Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTam giác thương mại của Việt Nam ở Thái Bình Dương

Tam giác thương mại của Việt Nam ở Thái Bình Dương

Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 150 quốc gia, nhưng phần lớn tập trung vào Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, tạo thành một tam giác thương mại mới ở Thái Bình Dương.

LTS: VietNamNet xin trân trọng giới thiệu bài viết “Việt Nam và tam giác thương mại mới ở Thái Bình Dương” của tác giả Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự tại Đại học Waseda, Nhật Bản. Bài viết này được đăng trên trang Diễn đàn Đông Á.

Tam giác thương mại với tâm điểm là Việt Nam

Năm 2020, Mỹ và Trung Quốc chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ trọng nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng lên 50%. Loại sản phẩm được giao dịch cũng như sự mất cân bằng thương mại giữa các đối tác rất đáng chú ý. Việc phụ thuộc vào Mỹ như một điểm đến xuất khẩu, chiếm khoảng 27% xuất khẩu của Việt Nam và gần 40% các mặt hàng tiêu dùng cuối cùng vào năm 2020, khiến thặng dư thương mại của Việt Nam so với Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây.

Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu hàng hóa trung gian như các sản phẩm bán xử lý và tư liệu sản xuất từ Trung Quốc và Hàn Quốc, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn với các nước này, trong đó xu hướng thiên lệch về Trung Quốc cao. Năm 2020, Trung Quốc chiếm tới 32% hàng hóa công nghiệp bán xử lý, 27% linh kiện và 38% tư liệu sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam. Các tỷ lệ này với Hàn Quốc lần lượt là 16%, 36% và 21%.

Mô hình thương mại trên giống như một tam giác thương mại mới ở Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, với Việt Nam là tâm điểm.

Tam giác của những năm 1980 đặc trưng cho các nền kinh tế đang công nghiệp hóa ở châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nhập khẩu hàng hóa trung gian và tư liệu sản xuất từ Nhật và xuất khẩu hàng tiêu dùng cuối cùng sang Mỹ. Điều này dẫn đến thâm hụt thương mại lớn với Nhật và thặng dư thương mại với Mỹ. Các nền kinh tế này đã giải quyết vấn đề bằng cách thay thế nhập khẩu từ Nhật bằng nâng cấp các cấu trúc công nghiệp của họ.

Tam giác thương mại Thái Bình Dương hiện tại, bao gồm cả Việt Nam, rủi ro hơn. Một mặt, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp bảo hộ đối với những đối tác giao dịch khiến nước này bị thâm hụt lớn, đặc biệt là các đối tác nhập khẩu lượng lớn đầu vào từ Trung Quốc. Mặt khác, việc quá phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây bất ổn khi những thay đổi chính sách trong nước của Trung Quốc đại lục ảnh hưởng đến thương mại với các nước láng giềng.

Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Trung Quốc theo chính sách “Không Covid” đã hạn chế nghiêm trọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc giảm nguồn cung đầu vào đột ngột từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Cách thức ổn định cấu trúc thương mại Việt Nam

Mô hình thương mại hiện tại cũng phản ánh mức độ công nghiệp hóa thấp của Việt Nam, đặc trưng bởi việc sản xuất hàng hóa thâm dụng lao động và tham gia vào những giai đoạn chuẩn bị của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có thể nâng cấp cấu trúc công nghiệp của mình bằng cách thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài việc từng bước đa dạng hóa xuất khẩu khỏi Mỹ, chiến lược công nghiệp hóa này sẽ tháo dỡ tam giác thương mại mới ở Thái Bình Dương và ổn định cấu trúc thương mại Việt Nam.

Một chính sách công nghiệp hóa mới nên tập trung vào hai khía cạnh. Trước hết là một chiến lược đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới. Chính phủ nên giới thiệu các dự án FDI mới theo từng trường hợp, cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp các ưu đãi để khuyến khích thay thế nhập khẩu cho các thành phần công nghệ cao và các sản phẩm công nghiệp trung gian khác.

Tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết kêu gọi chính sách FDI mới. Nghị quyết nhấn mạnh việc triển khai các dự án chất lượng cao ngay cả khi chính sách FDI rộng hơn vẫn chưa được thực hiện. Mặc dù Việt Nam thiếu khung FDI mới là một phần do đại dịch Covid-19, nhưng chính sách chủ động hơn và các sáng kiến cụ thể là cần thiết để đạt được các mục tiêu kinh tế và thương mại của đất nước.

Nhiều lao động Việt Nam lành nghề đang làm thực tập sinh tại Nhật. Ảnh: Nikkei Asia

Thứ hai, việc cung cấp lao động lành nghề nên được mở rộng để nâng cấp cấu trúc công nghiệp của Việt Nam. Việc cải thiện các trường cao đẳng kỹ thuật chuyên ngành và mở rộng các khoa về khoa học và công nghệ ở những trường đại học lớn nên là tiêu điểm của việc nâng cấp này.

Một phản ứng tức thì hơn sẽ là kết nối các thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam ở các nước tiên tiến, cụ thể là Nhật, với các công ty nước ngoài và địa phương đang đầu tư vào sản phẩm công nghiệp chất lượng cao hơn ở Việt Nam. Số lao động Việt Nam lành nghề đang làm thực tập sinh tại Nhật lên tới 220.000 người vào cuối năm 2019. Bên cạnh đó, ở Nhật, số lượng công nhân lành nghề Việt Nam đã vượt qua các kỳ thi trong những lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt và đạt trình độ trung cấp tiếng Nhật cũng tăng lên. Vào cuối 2020, những công nhân lành nghề như vậy là 15.663 người.

Đầu tư vào một thế hệ những người lao động có tay nghề cao, trẻ hơn cuối cùng sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực công nghiệp. Tuy nhiên, đây là một trong nhiều điều chỉnh cho các chính sách công nghiệp và thương mại cần thiết để giúp đất nước vượt qua sự bất ổn của tam giác thương mại mới ở Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới