khủng hoảng Nga-Ukraine - 3
Nhật Bản nâng cấp một tàu khu trục hải quân thành một tàu sân bay có thể chứa máy bay chiến đấu F-35. (Ảnh: Naval News)

Trong những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự hơn với quân đội từ Mỹ, Australia, Anh và Pháp. Năm ngoái, Nhật Bản đã nâng cấp một tàu khu trục hải quân thành một tàu sân bay có thể chứa máy bay chiến đấu F-35. Nhật Bản gần đây cũng đã mua máy bay không người lái giám sát quân sự do Mỹ sản xuất.

Trong một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Mỹ tại Tokyo, Rahm Emanuel, cho biết với các chính trị gia ở Nhật Bản, có cảm giác “nền tảng đã thay đổi” trong các đường lối. Ông nói đó là vì cả những gì Nga làm ở Ukraine, và những gì Triều Tiên và Trung Quốc đang làm.

Sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia

Quan trọng hơn, theo chuyên gia, cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine sẽ có tác động đáng kể đến quá trình đang diễn ra nhằm sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) của Nhật Bản. 

Đầu tiên là tầm quan trọng của việc Nhật Bản tái khẳng định cam kết “duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các giá trị và quy tắc chung”. Trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan, các hoạt động kinh tế hung hăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và việc Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự của Nga, có khả năng NSS mới sẽ gọi hành vi của Trung Quốc là đi ngược lại trực tiếp với lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Thứ hai, nhu cầu tăng cường liên minh Nhật Bản-Mỹ có thể tăng lên đáng kể, cùng với nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh với cả các đối tác và đồng minh khác của Mỹ trên thế giới. Đặc biệt, hướng đi này có thể được nhấn mạnh khi Nhật Bản tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Thứ ba, an ninh kinh tế và các vấn đề liên quan có thể sẽ xuất hiện nhiều trong NSS mới. Việc Mỹ, G-7, NATO và các nước EU nhanh chóng muốn “tách” Nga khỏi các hoạt động thương mại quốc tế cũng như mạng lưới giao dịch tài chính quốc tế cho thấy viễn cảnh mà Nhật Bản cần đối mặt. Đó là khi môi trường chiến lược toàn cầu ngày càng có xu hướng lưỡng cực – bị chia rẽ giữa khối do Mỹ, Nhật dẫn đầu và bên kia là Trung Quốc, Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới