Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLạ cho cử tri Philippines

Lạ cho cử tri Philippines

Đối ngoại không phải là tất cả. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, với một quốc gia có vị trí địa chính trị đặc biệt như Philippines, đối ngoại là một trong những vấn đề dư luận, cử tri quan tâm nhất.

Ông Ferdinand Marcos Jr đắc cử Tổng thống Philippines

Và một quốc gia như Philippines, trong đối ngoại, không gì quan trọng hơn quan hệ với Bắc Kinh, trong đó, câu chuyện Biển Đông hẳn phải chiếm vị trí hàng đầu.

Về hình thức, chủ trương, quan điểm đối ngoại của tân tổng thống Marcos đã thể hiện rõ trong 3 tháng vận động tranh cử trước ngày 9/5. Khi đó, ứng viên nặng ký nhất biết được qua các cuộc khảo sát, là ông Ferdinand Marcos Jr – con trai của Ferdinand Marcos cha (Tổng thống Philippines từ 1965 đến 1986, người đồng thời được gọi là nhà độc tài) – đã cho biết, nếu thắng cử, ông sẽ gác lại phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài năm 2016 về Biển Đông để tìm một giải pháp khác cho tranh chấp biển và lãnh thổ thông qua đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về các tranh chấp biển và lãnh thổ kéo dài. Bởi theo ông, Bắc Kinh đã không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển (Unclos 1982), do vậy, dù trương ra mãi phán quyết cũng vô ích.

Thực tế đó đồng nghĩa với việc khó hy vọng một luồng gió nào mới mẻ về cách tiếp cận của ông Marcos trong quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí, bồi thêm vào những người Philippines chủ trương “thoát Trung” để vãn hồi, tăng cường quan hệ với đồng minh Mỹ vốn có chiều rạn nứt xa cách thời ông Duterte, ông Marcos còn nói sẽ bác bỏ bất kỳ lời đề nghị trợ giúp tiềm năng nào từ Washington trong việc đàm phán với Bắc Kinh bởi “đây là vấn đề giữa Manila và Bắc Kinh”. Nói thế, nghĩa là ông vị tổng thống tương lai khi đó cũng không có bất kỳ kiêng dè nào về phản ứng của các quốc gia láng giềng đang hết sức cảnh giác với cái bẫy gọi là “đàm phán song phương” trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc rủ rê nhiều bận.

Ngược thời gian, 6 năm trước, người Philippines từng hy vọng ông Duterte, sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của đất nước gần 110 triệu dân trong khu vực Đông Nam Á, sẽ phát huy chiến thắng nóng hổi có được qua phán quyết của PCA. Nhưng họ thất vọng ngay sau đó. Thất vọng vì ngồi vào chiếc ghế quyền lực, ông Duterte đã gần như không hề nhắc tới phán quyết, coi như lờ tịt công sức, nỗ lực của người tiền nhiệm để tiến hành và đạt được chiến thắng trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vô tiền khoáng hậu.

Càng về sau, khi liên tục ăn phải, hoặc quả đắng như các vụ đâm húc tàu cá ngư dân, quấy nhiễu hoạt động tiếp tế…; hoặc những lời hứa hão trong cái gọi là “viện trợ kinh tế” xây dựng hệ thống hạ tầng, dư luận, người dân Philippines càng thất vọng về tổng thống của mình và thù ghét Trung Quốc.

Không chỉ người dân, chính ông Duterte, những tháng ngày cuối nhiệm kỳ, cũng tuôn ra những lời ngao ngán, trách cứ Trung Quốc “nói mà không đi đôi với làm”. Đồng thời, ông cũng liên tục đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn trước Trung Quốc, mặc cho những lời vuốt ve của ông Vương Nghị, đại diện cho Trung Nam Hải, rằng “ông ấy (Duterte) đã theo đuổi kiên định chính sách hữu nghị với Trung Quốc, đưa quan hệ hai nước vượt qua gập ghềnh để đi đúng hướng”.

Vậy mà, cử tri Philippines vẫn dồn phiếu cho ông Marcos, người công khai những tuyên ngôn có thể coi như “theo đuôi” trong quan hệ với Trung Quốc, là ông Duterte từng và đang bị chính họ chán bỏ.

Vậy mà ông Marcos vẫn thắng.

Vậy mà không chỉ thắng, ông Marcos còn thắng vang dội với số phiếu vượt trội các ứng viên còn lại.

Làm nên chiến thắng ngoạn mục của ông Marcos, phải chăng cử tri Philippines, những người vốn phê phán ông Duterte, nhưng lại bỏ phiếu cho ông Marcos, là những người không có lập trường, dễ thay đổi tới mức khó lường?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới