Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHành động phi pháp, nguy hiểm và khiêu khích

Hành động phi pháp, nguy hiểm và khiêu khích

Liên tục trong mấy năm nay cứ vào đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 8, Trung Quốc lại đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Một câu hỏi đơn giản: Bắc Kinh chỉ có quyền cấm trên phạm vi vùng biển của mình, sao lại ngang ngược cấm cả trên vùng biển của quốc gia khác?

Câu trả lời cũng đơn giản như thế: Trung Quốc coi Biển Đông là “ao nhà”. Cậy thế nước lớn, họ liên tục ra lệnh cấm đánh bắt hải sản để “bảo vệ nguồn tài nguyên biển”. Nhưng đấy chỉ là cách giải thích, đằng sau câu chuyện đánh bắt tôm, cá là chuyện họ muốn gián tiếp khẳng định chủ quyền một cách vô lối, là hành động phi pháp, khiêu khích các nước láng giềng và các quốc gia liên quan.

“Điệp khúc” cấm năm 2022 lại lặp lại. Cụ thể, Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài trong ba tháng, từ 1/5 và kết thúc vào ngày 16/8. Không chỉ cấm đánh bắt ở Biển Đông, Trung Quốc còn tuyên bố lệnh cấm ở biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải. Trong ba ngày, sau khi lệnh cấm được tuyên bố, sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên các ngư trường nằm trong vùng cấm đánh bắt cá để đảm bảo… không có vi phạm.

Đương nhiên, Việt Nam và các nước liên quan lại nhất loạt phản đối. Rằng tại sao ông hàng xóm tham lam và xấu tính lại lặp lại trò cấm bắt chim trên cây nhà hàng xóm? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, hôm 29/4, đã lên tiếng phản đối. Bà Hằng nói: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hoà bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.

Tuyên bố này của Hà Nội thật kịp thời, đúng đắn, có lý, có tình. Nhưng nếu liên hệ với những lời xã giao giữa các nhà lãnh đạo hai nước Việt -Trung trong thời gian gần đây thì thấy rằng “tiền hậu bất nhất”, hay nói theo ngôn ngữ trên mạng xã hội thì “cứ thấy sai sai”.

Mới cách đây hơn chục ngày, hai ông Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc còn bắt tay nhau thắm thiết, nói những lời đường mật về q uan hệ thủy chung gắn bó giữa quân đội hai nước, tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em. Vậy mà…

Cụ thể, hôm 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đồng chủ trì các hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 – 2022 tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tại đây, ông Ngụy hết lời ca ngợi, rằng “hai bên” đã làm hết sức mình vun đắp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thể hiện nhận thức chung quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Quân đội hai nước; thể hiện sự coi trọng cao của hai bên, tin tưởng những hoạt động thiết thực này sẽ củng cố hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam, gia tăng tin cậy chính trị, tăng cường hợp tác thiết thực, mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Đúng là những là những lời trơn tuột mà phương Tây dùng hình ảnh “nói bằng cái lưỡi gỗ” mượn của kẻ khác. Bởi chỉ sau mấy hôm, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông đã sổ toẹt cái “tình hữu nghị” của ông Ngụy. “Tôn trọng, hợp tác, vì hạnh phúc” kiểu gì mà anh cho tàu Hải cảnh uy hiếp, xua đuổi ngư dân chúng tôi khi đang đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa và các khu vực khác thuộc chủ quyền của Việt Nam?

Vậy là đã sang năm thứ 4 Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên Biển Đông vào vụ hè, bất chấp những phản đối của các quốc gia láng giềng. Để lệnh này được bảo đảm thực hiện nghiêm bởi luật pháp Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới cho phép lực lượng Hải cảnh của nước này được sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền nước ngoài bị cáo buộc là xâm phạm vùng biển của Trung Quốc. Cảnh sát biển và Bộ Nông nghiệp – Nông thôn của Trung Quốc đã ngang nhiên đe dọa tiến hành chiến dịch “trấn áp” tất cả tàu vi phạm.

Như trên đã nói, việc đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc nhắm đến nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu về kinh tế là độc chiếm ngư trường. Thông qua cái lệnh đi ngược lại luật pháp quốc tế này, Bắc Kinh đang cố ý sử dụng sai hoặc lạm dụng hệ thống và nguyên tắc pháp lý để đạt được mục đích chính trị, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã đưa luật pháp trong nước để thực thi quy định hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc và của… nước ngoài. Đây là hành động nguy hiểm, khiêu khích, cá lớn nuốt cá bé. Trung Nam Hải áp đặt luật riêng đối với chuẩn mực chung về hàng hải quốc tế nhằm thể hiện mức độ kiểm soát hành chính của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông và đe dọa quyền đánh bắt của ngư dân các nước láng giềng. Họ muốn chứng tỏ tất cả thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông đều đang nằm trong sự quản lý, kiểm soát nội bộ và không có tranh chấp.

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia trọng khu vực đã lên án mạnh mẽ Trung Quốc đưa “luật rừng” ra biển Đông. Chủ tịch Liên minh Nghề cá quốc gia Philippines phản đối và vạch rõ: “Trung Quốc không có quyền lấy cớ bảo tồn thủy sản để ban bố lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển mà họ không có chủ quyền hợp pháp”. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cũng chỉ ra rằng, các tàu Trung Quốc gây hủy hoại sinh vật biển với hoạt động khai thác sò tai tượng quy mô lớn và nạo vét để xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, phá hủy hơn 161 km2 rạn san hô ở nhiều khu vực trên Biển Đông.

Thay vì cấm đoán, dọa dẫm tàu cá nước ngoài, Bắc Kinh nên tìm cách quản lý chính ngư dân của mình vốn tham gia hoạt động đánh bắt không bền vững nhắm vào những sinh vật biển đang có nguy cơ bị đe dọa và cần được bảo vệ như sò tai tượng. Về phía các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nên có hội nghị chuyên đề bàn về hoạt động đánh bắt cá, sau đó yêu cầu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

Trật tự khai thác, an ninh trên biển chỉ được lập lại trên cơ sở pháp lý, thông qua đàm phán, đối thoại song phương và đa phương một cách dân chủ, bình đẳng. Đến nay, không ai còn lạ gì chiêu trò của Bắc Kinh- chiêu trò ngụy quân tử khi dùng biện pháp kinh tế – thương mại để trả đũa những vấn đề không liên quan, hoặc “vấn đề” mà Bắc Kinh không vừa ý.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới