Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi “mập mờ chiến lược”?

Ai “mập mờ chiến lược”?

Hoa Kỳ đang trong thế trận lưỡng đầu thọ địch, tức là cùng lúc phải đối đầu với hai lực lượng quân sự của hai quốc gia từ hai hướng đối diện. Đối phó với Trung Quốc được xem là mặt trận thứ hai của Washington.

Tuần trước, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine bước vào giai đoạn ít có nguy cơ bùng phát, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du châu Á đầu tiên. Ông đã đến là Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh trụ cột trong khu vực. Ngày 23/05, Tại Nhật Bản, hôm 23/5, tổng thống Mỹ đã có phát biểu chỉ trích Bắc Kinh “mập mờ chiến lược” đối với Đài Loan.

Trong bài phát biểu, ông Biden tuyên bố dứt khoát: Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Điều này gây các phản ứng trái ngược trong giới chuyên gia quốc tế. Phía ủng hộ Trung Quốc đại lục phản pháo tổng thống Mỹ, cho rằng, lời nói “thiếu suy nghĩ” của ông Biden chỉ làm “suy yếu thêm học thuyết mập mờ chiến lược của Mỹ”, “làm phá hỏng tính chất răn đe’’ của chúng.

Ở chiều ngược lại, phía thân Đài Bắc khẳng định rõ ràng ‘‘lằn ranh đỏ’’ không hẳn là phá hủy nguyên tắc ‘‘mập mờ chiến lược’’. Kể từ năm 1979, về mặt ngoại giao, Mỹ chỉ công nhận chính quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh, với chính sách ‘‘Một nước Trung Hoa’’. Mặc dù hứa cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ, nhưng Washington không cam kết rõ ràng Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp để hỗ trợ Đài Bắc hay không.

Dường như tuyên bố của tổng thống Mỹ lần này đã xóa tan cái điều mập mờ bấy lâu. Thông điệp dứt khoát của Biden là nhằm không cho Trung Quốc có cơ hội manh động với Đài Loan. Cụ thể, sau khi kết thúc cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: Hiện phía Trung Quốc đã tiến sát đến vùng nguy hiểm, khi liên tục đưa không quân tiếp cận Đài Loan. Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ!

Thế nhưng đó mới là tuyên bố mang tính ngoại giao. Còn về việc có tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế hay không, Nhà Trắng lại chấp nhận một số điểm nhân nhượng với Trung Quốc, nhất là về mặt kinh tế. Điều này quay ngoắt 180 độ với thời Tổng thống Donald Trump. Ông Biden nói: “ Tôi sẵn sàng dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ không muốn chiến tranh kinh tế hay chiến tranh quân sự với Trung Quốc”.

Thế này thì cũng mập mờ chả khác gì Trung Quốc! Nhà Hoa Kỳ học Jean-Eric Branaa (Đại học Paris II – Panthéon) phân tích, tổng thống Biden đã có nhiều nỗ lực làm sáng tỏ hơn nguyên tắc “mập mờ chiến lược”. Đó là, nếu Trung Quốc vượt qua “lằn ranh đỏ, khi sử dụng sức mạnh, Mỹ sẽ can thiệp”. Mỹ không tham chiến trực tiếp chống Nga cùng Kiev, nhưng nếu Trung Quốc đánh Đài Loan, thì nhất định Mỹ sẽ tham chiến.

Tóm lại, chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Biden đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Những tuyên bố về ngoại giao liên quan các điểm nóng trên thế giới được người đứng đầu Nhà Trắng nêu lên rất mờ nhạt. Washington chê Bắc Kinh mập mờ chiến lược với Đài Loan. Nhưng chính Mỹ cũng chưa biết sẽ xoay sở ra sao nếu cuộc chiến nổ ra.

Tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng vũ lực, nhưng lại không muốn chiến tranh quân sự và kinh tế với Trung Quốc. Điều đó thật là mâu thuẫn. Hóa ra ông Biden cũng học được phép của người châu Á “giơ cao đánh khẽ”. Điều tai hại là, khi các siêu cường không có thái độ dứt khoát, thì sự mập mờ sẽ bao phủ các trung tâm hội nghị lớn của các tổ chức đa phương, mà cao nhất là Liên hợp quốc.

Hơn ai hết, Bắc Kinh nhận thấy rõ sự suy yếu của các tổ chức đa phương và ra sức khuếch trương về cái gọi là đóng góp của Trung Quốc. Ông Vương Nghị -Ngoại trưởng Trung Quốc từng khẳng định: Trung Quốc đã đóng vai trò là “người xây dựng hòa bình thế giới quan trọng, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ vững chắc trật tự quốc tế”.

Nhưng không ai tin điều đó. Sự suy yếu của các tổ chức đa phương dẫn đến sự mất niềm tin của các thành viên, là điều đáng lo ngại.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới