Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiEU đang "lấy đá ghè chân mình"

EU đang “lấy đá ghè chân mình”

Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu hôm nay (2/5) sẽ nhóm họp tìm các giải pháp cho vấn đề năng lượng của khối này. Dù đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với Nga song Liên minh châu Âu vẫn đang loay hoay trong chính cái thòng lọng do khối này đặt ra.

Hai vấn đề lớn được đặt ra trong cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu lần này chính là tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga và giải quyết yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp mà Nga đưa ra nếu không nguồn cung năng lượng cho châu Âu sẽ bị cắt đứt. Đây được xem là 2 bài toán hóc búa mà Liên minh châu Âu đến nay vẫn đang loay hoay giải quyết.

Về thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nước thành viên khối này. Một mặt nhiều lãnh đạo châu Âu công khai tuyên bố sẽ không mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp như Nga yêu cầu. Mặt khác, theo tiết lộ của giới chức Hungary ngày 1/5 hiện có 10 quốc gia khối này vẫn đang âm thầm mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Sau khi Nga ra lệnh cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria đầu tuần này, các công ty năng lượng châu Âu đang gấp rút tìm cách tuân thủ yêu cầu từ phía Nga do lo ngại sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nếu Nga tiếp tục cắt nguồn cung. Mặc dù Uỷ ban châu Âu đã ra hướng dẫn, theo đó các công ty năng lượng châu Âu có thể “lách” về mặt kỹ thuật bằng cách tuyên bố đã hoàn tất việc trả tiền khí đốt cho Nga ngay lập tức sau khi chuyển số tiền này bằng đồng euro hoặc USD cho đối tác Nga, trước khi phía Nga quy đổi số tiền này sang đồng rúp Nga.

Tuy nhiên, hướng dẫn này được cho là quá mập mờ, khiến các nước khó áp dụng. Hiện một số nước như Đan Mạch, Hy Lạp, Ba Lan, Slovakia đã lên tiếng yêu cầu Uỷ ban châu Âu hướng dẫn chi tiết thêm về việc trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp theo yêu cầu từ phía chính quyền Nga.

Ngoài vấn đề thanh toán khi đốt, các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu cũng sẽ thảo luận việc giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Cho đến nay, Liên minh châu Âu cũng vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu để giảm nguồn cung năng lượng từ Nga.

Dù đã dừng nhập khẩu than song Liên minh châu Âu vẫn chưa dừng nhập khẩu khí đốt bởi 40% lương khí đốt nhập khẩu vào EU là từ Nga. Việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga đang là một vấn đề gây tranh cãi giữa các thành viên EU. Trong khi một số thành viên yêu cầu chấm dứt việc sử dụng dầu mỏ của Nga trước cuối năm 2022 thì một số quốc gia khác lại lo ngại về tác động của quyết định này đối với giá khí đốt.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc cắt giảm đột ngột tổng nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu sẽ đẩy nhiều nền kinh tế lớn của khối này trong đó có Đức rơi vào suy thoái.

Chuyên gia phân tích thuộc viện Nghiên cứu quốc tế Mỹ Tiểu Hội nhận xét: “Liên minh châu Âu đang gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định trừng phạt nhằm vào lĩnh vực khí đốt của Nga. Vẫn còn những khác biệt rất lớn giữa các thành viên khối này”.

Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu cuối tháng này sẽ công bố kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu khí đốt của Nga vào năm 2027, bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ xây dựng để tiêu thị ít năng lượng đi. Tuy nhiên cho đến nay, Nga vẫn đang cung cấp 40% khí đốt và 30% dầu mỏ cho Liên minh châu Âu. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu mà khối này đặt ra là đến năm 2027 chấm dứt hoàn toàn nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga là rất tham vọng và không dễ đạt được.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới