Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ và cuộc chiến Nga – Ukraine

TQ và cuộc chiến Nga – Ukraine

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát. Tuyên bố của Putin làm cho hầu hết các nhà quan sát sửng sốt, không hiểu điều gì đã xảy ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2/2022.

Tuy nhiên, ngay từ khi cuộc chiến bùng phát, người ta đã liên tưởng tới mối liên hệ giữa Nga và Trung Quốc liên quan đến cuộc chiến này bởi chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin chỉ trước đó có 20 ngày (4/2), hơn nữa chỉ sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh kết thúc có 4 ngày (20/2). Chuyến thăm này của ông Putin trên danh nghĩa là dự khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh nhưng thực chất đã trở thành một cột mốc mới trong quan hệ Trung – Nga. Mặc dù chỉ lưu lại Bắc Kinh có một ngày nhưng Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm dài với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra tuyên bố chung về “Quan hệ quốc tế thời đại mới và Phát triển bền vững toàn cầu”, ký 15 văn bản hợp tác, trong đó có nhiều văn bản mang tính chất định hình cho quan hệ chiến lược Trung – Nga trong tương lai: Hiệp định hợp tác trên lĩnh vực chấp pháp chống lũng đoạn và chính sách cạnh tranh; Kế hoạch làm việc Bộ Ngoại giao hai nước Trung – Nga năm 2022; Hợp đồng mua khí đốt Viễn Đông; Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực tin học hóa và số hóa… Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 100 triệu tấn dầu thô của Công ty Rosneft Nga, kim ngạch Trung Quốc mua dầu khí của Nga trong các hợp đồng này lên đến gần 120 tỉ USD. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác năng lượng mới, giúp đỡ lẫn nhau bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống quản trị năng lượng toàn cầu; Hai bên cũng ký Hiệp định hợp tác bổ sung cho nhau giữa Glonass của Nga về hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc, trong đó có nhiều ứng dụng cho lĩnh vực quân sự. Hai bên cũng đề ra mục tiêu mới đưa kim ngạch mậu dịch hai bên lên 250 tỉ USD (trước đó, mục tiêu hai bên đến năm 2024 đạt 200 tỉ USD). Trong Tuyên bố chung, Nga bày tỏ “ủng hộ nguyên tắc một Trung Quốc, khẳng định Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, phản đối Đài Loan độc lập dưới bất cứ hình thức nào”. Trung Quốc bày tỏ ủng hộ đề xuất của Nga về một hiệp định an ninh có hiệu lực pháp lý tại châu Âu. Hai bên phản đối mở rộng NATO, ủng hộ các đòi hỏi an ninh của nhau; hai bên cho rằng chiến lược FIOP (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở) có ảnh hưởng xấu tới hòa bình, ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai bên tỏ quan ngại đến sự hình thành liên minh quân sự AUKUS năm 2021, cho rằng liên minh này ảnh hưởng đến sự “ổn định chiến lược” khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Nga phát huy đầy đủ các ưu thế chính trị của quan hệ hai nước, thúc đẩy sự hợp tác toàn phương vị, thiết thực giữa hai bên đạt những thành quả to lớn hơn. Putin thì cho rằng quan hệ Nga – Trung “đã đi vào kỉ nguyên mới”. Tuyên bố chung hai bên khẳng định, quan hệ Trung – Nga là mối quan hệ “không có vùng cấm”, hai bên sẽ kề vai sát cánh bên nhau bảo vệ chính nghĩa quốc tế.

Những nội dung trên đã phản ánh mức độ sâu sắc, ý nghĩa chiến lược lâu dài và tầm cao mới của quan hệ Trung – Nga, khiến người ta có cảm giác là Trung – Nga đang đứng trước một sự kiện lớn nào đó sắp xảy ra; có lý do để dư luận nghi ngờ phía Nga đã “bàn trước” kế hoạch hành động với Bắc Kinh.

Ngay khi cuộc chiến nổ ra, ông Tập Cận Bình đã điện đàm với gần 10 vị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, trong đó có Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, những người đứng đầu EU… Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã liên hệ với trên 15 Ngoại trưởng, đại diện cao cấp về Ngoại giao và An ninh của EU, trong đó có hầu hết những người đứng đầu ngành ngoại giao của các nước lớn và các nước liên quan…

I. Lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến Nga-Ukraine:

1. Lập trường chính thức:

(i) Ngày 25/2, ngày thứ hai sau cuộc chiến bùng phát, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra lập trường cơ bản 5 điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine:

– Trung Quốc kiên định chủ trương tôn trọng và bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tuân thủ tôn chỉ, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

– Trên cơ sở quan điểm an ninh “an ninh cộng đồng, tổng hợp, hợp tác, bền vững” (do Trung Quốc đề xướng); cho rằng an ninh của một quốc gia không thể với cái giá làm tổn hại an ninh của quốc gia khác; an ninh khu vực càng không thể được bảo đảm bởi sự tăng cường, thậm chí bành trướng tập đoàn quân sự; sự quan ngại an ninh hợp lý của các nước nên được tôn trọng.

– Cuộc chiến Nga – Ukraine là điều mà Trung Quốc không muốn nhìn thấy. Điều cấp bách hiện nay là các bên phải giữ vững sự kiềm chế cần thiết, tránh làm cho tình hình Ukraine tiếp tục xấu đi thậm chí mất kiểm soát. An toàn sinh mệnh và tài sản của người dân cần được bảo đảm một cách hiệu quả, nhất là cần đề phòng xuất hiện nguy cơ nhân đạo quy mô lớn.

– Trung Quốc ủng hộ và cổ vũ mọi nỗ lực ngoại giao có lợi cho giải quyết hòa bình nguy cơ Ukraine. Trung Quốc hoan nghênh Nga và Ukraine tiến hành các cuộc đối thoại đàm phán trực tiếp sớm nhất có thể. Diễn biến của vấn đề Ukraine có một quá trình lịch sử phức tạp. Ukraine nên trở thành chiếc cầu kết nối Đông – Tây chứ không nên trở thành tuyến đầu đối kháng nước lớn. Trung Quốc cũng ủng hộ Châu Âu và Nga tiến hành đối thoại bình đẳng về vấn đề an ninh châu Âu để cuối cùng hình thành một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hữu hiệu, bền vững.

– Trung Quốc cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phát huy vai trò mang tính xây dựng trong giải quyết vấn đề Ukraine; Hành động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên giúp hạ nhiệt cục diện căng thẳng chứ không phải là đổ thêm dầu vào lửa, nên có lợi cho việc thúc đẩy giải quyết qua con đường ngọai giao chứ không phải làm cho tình hình leo thang. Bởi vậy Trung Quốc xưa nay vẫn không tán thành Hội đồng Bảo an vận dụng chương 7 về cho phép sử dụng vũ lực và trừng phạt.

Đây là một trong những phản ứng cấp quốc gia đầu tiên với khẩu khí hoàn toàn khác với khẩu khí của các tuyên bố của các nước chủ yếu khác khi cuộc chiến bùng phát. Trung Quốc gọi đây là “hành động quân sự” chứ không gọi là cuộc “xâm lược” hoặc “cuộc xâm nhập” của Nga.

Trong cuộc bỏ phiếu tại “Cuộc họp khẩn cấp đặc biệt” của Đại Hội đồng LHQ về vấn đề Ukraine, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng; Trưởng đoàn Trung Quốc tại LHQ Trương Quân nhấn mạnh, “hành động của LHQ phải có lợi cho việc hạ nhiệt vấn đề Ukraine, có lợi cho giải quyết bằng con đường ngoại giao, tránh làm gia tăng mâu thuẫn”.

(ii) Tại cuộc họp báo nhân kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 ngày 7/3, ông Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc căn cứ vào đúng sai cong thẳng của bản thân sự việc để phán đoán một cách độc lập tự chủ và đưa ra chủ trương của mình. Vương Nghị nêu quan điểm “4 cần thiết” trong vấn đề Ukraine, cơ bản lặp lại 5 nội dung trên.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn nhấn mạnh, vấn đề Ukraine có quá trình lịch sử phức tạp và đặc thù. Chỉ có đối mặt với sự thực, bình tĩnh, lý trí, chiếu cố thỏa đáng đến mối quan ngại an ninh hợp lý của các bên đương sự, mới có thể bảo vệ được quyền lợi bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, mới có thể đạt được các tiến triển mang tính đột phá trong các cuộc đối thọai đàm phán song phương; mới có thể thực hiện sự yên ổn lâu dài của khu vực trên cơ sở hóa giải nguy cơ trước mắt, mới thật sự kiến tạo được một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hữu hiệu, bền vững. Bản chất của tuyên bố này là sự ủng hộ rõ ràng của Trung Quốc đối với Nga. Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các bên liên quan đàm phán, kêu gọi xã hội quốc tế cần có sự kiên nhẫn chiến lược đối với đối thoại Nga – Ukraine và tiếp tục cung cấp sự phối hợp, giúp đỡ cần thiết cho đến khi đạt được kết quả, đạt tới hòa bình… Trung Quốc nhấn mạnh lại lập trường phản đối trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga. Đồng thời Vương Nghị đã đưa ra “Kiến nghị 6 điểm” về đề phòng nguy cơ nhân đạo quy mô lớn tại Ukraine: Các hành động nhân đạo phải tuân thủ nguyên tắc trung lập, công minh chính đại, đề phòng chính trị hóa vấn đề nhân đạo; Thiết thực bảo vệ người dân thường, giúp bố trí thỏa đáng những người bị lưu lạc, ly tán, đề phòng tai họa nhân đạo tiếp tục phát sinh tại Ukraine; Bảo đảm các hoạt động viện trợ nhân đạo được thực hiện thuận lợi, an toàn; Bảo đảm người nước ngoài tại Ukraine được an toàn, cho phép họ rời khỏi Ukraine an toàn, giúp họ trở về nước; Ủng hộ LHQ phát huy vai trò điều phối trong viện trợ nhân đạo cho Ukraine, ủng hộ hoạt động của các nhân viên điều phối của LHQ tại Ukraine.

(iii) Ngày 18/3/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden đã điện đàm về quan hệ hai nước và vấn đề Ukraine. Về vấn đề Ukraine, ông Tập nhắc lại, nguy cơ Ukraine là điều mà Trung Quốc không muốn nhìn thấy, quan hệ giữa các quốc gia với nhau không nên đi đến mức đối xử với nhau bằng binh đao, xung đột đối kháng không phù hợp với lợi ích của bất cứ quốc gia nào, hòa bình và an ninh mới là tài sản quý báu của xã hội quốc tế. Ông Tập nhắc lại các nội dung mà Vương Nghị đã nêu trong lập trường 5 điểm ngày 25/2 và kêu gọi xã hội quốc tế tập trung vào hai việc là hòa giải, thúc đẩy đàm phán và đề phòng nguy cơ nhân đạo quy mô lớn tại Ukraine, khẳng định Trung Quốc cũng đã có những cố gắng to lớn trên hai việc này.

Về biện pháp giải quyết vấn đề Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng then chốt là các bên đương sự phải có ý nguyện chính trị, nhìn trước mắt cũng nhìn về tương lai, để tìm ra biện pháp giải quyết thỏa đáng, các bên khác cũng nên tạo điều kiện cho việc này. Ông Tập nói, Trung Quốc luôn hết sức vì hòa bình, sẽ tiếp tục phát huy vai trò mang tính xây dựng của mình.

2. Nhìn chung, lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine đã toát lên một số điểm đáng chú ý:

(i) Trung Quốc muốn đóng vai trò “đứng ngoài”, “đứng trên” để giải quyết vấn đề, tập trung thể hiện “vai trò nước lớn có trách nhiệm”, “người bảo vệ hòa bình”, bảo vệ công lý và luôn đứng về phía chính nghĩa quốc tế của Trung Quốc, nhằm xóa đi mặc cảm của dư luận quốc tế về sự “đồng lõa” giữa Trung Quốc và Nga.

(ii) Tuy né tránh dư luận cho rằng Trung Quốc “vào hùa” với Nga, một đối tượng đang bị dư luận quốc tế lên án nhưng thật sự là Trung Quốc muốn hỗ trợ Nga, tiếp tục bảo vệ quan hệ “không có vùng cấm” Trung – Nga đồng thời không chống Ukraine. Trung Quốc thật sự không muốn cuộc chiến này nổ ra.

(iii) Tập trung chỉ trích Mỹ, thậm chí hàm ý chỉ ra rằng hành động quân sự của Nga là kết quả của sự dồn ép của Mỹ và phương Tây, đẩy Nga vào bước đường cùng; phản đối “trừng phạt đơn phương phi pháp”, cho rằng “trừng phạt” chỉ làm căng thẳng thêm tình hình, không khác gì “lửa đổ thêm dầu”.

(iv) Tỏ thiện chí với cộng đồng quốc tế: Trung Quốc sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải Nga – Ukraine, chấm dứt chiến tranh đem lại hòa bình cho châu Âu, ủng hộ bất cứ nỗ lực nào của quốc tế nhằm tới mục đích này.

II. Tác động ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine đối với Trung Quốc.

1. Ảnh hưởng trên lĩnh vực địa chính trị:

– Nhìn bề ngoài, cuộc chiến này dường như chỉ là sự xung đột của châu Âu, sự vật lộn giữa Mỹ và Nga, là sự cọ xát giữa châu Âu và Nga nhưng về bản chất, nhìn từ góc độ lâu dài , nó sẽ đem đến những nguy cơ chiến lược tiềm ẩn lớn cho Trung Quốc: (i) Cuộc chiến leo thang, đối lập EU – Nga càng sâu sắc, ít nhất là trong ngắn hạn, EU sẽ vứt bỏ những ảo tưởng đối với Nga, tăng cường đồng minh chiến lược toàn cầu với Mỹ, sẽ trở lại quỹ đạo “khung chiến lược toàn cầu” của Mỹ. Dẫn đến việc khi xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc (mà EU cho rằng cùng phe với Nga), EU sẽ giảm gam “tự chủ chiến lược”, chuyển sang tăng cường hoặc hoàn toàn phối hợp chiến lược với Mỹ. Điều này sẽ hạn chế sự hợp tác kỹ thuật, quan hệ kinh tế mậu dịch giữa EU và Trung Quốc trong tương lai, co hẹp không gian thị trường và không gian cân bằng chiến lược của Trung Quốc. Mặt khác, phản ứng trước cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ làm nẩy sinh những hiệu ứng địa chiến lược bất lợi cho Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Trung Ấn… Các khuôn khổ cơ chế FIOP (QUAD, AUKUS) sẽ được củng cố và tăng cường theo hướng gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, làm cho Trung Quốc khó khăn hơn trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan. (ii) Cuộc chiến này là một phép thử đối với quan hệ Trung – Nga: Mỹ và phương Tây chắc chắn sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu họ phát hiện Trung Quốc thật sự giúp đỡ Nga; Nga ngày càng khó đối phó với các đòn trừng phạt chưa từng có của Mỹ và phương Tây, đòi hỏi sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga sẽ ngày càng lớn, khả năng đáp ứng của Trung Quốc sẽ thành vấn đề, nhất là trước sự giám sát gắt gao và sẵn sàng hành động ngăn chặn của Mỹ và phương Tây. Mặc dù Trung Quốc không muốn Nga sụp đổ, muốn hỗ trợ Nga đứng vững nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không sẵn sàng trả mọi giá cho Nga khi lợi ích của họ bị động chạm. Mỹ và phương Tây biết rõ điều này và nhân dịp này, họ sẽ đẩy mạnh ý đồ làm tan rã liên kết Trung Nga. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Nga, quan hệ mà hai bên vừa có định vị mới là “không có vùng cấm”. (iii) Xuất khẩu dầu khí của Nga bị cản trở tại châu Âu, sẽ chuyển ồ ạt sang thị trường Trung Quốc, trong ngắn hạn Trung Quốc có thể có lợi trong việc tăng cường dự trữ mặt hàng chiến lược này nhưng về lâu dài, sẽ giảm tính tự chủ trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc; cũng sẽ làm giảm quan hệ mậu dịch song phương giữa Trung Quốc với các quốc gia xuất khẩu năng lượng khác, gián tiếp làm mất thăng bằng trong bố trí mậu dịch quốc tế của Trung Quốc, ảnh hưởng đáng kể đến “chiến lược mở cửa trình độ cao mới” của Trung Quốc. (iv) Trung Quốc rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong việc ứng phó và xử lý nguy cơ Nga Ukraine… Nếu Trung Quốc không lên án Nga, sẽ là sự khiếm khuyết về mặt đạo nghĩa với Ukraine (vì sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine là một trong những nước giúp Trung Quốc nhiều nhất) nếu lên án Nga thì ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược, đắc tội với Nga. (v) Chiến tranh Nga – Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách ngoại giao chu biên (xung quanh) của Trung Quốc. Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Trung Quốc nhanh chóng thâm nhập sâu vào Tây Á và Trung Á và phối hợp với Nga để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này. Nhưng với tác động của chiến tranh Nga – Ukraine, Mỹ, NATO sẽ tăng cường tìm cách mở rộng về hướng Đông, thiết lập vùng đệm an ninh với Nga và Trung Quốc. Triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) về hướng Nga và EU sẽ bị cản trở vì chiến tranh, Trung Quốc sẽ gia tăng triển khai về Đông Á, đặc biệt là khu vực ASEAN, cạnh tranh Trung – Mỹ tại Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng sẽ càng gay gắt.

Tuy nhiên, cuộc chiến cũng đã xuất hiện những yếu tố có lợi về chiến lược mà Trung Quốc có thể lợi dụng: Nga càng cần và càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, Trung Quốc càng nắm thế chủ đạo hơn trong quan hệ chiến lược Trung – Nga, mặt khác Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc khai thác các tiềm năng quân sự và kinh tế của Nga trong dài hạn; Trung Quốc cũng có thể tận dụng sự bất đồng giữa Mỹ và Châu Âu về biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhất là trong trùng phạt về năng lượng để khoét sâu thêm mâu thuẫn giưa hai bên bờ Đại Tây dương cũng như trong chính trị nội bộ EU…

2. Ảnh hưởng trên lĩnh vực kinh tế:

– Cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ kéo tụt kinh tế toàn cầu, nhiều nước, nhất là châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, sẽ dẫn đến hai hệ quả, một mặt thế giới sẽ cần đến sự tham gia và hỗ trợ nhiều hơn của kinh tế Trung Quốc, có lợi cho Trung Quốc; mặt khác môi trường đầu tư, thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên nhìn tổng thể, Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát huy sức mạnh kinh tế của mình.

– Chiến tranh cũng sẽ làm gián đoạn việc triển khai BRI, nhất là về hướng Nga, EU và khu vực Tây Á, Trung Á. BRI được Trung Quốc xác định là trục chính của Ngoại giao Trung Quốc cho đến giữa thế kỷ, khó khăn trong triển khai BRI tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến triển khai chiến lược chung của Trung Quốc.

– Chiến tranh làm cho việc lưu thông các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là năng lượng, lương thực và một số nguyên liệu chiến lược mà Nga có thế mạnh sẽ bị cản trở; sẽ làm đội giá thành sản xuất và giá cả hàng hóa lên cao. Trung Quốc cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng chung. Trong khi đó, các đòn trừng phạt chưa từng có của Mỹ và phương Tây chống Nga cũng không thể không ảnh hưởng đến Trung Quốc. Trung Quốc thật sự muốn ủng hộ, bảo vệ Nga trong bối cảnh này, Trung Quốc tất yếu phải tính đến những cái giá mà Trung Quốc phải trả, trên cả hai lĩnh vực địa chính trị và lợi ích kinh tế .

– Việc Mỹ và phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT) sẽ đẩy Nga gắn vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, có thể giúp đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, tiến thêm một bước trong cuộc cạnh tranh với quyền uy của đồng USD.

Chiến tranh Nga – Ukraine có thể sẽ kết thúc bằng một hiệp định giữa Nga và Ukraine có sự giám sát của quốc tế nhưng đó chỉ là kết thúc chiến sự, một cuộc đối đầu mới quyết liệt, lâu dài hơn giữa hai trận tuyến Mỹ/phương Tây và Trung – Nga sẽ bắt đầu, với rất nhiều những biến số trong cục diện quốc tế và hệ thống quan hệ quốc tế.

Vào thời điểm Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị đại hội 20, khởi đầu giai đoạn “mạnh lên” sau khi đã “đứng lên” và “giàu lên”, cuộc chiến Nga – Ukraine, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, có thể sẽ gợi ý cho Trung Quốc về nhiều vấn đề: Giả thử kinh tế Nga mạnh hơn, có thể chi phối lớn hơn kinh tế toàn cầu, chắc chắn Mỹ và phương Tây sẽ phải đắn đo suy xét kỹ càng hơn khi quyết định một cuộc trừng phạt chưa từng thấy nhằm vào Nga. Thực tế bản thân kinh tế Nga yếu, lại ít có mối liên hệ kinh tế với Mỹ và phương Tây, làm cho Mỹ và phương Tây ít do dự hơn khi quyết định trừng phạt Nga, vì cùng lắm trừng phạt với Nga cũng chỉ là “giết địch 1000, mình tổn thất 500”, vẫn có lời; không như trường hợp với Trung Quốc, nếu Mỹ và phương Tây trừng phạt Trung Quốc, một quốc gia mở cửa và có nền kinh tế hùng mạnh sẽ là “giết địch 1000, mình cũng tổn thất 1000”, như vậy trừng phạt hầu như vô nghĩa, không có lời lãi gì. Bởi vậy gợi ý với Trung Quốc là phải tiếp tục cải cách mở cửa, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, đưa ngày càng nhiều xí nghiệp Trung Quốc ra tác nghiệp và tôi luyện tại thị trường quốc tế. Mặt khác, cũng có gợi ý rằng, Trung Quốc và châu Âu có những “đồng lợi ích” rất lớn, lại ít có những tranh chấp về địa chiến lược, những bất đồng về hình thái ý thức giữa hai bên không phải là giòng chính của quan hệ hai bên. Mặc dù sau xung đột này, châu Âu lo ngại về an ninh có thể lấn át trên một chừng mực nhất đinh những tính toàn về kinh tế nhưng châu Âu vẫn là đối tượng có thể tranh thủ của Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc, bên cạnh củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Nga, sẽ chủ động tích cực đẩy mạnh quan hệ với châu Âu, trước hết sẽ thúc đẩy thông qua và triển khai Hiệp định đầu tư Trung Quốc – EU đang bị dang dở.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới