Thursday, March 28, 2024
Trang chủQuân sựJ-20 của TQ và F-35 Mỹ - "Ai thắng ai?"

J-20 của TQ và F-35 Mỹ – “Ai thắng ai?”

Nhiều thông tin công khai cho thấy, J-20 Trung Quốc được cho là mẫu sao chép phần lớn từ các thiết kế dành cho tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Tiêm kích F-35 chắc chắn là máy bay chiến đấu tốt nhất của Quân đội Mỹ nhờ vào khả năng tàng hình của nó. Thế nhưng, một tình huống giả định đặt ra là khả năng “so găng” của F-35 sẽ như thế nào nếu phải đối đầu với J-20 Trung Quốc, cũng là loại được xếp vào loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5?

Tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Phòng không Thái Bình Dương của Không quân Mỹ gần đây cho biết một chiếc F-35 Lightning II do Lockheed Martin chế tạo đã ít nhất một lần “tương tác” với “Mãnh Long” Chengdu J-20 của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.

Mặc dù không nói chính xác cuộc chạm trán gần đây giữa các máy bay thế hệ thứ năm này diễn ra khi nào nhưng Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương đã đưa ra nhận xét khá thẳng thắn về khả năng của J-20.

“Vẫn còn khá sớm để nói về những gì Trung Quốc dự định làm với J-20, vì vậy thực sự tất cả những gì chúng tôi nhận thấy mới chỉ là khả năng chiếm ưu thế trên không”, Wilsbach giải thích, dựa trên tin tức được Eurasian Times đăng tải.

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng họ đang vận hành nó khá tốt. Gần đây, các máy bay F-35 của chúng tôi đã có một cuộc chạm trán, tôi không gọi đó là cuộc giao tranh, với J-20 ở Biển Hoa Đông và chúng tôi tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy và kiểm soát liên quan đến loại chiến đấu cơ này”.

“So găng” giữa F-35 và J-20

Tính theo tuần tự thời gian, F-35 và J-20 lần lượt là dòng máy bay thế hệ thứ 5, thứ hai và thứ ba đi vào hoạt động.

Lời ngợi khen của tướng Wilsbach đối với máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc là rất đáng chú ý nhưng cũng cần đặt nó trong bối cảnh nhấn định. Tướng Wilsbach không hề chê bai F-35 mà đơn giản chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với máy bay Trung Quốc, ở những khía cạnh mà có thể nó xứng đáng được nhận.

Có điều, nhiều thông tin công khai cho thấy, J-20 được cho là mẫu sao chép phần lớn từ các thiết kế của Mỹ!

Đúng là J-20 có nhiều khả năng tương tự như F-35, gồm cả khả năng tàng hình và siêu trọng. Ngoài ra, năm ngoái còn xuất hiện thông tin cho rằng “Mãnh Long” đang sao chép một trong những tính năng không tàng hình của Lightning II: khả năng mang vũ khí trên giá treo bên ngoài và có thể hoạt động ở “chế độ quái thú” (beast mode).

Trước đây, J-20 có khả năng mang theo tới 4 tên lửa PL-15 trong khoang vũ khí chính, cũng như hai tên lửa tầm ngắn PL-10 ở khoang vũ khí phụ. Giá treo tích hợp bên ngoài sẽ cho phép loại máy bay phản lực này mang thêm 4 tên lửa nữa.

J-20 cũng được cho là có bộ cảm biến tương tự như Hệ thống ngắm mục tiêu quan điện tử (EOTS) của F-35.

Thế nhưng, có một thực tế, Trung Quốc vẫn thường xuyên bị cáo buộc là nước đã đánh cắp công nghệ mà họ không có khả năng tự phát triển.

Điển hình như vào năm 2007, tin tặc Trung Quốc đã bị cáo buộc đánh cắp tài liệu kỹ thuật liên quan đến F-35 từ Lockheed Martin. Một vụ trộm tương tự lại xảy ra vào năm 2017 khi các tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc truy lùng các nhà thầu quốc phòng F-35 của Australia.

J-20: F-35 “sản xuất tại Trung Quốc”?

Nói như vậy, không có nghĩa J-20 là một bản sao toàn diện của F-35, ngay cả khi hai máy bay rất giống nhau về dáng vẻ bên ngoài.

Tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ là một máy bay chiến đấu tàng hình một động cơ, một chỗ ngồi, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng đạt tốc độ Mach 1,6 và có tầm hoạt động 770 dặm (1.239 km).

Trong khi đó, J-20 Trung Quốc có hai động cơ nhưng cũng có các chi tiết bắt chước F-22 Raptor do Lockheed Martin chế tạo. J-20 được cho là có tầm bay khoảng 1.200 dặm (2.000 km), trần bay là 20.000 m và tốc độ tối đa là Mach 2,55 hoặc lớn hơn.

Những thông số trên có vẻ như sẽ mang lại cho máy bay chiến đấu Trung Quốc một số lợi thế. Thế nhưng, sự khác biệt thực sự lại nằm ở một loạt ẩn số chưa biết tới, trong đó khả năng chiếm ưu thế trên không được quyết định bởi các nhiệm vụ, hệ thống vũ khí, ngắm bắn mục tiêu, tính toán và thậm chí cả các cảm biến mà chúng trang bị.

Chính đây mới là những điểm mà máy bay Mỹ có lợi thế hơn. Thậm chí, một số chuyên gia còn khẳng định F-35 có thể ngắm bắn J-20 trước khi bị phía Trung Quốc phát hiện.

Vấn đề tiếp nữa là J-20 hoạt động dựa vào loại động cơ có thể rất tiên tiến đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nhưng không cho phép nó trở thành tiêm kích hùng mạnh ở thế hệ 5 đúng nghĩa. Ngay cả khi Bắc Kinh đã nỗ lực tìm kiếm một động cơ cải tiến, chiếc máy bay này vẫn chưa thể hoạt động hết tiềm năng kỳ vọng.

Do đó, đánh giá một cách tổng quan nhất, F-35 của Mỹ vẫn duy trì lợi thế hơn so với đối thủ J-20 Trung Quốc. Ở một góc độ nào đó, sao chép có thể diễn ra dễ dàng nhưng đổi mới và cải tiến mới là thách thức to lớn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới