Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoa Kỳ và TQ sẽ thay đổi như thế nào khi tân...

Hoa Kỳ và TQ sẽ thay đổi như thế nào khi tân Tổng thống Philippines lên ngôi?

Tân tổng thống Philippines, người vốn có quá khứ không tốt với Hoa Kỳ, quốc gia đồng minh lâu năm. Liệu khi ông nhậm chức mối quan hệ giữa Philippines, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào?

Ngày 12/5, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN được tổ chức tại Washington, các nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên tập trung tại Toà Bạch Ốc. Trong khi đó, ông Ferdinand Marcos Jr, con trai của cựu Tổng thống Marcos, người đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống, sẽ nhậm chức vào cuối tháng 6 với nhiệm kỳ 6 năm nếu kết quả bầu cử hợp lệ.

Việc bầu chọn ông Marcos Jr đã châm ngòi cho cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vì Philippines. Philippines là một quốc đảo hướng ra biển, nằm ở cực nam của chuỗi đảo thứ nhất, phía bắc giáp Đài Loan, phía tây giáp Biển Đông, và là tuyến giao thông thương mại sầm uất nhất thế giới. Biển Philippines ở phía đông nằm giữa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, là con đường duy nhất để tàu Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương, vị trí chiến lược của nó là vô cùng quan trọng.

Sau khi ông Marcos Jr thắng cử, các nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc đều gửi lời chúc mừng đến ông và bày tỏ tầm nhìn của họ về việc tăng cường quan hệ song phương.

Đông Nam Á là chiến trường chính của cuộc giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong vài thập niên qua, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương đã duy trì sự ổn định và phát triển hòa bình của khu vực Đông Nam Á. Khi ĐCSTQ thâm nhập ra nước ngoài, các xúc tiến kinh tế của nó dần dần mở rộng sang các nước Đông Nam Á. Hoa Kỳ đưa ra “Khuôn khổ Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương”(APEF), nhưng “Khuôn khổ Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” không phải là một hiệp định thương mại và chỉ có thể cung cấp một kênh để đối thoại.

Để bù đắp thiếu sót này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào cuối tuần này. Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ ngày 9/5 cho biết chiến lược kinh tế mới của Hoa Kỳ cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ chính thức được đưa ra cùng lúc trong chuyến thăm của ông Biden.

Tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều đang phải đối mặt với sự thâm nhập kinh tế của ĐCSTQ. Đồng thời, tất cả các nước đều dựa vào Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh, và Philippines cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, do Philippines và Hoa Kỳ là đồng minh lâu năm có cùng ngôn ngữ và tôn giáo, người dân Philippines có quan hệ trao đổi thường xuyên với Hoa Kỳ, quân đội là đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ và Philippines càng tin tưởng Hoa Kỳ. Do đó, mặc dù Philippines phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, nhưng họ không muốn tham gia vào một cuộc xung đột trực diện với ĐCSTQ về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, người dân Philippines cực kỳ nhạy cảm về mặt chính trị với việc Trung Quốc là đối tác kinh tế, nên nhiều dự án Vành đai và Con đường quy mô lớn đã bị hủy bỏ.

Lấy Tổng thống Rodrigo Duterte làm ví dụ, mặc dù giai đoạn đầu chỉ trích Hoa Kỳ, huỷ bỏ “Hiệp Ước về các Lực lượng thăm viếng”, đưa ra những phát biểu ủng hộ Bắc Kinh, và thúc đẩy mạnh mẽ “Vành đai và Con đường”, nhưng sau đó lại khôi phục hoàn toàn “Hiệp Ước về các Lực lượng thăm viếng”, trong khi, nhiều dự án của “Vành đai và Con đường” đã không thể thực hiện do áp lực trong nước.

Lập trường của tân tổng thống Philippines đối với Bắc Kinh sẽ như thế nào?

Điều khiến ngoại giới quan tâm là ông Marcos Jr có thể có xu hướng ủng hộ Bắc Kinh vì lý lịch cá nhân của mình. Năm 18 tuổi, ông Marcos Jr từng đi cùng mẹ là bà Imelda trong chuyến thăm Bắc Kinh, và các tài liệu giải mật cho thấy ông Marcos Jr “nhiều lần đến Trung Quốc vào năm 2005 và 2006 để kinh doanh”. Năm 1986, Hoa Kỳ ủng hộ việc lật đổ chế độ cai trị độc tài của cha ông Marcos Jr. Năm 2011, Tòa án quận Hoa Kỳ ở Hawaii đã tuyên ông Marcos Jr và mẹ ông phạm tội khinh thường tòa án và phạt họ 353 triệu USD. Vì lý do này, ông Marcos Jr đã không đến Mỹ trong suốt 15 năm.

Tuy nhiên, ông Victor Manhit, người đứng đầu công ty tư vấn BowerGroupAsia, cho rằng ông Marcos Jr rất khác với ông Duterte. “Ông Duterte là thị trưởng của một thành phố nhỏ, một thị trưởng đã trở thành tổng thống. Còn ông Marcos Jr lớn lên trong điều kiện có tính quốc tế hơn và hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra trên khắp thế giới”.

Ông Manhit nói với kênh truyền hình CNBC của Hoa Kỳ rằng: “Khi bắt đầu chiến dịch, ông Marcos Jr ban đầu có lập trường xoa dịu đối với Bắc Kinh. Nhưng khi bước vào giai đoạn tranh cử, ông ấy có thể lắng nghe tiếng nói của người dân, những người lo lắng về hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Philippines”.

Ông Manhit tin rằng nhận thức của ông Marcos Jr về vị trí của Philippines trên thế giới có thể thúc đẩy chính sách đi theo hướng hoàn toàn ngược lại với ông Duterte.

Ông Gregory Poling, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã viết, “Philippines đã cố gắng mở rộng vòng tay thân thiện nhưng Trung Quốc đã cắn ngược lại. Đây là lý do tại sao, trong hai năm qua, chính quyền Duterte đã trở lại với Mỹ, đồng minh của họ, và cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Người dân Philippines và các cơ quan chính phủ đã không còn tin tưởng vào Trung Quốc, ngay cả sau chiến thắng trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền Biển Đông sáu năm trước”.

Ông Poling nói: “Ông Marcos Jr có thể cố gắng khôi phục mối quan hệ ban đầu của ông Duterte với Bắc Kinh, nhưng ông ấy không có khả năng từ bỏ Hoa Kỳ với tư cách là một đồng minh”.

Ông Frank Thiel, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Philippines, cho rằng về thương mại, nhiệm kỳ tổng thống của ông Marcos Jr có thể đồng nghĩa với việc một thỏa thuận thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ trở lại trong chương trình nghị sự.

Philippines giao thiệp với Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng giữ cảnh giác

Philippines giao thiệp với Trung Quốc chủ yếu vì mục đích kinh tế. Theo số liệu thống kê từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Philippines năm 2021 đã đạt 38,34 tỷ USD và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines.

Sau khi chính phủ của ông Duterte lên nắm quyền, nhằm tạo cơ hội việc làm và xóa đói giảm nghèo, đã đề ra kế hoạch “Build BuildBuild” nhằm thúc đẩy dự án “Vành đai và Con đường”. Nhưng người dân Philippines rất nhạy cảm với việc Trung Quốc là một đối tác kinh tế, và nhiều dự án Vành đai và Con đường quy mô lớn đã bị hủy bỏ.

Giống như ông Duterte, ông Marcos Jr phải đối mặt với cảnh báo từ các nhà kinh tế trong việc tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc: Trung Quốc sẽ áp đặt các điều kiện khắc nghiệt về lãi suất cho vay, lao động, công nghệ và nguyên liệu thô. Hơn nữa, các dự án của Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia phải đối mặt với nguy cơ bị đình trệ hoặc các giao dịch không thực hiện được do áp lực chính trị trong và ngoài nước.

Ví dụ, năm 2018, nhà máy đóng tàu lớn nhất ở Philippines ‘Hanjin Subic Shipyard’, đã nộp đơn phá sản do nợ khoản vay khoảng 400 triệu USD. Các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc mua nhà máy đóng tàu này, nhưng bị dư luận lo ngại và phản đối vì Vịnh Subic, nơi đặt nhà máy đóng tàu, là một trung tâm địa chính trị quan trọng.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc đã buộc tập đoàn viễn thông khổng lồ Globe Telecom của Philippines tránh sử dụng thiết bị của Huawei để giảm rủi ro chuỗi cung ứng.

Trong chuyến thăm Philippines năm 2018 của ông Tập Cận Bình, ông đã ký một thỏa thuận cho dự án có tên là ‘Safe Philippines’ để lắp đặt 12.000 bộ camera giám sát CCTV ở Philippines, nhưng dự án này có thể cho phép Trung Quốc do thám Philippines nên đã bị chặn tại Quốc hội.

Một ví dụ khác là Sân bay Quốc tế Sangley Point, dự án cơ sở hạ tầng thuộc ‘​​Vành đai và Con đường’ ở Philippines. Do công ty tham gia xây dựng là Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, bị Hoa Kỳ trừng phạt và là công ty xây dựng các đảo ở Biển Đông nên chính quyền địa phương đã tuyên bố hủy hợp đồng dự án vào đầu năm 2021.

Mặt khác, nhiều dự án ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc có những bất thường, bao gồm bẫy nợ kinh tế, nợ không bền vững, không sử dụng lao động địa phương, và Trung Quốc chỉ chú ý đến việc tiếp xúc với các quan chức cấp cao trong chính phủ, bỏ qua các phản ứng của dân chúng và thiếu sự tham vấn với các bên liên quan bị ảnh hưởng.

Ví dụ, việc Trung Quốc xây dựng đập Kaliwa ở Philippines sẽ “thay đổi vĩnh viễn và không thể đảo ngược môi trường sinh thái của khu vực” sau khi con đập hoàn thành, dự án này cũng đã bị chặn do không đạt được thỏa thuận với sáu làng thổ dân có liên quan.

Khi cạnh tranh địa chính trị bùng phát, đặc biệt là cơ quan lập pháp Philippines, càng chỉ trích Trung Quốc. Ví dụ, trong một đề xuất sửa đổi Đạo luật Dịch vụ Công, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ bị cấm sở hữu vốn trong các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Philippines.

Người dân Philippines và quân đội tin tưởng Mỹ nhiều hơn

Không giống như Lào và Campuchia, những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ĐCSTQ, và cũng khác với các quốc gia Đông Nam Á khác, Philippines từ lâu đã chịu ảnh hưởng của phương Tây, với Tây Ban Nha và Hoa Kỳ lần lượt lưu lại tín ngưỡng theo Thiên chúa giáo và tiếng Anh. Khoảng 90 % cư dân của Philippines là người theo Thiên chúa giáo, đây cũng là quốc gia có số lượng người nói tiếng Anh lớn nhất Châu Á.

Hoa Kỳ và Philippines chia sẻ mối quan hệ lịch sử và văn hóa bền chặt, các giá trị chung, người dân thường xuyên qua lại và có các chương trình trao đổi nhân viên giữa Hoa Kỳ và Philippines, bao gồm Chương trình Fulbright lâu đời nhất thế giới, chương trình ‘the International Visitor Leadership Program’ (IVLP) và chương trình Trao đổi và Học tập dành cho Thanh niên Kennedy Lugar (Kenney-Lugar Youth Exchange and Study program).

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có hơn 4 triệu người Mỹ gốc Philippines đang sống ở Hoa Kỳ và gần 300.000 công dân Mỹ sống ở Philippines, bao gồm một số lượng lớn các cựu chiến binh Mỹ. Trước khi bùng phát COVID-19, hơn 1 triệu công dân Hoa Kỳ đã đến thăm Philippines mỗi năm. Hoa Kỳ và Philippines có mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ, với thương mại hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 18,9 tỷ USD trong năm 2020. Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Vào năm 2020, Đài khí tượng xã hội (SWS), một cơ quan thăm dò của Philippines, đã công bố một cuộc khảo sát cho thấy rằng bất chấp lời lẽ ủng hộ Bắc Kinh của Tổng thống Duterte, chỉ số tín nhiệm của người dân Philippines đối với Trung Quốc đã giảm từ ‘yếu kém’ xuống ‘tồi tệ’ với chỉ số tín nhiệm là âm 36, giảm 9 điểm so với chỉ số tín nhiệm là âm 27 vào tháng 12 năm 2019.

Kể từ tháng 8 năm 1994, chỉ số tín nhiệm đối với Trung Quốc chỉ dương 9 lần trong số 53 cuộc khảo sát. Vào tháng 9 năm 2015, chỉ số tín nhiệm được ghi nhận mức tồi tệ nhất là âm 46.

Trái ngược với Trung Quốc, Mỹ đã liên tục thể hiện mức độ tín nhiệm tích cực trong 68 cuộc khảo sát kể từ cuộc khảo sát đầu tiên vào tháng 12 năm 1994: chỉ số tín nhiệm thấp nhất là “vừa phải” +18 vào tháng 5 năm 2005, và cao nhất là “xuất sắc” +82 vào tháng 12 năm 2013. Hoa Kỳ đã giảm từ “rất tốt” +67 vào tháng 12 năm 2019 xuống “tốt” +42 vào tháng 7 năm 2020.

Đặc biệt, Mỹ và Philippines là đồng minh chiến lược an ninh và quân sự lâu năm, đã ký Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau vào năm 1951 và Hiệp Ước về các Lực lượng thăm viếng là một thỏa thuận hợp tác quân sự quan trọng khác giữa Hoa Kỳ và Philippines. Với tư cách là đồng minh của Hoa Kỳ, chính phủ Philippines nhận viện trợ quân sự ít nhất 100 triệu USD mỗi năm. Hoa Kỳ đã cung cấp viện trợ quân sự ít nhất 500 triệu USD cho Philippines từ năm 2016 đến năm 2019.

“Tầm nhìn chung cho quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Philippines trong thế kỷ 21” do Hoa Kỳ và Philippines ban hành vào tháng 11 năm 2021 tái khẳng định: “Chúng tôi vẫn có ý định tăng cường khả năng phòng thủ của các lực lượng vũ trang của Philippines, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở các khu vực biển của Philippines hiện nay, … và bảo đảm với nhau rằng liên minh mạnh mẽ và sẽ duy trì như vậy trong nhiều thập niên tới”.

Trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin vào tháng 7 năm ngoái, ông Duterte đã vĩnh viễn từ chối quyết định chấm dứt Hiệp Ước về các Lực lượng thăm viếng giữa Mỹ-Philippines và khôi phục nó.

Vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, hơn 5.000 binh sĩ Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận đổ bộ chung Balikatan, lớn nhất trong vòng 7 năm. Lần đầu tiên trong năm nay, hệ thống tên lửa Patriot đã được đưa vào cuộc tập trận và được khai triển tại tỉnh Cagayan, chỉ cách Đài Loan hơn 300 km. Việc khai triển đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan.

Ông Renato Cruz De Castro của trường đại học De ​​la Salle ở Manila nói với Reuters, “ông Duterte nhận ra rằng dù bạn xoa dịu hay thách thức Trung Quốc, điều đó không quan trọng. Họ (ĐCSTQ) vẫn sẽ cố gắng lấy lãnh hải của bạn”.

“Ông Marcos Jr có thể có một số vấn đề với Hoa Kỳ, nhưng ông ấy sẽ bị hạn chế bởi các cơ quan chính phủ và quân đội, những người thực sự coi trọng liên minh Hoa Kỳ-Philippines”, ông Renato Cruz De Castro nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới