Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÁC CÔNG TY TQ MUA NHỮNG HÒN ĐẢO CHIẾN LƯỢC NHẰM MỤC...

CÁC CÔNG TY TQ MUA NHỮNG HÒN ĐẢO CHIẾN LƯỢC NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?

Các doanh nghiệp nhỏ từ Trung Quốc đã lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm những dải đất quan trọng. Họ đang cố gắng kiếm tiền hay là làm bình phong cho Bắc Kinh?

Một bến tàu ở Honiara, quần đảo Solomon.

Ba năm trước, Xu Changyu, Phó chủ tịch Tập đoàn China Sam Enterprise, lần đầu tiên đến một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương. Khi đó, ông đã âm thầm đàm phán một hợp đồng thuê Tulagi, một hòn đảo nhỏ có bến cảng nước sâu tự nhiên thuộc quần đảo Solomon, trong 75 năm. Thỏa thuận đã buộc phải ngừng lại sau khi Bộ trưởng Tư pháp Solomon tuyên bố là trái pháp luật. Thỏa thuận đã khiến dư luận và các đồng minh phương Tây truyền thống của quốc đảo này nghi ngờ Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một căn cứ quân sự tại một địa điểm từng là nơi tiếp đón hải quân Anh, Nhật Bản và Mỹ.

Xu Changyu sau đó đã quay trở lại. Khi Thủ tướng Manasseh Sogavare của quốc đảo Solomon thăm Trung Quốc vào tháng 10/2019, nhân vật này đã tháp tùng thủ tướng trong toàn bộ chuyến đi. Tháng 4/2020, ông đăng ký China Sam, công ty sản xuất vũ khí và có mối quan hệ với Bộ Quốc phòng Trung Quốc, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài ở quốc đảo Solomon, dỡ bỏ một trong những rào cản pháp lý làm trật bánh thỏa thuận đầu tiên. Năm tháng sau, công ty của ông đã tham gia một đề xuất thậm chí còn táo bạo hơn. Một tỉnh trưởng khác của Solomon đã nhận được một lá thư của AVIC International Project Engineering, công ty con của một tập đoàn quốc phòng và hàng không của nhà nước Trung Quốc. Theo nội dung bức thư, AVIC và Tập đoàn China Sam Enterprise có ý định nghiên cứu “các cơ hội phát triển các dự án hải quân và cơ sở hạ tầng trên vùng đất được thuê để Hải quân Quân giải phóng nhân dân độc quyền sử dụng trong 75 năm”. Tin tức về bức thư đã bị rò rỉ trên mạng xã hội vào tháng 7 năm ngoái và buộc người đứng đầu chính quyền địa phương phải phủ nhận hai bên đã đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, những đề nghị mà các công ty Trung Quốc đưa ra hóa ra lại là tiền đề cho một cái gì đó lớn hơn. Như được tiết lộ thông qua một vụ rò rỉ tài liệu mới hồi tháng 3, Bắc Kinh và Honiara đã soạn thảo một thỏa thuận an ninh cho phép hải quân Trung Quốc cập bến các cảng của quốc đảo Solomon để thực hiện công tác hậu cần, tiếp tế và bố trí nhân sự luân phiên. Thỏa thuận vẫn chưa được ký kết. Nhưng dự thảo và những nỗ lực của Xu Changyu trước đó đã tiết lộ hai điều. Một là, nó khiến cho dư luận hầu như không nghi ngờ rằng Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiện diện hải quân ở Nam Thái Bình Dương khi nước này cố gắng thách thức sự thống trị của Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Hai là, nó thể hiện cách thức phức tạp mà các công ty Trung Quốc đôi khi hành động theo chỉ thị và tham vọng địa chính trị của chính phủ.

Tập đoàn China Sam Enterprise chỉ là một trong số ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc đang lùng sục khắp thế giới trong nỗ lực chiếm giữ các dải đất chiến lược. Trong hàng chục trường hợp được Financial Times phân tích, hầu hết các nhà đầu tư Trung Quốc ít tên tuổi đã đề xuất thuê dài hạn hoặc cố gắng mua những khu đất lớn, thường ở những vị trí nhạy cảm. Trong một số trường hợp, vùng đất nằm ở gần các đồng minh hoặc cơ sở quân sự của Mỹ, trên các hòn đảo dọc theo các tuyến giao thông trên biển quan trọng hoặc nhìn ra các eo biển và kênh quan trọng. Các động cơ thúc đẩy và mối quan hệ với chính phủ của các công ty này thường được diễn giải theo nhiều cách. Trong một số trường hợp, các công ty này có vẻ là những ví dụ xác thực về cách thức kinh doanh của khu vực tư nhân pha trộn với chủ nghĩa cơ hội, trong khi ở những trường hợp khác, họ có mối quan hệ rõ ràng với nhà nước.

Dù hiểu theo cách nào, ấn tượng mà nhiều chính phủ đã bắt đầu xây dựng là các công ty tư nhân này đang dọn đường cho các lợi ích nhà nước Trung Quốc theo sau. Có thể so sánh những công ty này với những trường hợp đôi khi được gọi là “thương mại đi theo cờ hiệu”, mối quan hệ chặt chẽ tồn tại giữa thương mại và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa, trong thời đại đế quốc Anh. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói: “Bạn có thể nói rằng những công ty Trung Quốc này giống như Công ty Đông Ấn của Anh. Họ là đội tiên phong giúp quốc gia của họ tiến vào các thị trường mới và thiết lập các phạm vi ảnh hưởng mới”. Xu Changyu đã từ chối nói với Financial Times về câu chuyện này. Tập đoàn China Sam Enterprise đã không trả lời các câu hỏi được gửi đến qua email. AVIC cũng không trả lời các câu hỏi qua email.

Khi cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng gia tăng cường độ, Mỹ và các đồng minh đang phải vật lộn để đối phó với sự cộng sinh độc đáo này giữa Bắc Kinh với nhóm doanh nghiệp của họ ở nước ngoài. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các cường quốc phương Tây vẫn duy trì sự thống trị của họ ở Thái Bình Dương bằng cách yêu cầu các quốc đảo trong khu vực không nhận viện trợ từ Liên Xô hoặc không cho phép Liên Xô đặt sứ quán. Tarcisius Kabutaulaka, phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Hawaii và là người gốc Solomon, cho biết: “Cách tiếp cận chống tiếp cận chiến lược từng có tác dụng với Liên Xô không hiệu quả với Trung Quốc vì các công ty của họ đã ở đó ngay cả trước khi yếu tố nhà nước xuất hiện”.

Một trong những đặc điểm nổi bật của các nỗ lực mua đất của Trung Quốc là một số công ty đã tiến hành các giao dịch mua bán ở các nước thậm chí không có đại sứ quán Trung Quốc vì những nước này duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và việc làm tiêu tan hy vọng giành được độc lập thực chất của vùng lãnh thổ này cũng như các mối liên kết quốc tế của Đài Loan là một trong những lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Thí dụ, quốc đảo Solomon chỉ mới cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vào năm 2019. Nhưng Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của họ sớm hơn nhiều và các công ty chủ chốt của Trung Quốc, bao gồm các nhà thầu thuộc sở hữu nhà nước, đã xuất hiện tại Solomon và vun đắp mối quan hệ nhiều năm trước khi quốc đảo này thay đổi lập trường. Tổng công ty Xây dựng công trình dân dụng Trung Quốc, một nhà thầu thuộc sở hữu nhà nước, đã thiết lập sự hiện diện tại địa phương vào năm 2015.

Bắc Kinh cũng áp dụng mô hình tương tự ở Trung Mỹ và Caribe, nơi có một số đối tác ngoại giao cuối cùng của Đài Bắc. Năm 2018, tại El Salvador, Tập đoàn Xuanhao châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc đã đề nghị thuê La Union, một cảng ban đầu được xây dựng bằng kinh phí Nhật Bản hỗ trợ, trong 50 năm và đã tăng thời hạn thuê của hợp đồng này. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đang đàm phán nhằm buộc El Salvador cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Sau đó, Tập đoàn Xuanhao châu Á-Thái Bình Dương mở rộng đề nghị ban đầu, đề xuất xây dựng một chuỗi đặc khu kinh tế, vốn đòi hỏi hợp đồng thuê gần 1/6 lãnh thổ và một nửa đường bờ biển của El Salvador trong 100 năm. Tuy nhiên, Tập đoàn Xuanhao châu Á-Thái Bình Dương từ chối đưa ra bình luận về điều này. Mặc dù tổng thống lúc bấy giờ của El Salvador là Salvador Sánchez Cerén đã thúc đẩy thông qua luật đặc biệt để giúp hiện thực hóa đề xuất này, nhưng các kế hoạch lớn đã sớm trở nên bế tắc. Khi Chính phủ Mỹ vận động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, Quốc hội El Salvador đã cấm bán đảo cho các nhà đầu tư nước ngoài, không để họ kiểm soát các khu vực quan trọng ngoài khơi bờ biển Vịnh Fonseca.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc khác đã tìm cách giúp thúc đẩy dự án khu kinh tế. Theo các tài liệu của chính phủ và các bản tin địa phương, Yang Bo, một thương nhân và nhà đầu tư gốc Hoa đã đến El Salvador sau cuộc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn, đã mua lại hơn một nửa diện tích đất trên đảo Isla Perico, ở gần cảng, vị trí này về mặt lý thuyết nằm trong phạm vi cấm.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của hai công ty Trung Quốc nhằm kiểm soát lâu dài những vùng đất rộng lớn đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi về nhiệm vụ thực sự của các công ty này. Evan Ellis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu chiến lược của Đại học Chiến tranh Mỹ đã theo dõi sự can dự của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, cho biết: “Chúng tôi đã thấy các nhân tố phi nhà nước của Trung Quốc đồng loạt ra tay giúp nhà nước Trung Quốc giành được ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ở Trung Mỹ”. Ông coi các phương pháp tiếp cận mà Tập đoàn Xuanhao châu Á-Thái Bình Dương và Yang Bo thực hiện là một phần trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển các tuyến thương mại khắp Trung Mỹ như những lựa chọn thay thế cho Kênh đào Panama.

Tuy nhiên, các nhà phân tích, các nhà hành pháp và nhà ngoại giao khác nói rằng việc coi các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản là bình phong cho các lợi ích địa chính trị hoặc quân sự của Bắc Kinh là suy nghĩ quá đơn giản và thường hoàn toàn sai lầm. Graeme Smith, một nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Australiai đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các công ty Trung Quốc đang hoạt động ở Thái Bình Dương, đặt câu hỏi: “Làm thế nào để phân biệt đâu là hành động có chủ đích và đâu là hành động ngẫu nhiên?”. Ông nói rằng nhiều công ty tư nhân của Trung Quốc tìm cách xâm nhập lĩnh vực kinh doanh sinh lợi của các dự án phát triển ở nước ngoài được tài trợ bằng tiền của Chính phủ Trung Quốc thông qua “thao tác ngược” theo như cách gọi của ông – đề xuất một thỏa thuận trên cơ sở có thể hấp dẫn nước sở tại và sau đó tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Ông nói: “Các công ty Trung Quốc tìm ra một chính trị gia địa phương hoặc một quan chức cấp cao để có thể chào mời một dự án. Họ tô vẽ cho dự án đó sao cho vì lợi ích của địa phương. Sau đó, họ quay trở lại Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước lớn, hoặc chính phủ, và đôi khi có thể thực hiện được dự án đó”.

Một đặc điểm nổi bật khác là những kế hoạch đầy tham vọng đáng kinh ngạc mà một số trong những công ty này đã đề xuất – mặc dù hầu hết các công ty này đều không có hồ sơ nào về việc phát triển các dự án tương tự. Một số dự án trong đó đã rất nhanh đã bị bỏ rơi.

Tháng 8/2019, Fong Zhi, một công ty liên doanh giữa một tập đoàn bất động sản Trung Quốc và các nhà đầu tư gốc Hoa ở Philippines, đã đề nghị mua lại quyền kiểm soát đảo Fuga ở eo biển Luzon và xây dựng một thành phố thông minh ở đó – một dự án liên quan đến công nghệ thông tin có thể được sử dụng cho các dịch vụ công cộng như giám sát hoặc kiểm soát giao thông. Nằm trong con kênh ngăn cách cực Nam của Đài Loan với lãnh thổ cực Bắc của Philippines, đảo Fuga có vị trí chiến lược quan trọng khi cả tàu Hải quân PLA cũng như tàu của Mỹ và đồng minh đều đi qua khi quá cảnh giữa biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và Thái Bình Dương. Trong bối cảnh các nhà lập pháp Philippines yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra, quân đội đã yêu cầu xem xét lại khoản đầu tư được đề xuất và sau đó đã công bố các kế hoạch xây dựng cơ sở hải quân của riêng mình trên đảo Fuga.

Hai công ty Trung Quốc khác đang lên kế hoạch phát triển các đặc khu kinh tế trên các đảo Chiquita và Grande ngoài khơi bờ biển phía Tây của Philippines trên biển Nam Trung Hoa, vùng biển mà cả Manila và Bắc Kinh đều có yêu sách. Những lo ngại về an ninh ở Philippines cũng khiến các kế hoạch đó bị ngừng lại. Cuối năm 2020, một công ty Trung Quốc đã đề xuất tạo một khu vực đánh bắt cá xung quanh Daru, một hòn đảo ở phần hẹp nhất của eo biển Torres, ngăn cách Papua New Guinea với miền Bắc Australia. Vài tháng sau, một nhóm riêng biệt có tên trong danh sách ở Hong Kong có quan hệ với Đại lục đã tỏ ý sẵn sàng giúp xây dựng một thành phố thông minh ở vùng nước tù đọng nghèo khó. Cả hai kế hoạch đều đã tan thành mây khói. Graeme Smith nói: “Họ chỉ nhử và hy vọng rằng ai đó sẽ mắc bẫy. Thực hiện một dự án xây dựng ở nước ngoài bằng tiền của Trung Quốc dễ hơn là việc không có tiền, và đó là lý do tại sao rất nhiều người trong số họ vẫn cố gắng tìm kiếm tiền từ Trung Quốc”.

Financial Times đã xem xét hơn 30 báo cáo về các đề xuất của Trung Quốc cho các dự án phát triển quy mô lớn trên khắp thế giới trong thập kỷ qua, và thực hiện một cuộc điều tra chi tiết hơn do các nhà phân tích tại Janes, công ty tình báo mã nguồn mở, thực hiện về 9 dự án được đề xuất hoặc thực hiện trong bốn năm qua. Các nhà thầu Trung Quốc được điều tra là các công ty tư nhân do một số ít cổ đông kiểm soát, thường là thành viên của một gia đình. Claire Chu, nhà phân tích cấp cao của Janes cho biết: “Một mô hình bạn có thể nhận ra rằng đây là những người có bản lĩnh kinh doanh mạnh mẽ”. Chẳng hạn, Tập đoàn China Sam Enterprise được kiểm soát bởi hai lãnh đạo – Xue Dongping và Guo Siying – thông qua một mạng lưới các công ty cổ phần trung gian. Nhà đầu tư Trung Quốc trong Fong Zhi, công ty đề xuất thỏa thuận Fuga, là Hongji Yongye, một tập đoàn có trụ sở tại Hạ Môn có hai nhà đầu tư tư nhân cũng sở hữu nhiều doanh nghiệp nhỏ khác tham gia các lĩnh vực như kinh doanh đồ điện tử và dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc. Một ví dụ điển hình khác là UDG, công ty Trung Quốc đang vận hành một khu phát triển kinh tế trị giá 3,8 tỷ USD ở Campuchia, nằm ở vị trí chiếm 1/5 đường bờ biển của nước này và bao gồm một sân bay với đường băng cấp quân sự. UDG thuộc sở hữu của Tập đoàn Tianjin Union, có công ty mẹ là nhà phát triển bất động sản Wanlong Group, ông chủ của công ty này là một gia đình gồm cha mẹ và bốn anh chị em cùng với hai cộng sự khác.

Tuy nhiên, tư nhân nắm quyền kiểm soát không có nghĩa là vắng bóng nhà nước. Một số công ty thuộc sở hữu tư nhân của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với lực lượng an ninh Trung Quốc hoặc với các bộ phận khác của bộ máy nhà nước. Theo các tài liệu nhạy cảm và tin tức của phương tiện truyền thông Trung Quốc, Tập đoàn Xuanhao châu Á-Thái Bình Dương là nhà cung cấp kính nhìn ban đêm, kính viễn vọng và thiết bị nghe cho Quân giải phóng nhân dân và Cảnh sát vũ trang nhân dân bán quân sự. Khi công ty thành lập chi bộ Đảng Cộng sản – điều bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp ở Trung Quốc – chi bộ này liên kết với Đại học Quốc phòng, một học viện của Quân giải phóng nhân dân. Ở Trung Quốc, một số công ty tư nhân thích thể hiện mối quan hệ với quân đội nhằm thể hiện lòng yêu nước của họ và theo đuổi hoạt động kinh doanh của nhà nước.

Tập đoàn China Sam Enterprise cũng vậy, họ có mối quan hệ sâu sắc với nhà nước và quân đội. Mặc dù thuộc sở hữu tư nhân, China Sam Enterprise tự mô tả mình là một công ty “cấp nhà nước” – một cái mác không mang ý nghĩa chính thức nhưng khiến người ta liên tưởng đến các doanh nghiệp nhà nước. Một trong những công ty con chính của tập đoàn này là China Jing’an, vốn thuộc Bộ Công an trước khi trở thành công ty con của China Sam Enterprise sau vụ chuyển nhượng tài sản năm 2017. Theo Công ty tình báo mã nguồn mở Janes, China Jing’an là một nhà thầu an ninh tư nhân và có giấy phép xuất nhập khẩu vũ khí, bao gồm súng, đạn, xe bọc thép, robot, máy bay không người lái và chất nổ.

Các nhà phân tích cho rằng trong quá trình Bắc Kinh thay đổi tổng thể hướng tới nhà nước kiểm soát nhiều hơn đối với xã hội và nền kinh tế Trung Quốc, chính phủ đang ra chỉ thị nghiêm ngặt hơn cho các công ty nhà nước hành động nhằm hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình.

Graeme Smith nói về một số doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả Tổng công ty xây dựng công trình dân dụng Trung Quốc, Tập đoàn xây dựng Thượng Hải và Tổng công ty xây dựng cảng Trung Quốc, vốn “bao thầu” một phần lớn các dự án xây dựng được cấp kinh phí lấy từ các khoản vay hỗ trợ phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài: “Trong 30 năm qua, họ từng sống trong một thế giới không có ý thức hệ – họ cho rằng chúng ta ở đây để kiếm tiền và lấy khoáng sản. Nhưng giờ phần lớn họ đều ủng hộ nhà nước Trung Quốc – điều đó đã thực sự thay đổi trong vài năm qua”.

Ngay cả những người gốc Hoa ở nước ngoài, vốn thậm chí không phải là công dân Trung Quốc cũng có thể bị Bắc Kinh lôi kéo vào ngoại giao kinh tế. Nhà phân tích Claire Chu nói: “Mô hình khác mà chúng tôi thấy là các thành viên của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài đang được khai thác và có thể đóng một vai trò quan trọng”, đề cập đến thương nhân Yang Bo. Ngoài việc mua đất phục vụ cho cụm đặc khu kinh tế được đề xuất, Yang Bo cũng đã thay mặt Đại sứ quán Trung Quốc tiếp các phái đoàn thương mại và đầu tư từ Trung Quốc. Đối với các chính phủ phương Tây, những người theo dõi cẩn thận mọi động thái của Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi họ đưa ra nhận định về các công ty Trung Quốc này qua lăng kính thuần túy địa chính trị.

Tuy nhiên, với sự kết hợp phức tạp của các tác nhân này, chính phủ ở nhiều quốc gia đang phát triển ngày càng khó xác định mục tiêu của các công ty Trung Quốc khi họ đưa ra các đề xuất. Phó giáo sư Kabutaulaka cảnh báo rằng các quan chức Solomon chưa được trang bị thông tin về trách nhiệm và sức mạnh tài chính của các thể chế công và tư nhân của Trung Quốc đủ để hiểu được họ đang giao dịch với ai. Các chính trị gia đối lập của Solomon thậm chí còn đi xa hơn. Matthew Wale, một nhà lập pháp và là lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, tuyên bố rằng một số thành viên quốc hội “đã bị các công ty Trung Quốc mua chuộc”. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng ban lãnh đạo nằm trong lòng bàn tay của nước khác”. Một số người dân Solomon thậm chí còn có phản ứng gay gắt hơn. Một thành viên của nhóm chống tham nhũng địa phương đã viết trên Facebook trước thông tin rò rỉ về việc China Sam Enterprise đã trở lại Solomon vào năm ngoái cùng với đề xuất thuê đất trong 75 năm: “Họ đang muốn biến Solômn thành thuộc địa? Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của chúng ta và con cái của chúng ta?”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới