Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề sự “bất cân xứng” trên Biển Đông

Về sự “bất cân xứng” trên Biển Đông

Muốn độc chiếm Biển Đông phải có lực lượng hải quân cực mạnh, đặc biệt là cần có các chiến hạm hiện đại. Trong mấy năm qua Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh mẽ nâng cấp tàu chiến hiện đại, với mục tiêu vào năm 2035 sẽ đứng đầu thế giới.

Cuối tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu đổ bộ tấn công Hải Nam Type-075 ra Biển Đông. Mục đích của việc đưa “quái vật” vươn đến khu vực này là để tham gia huấn luyện nội dung tiếp nhiên liệu và bắn đạn thật, nhằm “cải thiện năng lực chiến đấu”.

Sự kiện này làm cho tình hình an ninh trở nên căng thẳng, “gây ra sự bất cân xứng ngày càng lớn” trên Biển Đông. Tin từ Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc: Tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc lớp Type-075 đã tham gia huấn luyện hiệp đồng và diễn tập tại một khu vực trên Biển Đông hôm 22/4, tuy nhiên nguồn tin không tiết lộ vị trí cụ thể.

Tàu Hải Nam di chuyển song song và tiếp dầu từ một tàu hậu cần. Còn các sĩ quan, binh lính hải quân đánh bộ trên tàu cũng diễn tập triển khai và đổ bộ bằng trực thăng. Tổ hợp pháo phòng thủ cực gần Type-1130 khai hỏa hướng mục tiêu giả định trên biển.

Sở dĩ có được các tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ cực lớn là do trong mấy thập niên gần đây Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ đóng tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới. Chưa biết hiệu quả tác chiến sẽ ra sao nhưng mục tiêu trước mắt là tăng cường vai trò của lực lượng hải quân Trung Quốc trong việc phô trương sức mạnh ở nước ngoài; quyết đoán hơn trong yêu sách chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông; tăng cường đội tàu tuần tra tại eo biển Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang ngày càng xấu đi.

Tàu đổ bộ Type-075 là loại tàu đáp ứng các yêu cầu đó, với độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40 nghìn tấn, dài khoảng 237m. Type-075 có thể chở 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9 và xa hơn là loại máy bay Z-20. Cả hai loại trực thăng nêu trên đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền, đặc biệt, Z-9 còn có thể mang tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm.

Quân đội Trung Quốc tuyên bố, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền. Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-075 cho thấy hải quân Trung Quốc đang dốc sức nâng cấp khả năng tấn công và có khả năng vượt Mỹ, vươn xa hơn ra các đại dương.

Những năm 90 trở về trước, hải quân Trung Quốc rất nhỏ bé so với lục quân. Song, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc khởi động dự án quy mô lớn nhằm biến quân đội Trung Quốc trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới”. Cách đây hơn ba năm, trong cuộc duyệt binh trên biển lớn nhất (4/2018) Hải quân Trung Quốc triển khai 48 chiến hạm, hơn 10 nghìn quân và hàng chục máy bay. Tại đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ thị, phải xây dựng lực lượng thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên các đại dương.

Theo Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ, vào năm 2015, hải quân Trung Quốc mới chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế, thì tới cuối năm 2020, đã có 360 chiến hạm. Riêng trong năm 2019, đã có tới 24 chiến hạm các loại, từ khu trục hạm đến tàu đổ bộ và khinh hạm, được hạ thủy.

Theo đó, số lượng tàu chiến hiện đại của hải quân Trung Quốc hiện chỉ đứng sau hải quân Mỹ và vượt xa các nước ở tốp đầu như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thử so sánh với tàu chiến Mỹ, tuy trang bị hiện đại, chiếm ưu thế áp đảo về cả số lượng và chất lượng, nhưng lại ở rất xa Biển Đông, còn tàu chiến của Trung Quốc đều đóng quân tại khu vực Đông Á, nên có ưu thế nổi trội về địa lý và mức độ tập trung. Bởi vậy, tại vùng biển gần, thậm chí tại khu vực “chuỗi đảo thứ nhất”, hải quân Trung Quốc chiếm ưu thế hỏa lực lớn hơn so với Hạm đội 7 của hải quân Mỹ.

Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, phân tích tình hình: Việc triển khai tàu tấn công đổ bộ tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc tới Biển Đông thể hiện rõ ý đồ của Bắc Kinh. Các nước láng giềng của Trung Quốc cần phải nêu cao cảnh giác, ứng phó với sự “bất cân xứng” trong cán cân quyền lực quân sự.

Điều này thì hầu hết các nước ở Đông Nam Á, nhất là các nước có tranh chấp về biển đảo với Trung Quốc đã và đang làm, đó là nâng cấp lực lượng vũ trang của mình, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cường quốc bên ngoài, thông qua các cuộc diễn tập, tập trận chung.

Không chỉ quan sát dưới góc độ Trung Quốc tập trung nâng cấp hải quân, đặc biệt là đầu tư các loại tàu đổ bộ tấn công, cần nhìn sâu xa hơn âm mưu bá chủ thế giới của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Trung Quốc đã bành trướng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. “Ngoại giao Chiến Lang” đã thay thế ngoại giao hữu nghị. Thái độ hiếu chiến đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của chính sách đối ngoại Trung Quốc. Họ đang trở thành mối đe dọa lớn nhất của nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới