Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế toàn cầu sắp rơi vào suy thoái?

Kinh tế toàn cầu sắp rơi vào suy thoái?

Giới phân tích quốc tế nhận định, trước mắt kinh tế toàn cầu chưa rơi vào suy thoái ngay, nhưng phải đối mặt với sức ép từ giá cả tăng cao và tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Bãi xếp container tại cảng Los Angeles, Mỹ.


“Sẽ không có điều gì đột ngột xảy ra sau tình trạng ‘đình lạm”, ông Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Công ty phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit (Vương quốc Anh), nhận định khi đề cập đến khả năng xảy ra một cuộc suy thoái bất ngờ sau một thời gian nền kinh tế toàn cầu rơi vào “đình lạm” – hiện tượng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Chiến sự ở Ukraine và những gián đoạn do đại dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá chuỗi cung ứng, nên ông Simon Baptist dự đoán hiện tượng đình lạm sẽ tồn tại “ít nhất trong 12 tháng tới”.

“Giá hàng hóa sẽ bắt đầu giảm từ quý tới, nhưng sẽ vẫn cao hơn so với trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vì lý do đơn giản là nguồn cung nhiều mặt hàng của Nga sẽ bị cắt giảm về lâu dài”, ông Simon Baptist nói.

Đại dịch cùng với chiến sự đã kìm hãm nguồn cung hàng hóa cũng như việc phân phối thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá cả hàng hóa thông thường như nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Khi giá cả tăng cao ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình, thì tốc độ tăng trưởng ở nhiều nơi trên thế giới đã chậm lại.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng, người tiêu dùng chưa cần phải chuẩn bị chống đỡ một cuộc suy thoái toàn cầu tái diễn do đại dịch như vừa qua.

Đặc biệt, “đối với hầu hết các nền kinh tế của châu Á, suy thoái là điều khá khó xảy ra, ngay cả khi xuất hiện các giai đoạn GDP tăng trưởng âm liên tiếp”, ông Simon Baptist bình luận trên đài CNBC.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, nhiều người tiêu dùng vẫn còn những tiết kiệm lớn và tích trữ được đồ dùng gia đình. “Vì vậy, ở một mức độ nào đó, nó sẽ không tệ như những con số trước mắt trông thấy”, ông Simon Baptist lưu ý.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Shane Oliver từ Công ty quản lý đầu tư AMP Capital (Australia) cũng cho rằng nếu suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra thì ít nhất cũng phải sau 18 tháng nữa.

Chuyên gia này lý giải: “Các đường cong lợi suất hay còn gọi khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu dài hạn và lãi suất ngắn hạn vẫn chưa thể đảo ngược hoặc cảnh báo suy thoái một cách dứt khoát và ngay cả khi ở mức trung bình như hiện này thì nguy cơ suy thoái sẽ xảy ra sau 18 tháng nữa”.

Đối với chứng khoán, ông Shane Oliver nhận định rằng Mỹ và Australia là hai thị trường có thể tránh được nguy cơ lao dốc mạnh trong thời gian tới.

Quan điểm trên cũng được củng cố trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã và đang thắt chặt lãi suất để chống lạm phát.

Từ đầu năm đến nay, để chống đỡ lạm phát, Fed đã thực hiện hai đợt tăng lãi suất với tổng cộng 75 điểm cơ bản. Cơ quan này cho biết sẽ có một loạt đợt tăng lãi suất cho đến khi lạm phát lùi về gần mục tiêu 2%.

Theo biên bản cuộc họp chính sách gần đây vừa được Fed công bố, các quan chức Fed đã chuẩn bị sẵn sàng tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong nỗ lực chống lạm phát.

Vốn đã thắt chặt chính sách mạnh hơn các ngân hàng trung ương khác, tuần trước Ngân hàng Trung ương New Zealand tiếp tục tăng lãi suất huy động tiền mặt thêm nửa điểm phần trăm lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của cơ quan này và báo hiệu lãi suất huy động tiền mặt ở New Zealand sẽ đạt đỉnh mới và vượt dự báo.

“Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng lạm phát thực tế sẽ trong lộ trình trở lại mục tiêu mà chúng tôi đề ra là từ 1 – 3% và ở mức 6,9%, chúng tôi đang ở mức cao hơn so với mục tiêu… chúng tôi quyết liệt chống lạm phát”, ông Adrian Orr, Thống đốc Ngân hàng Trung ương New Zealand cho biết.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo nỗ lực kiểm soát lạm phát luôn đi kèm rủi ro suy thoái kinh tế. Lạm phát vốn khó kiểm soát và việc kiềm chế lạm phát thông qua tăng lãi suất thậm chí có thể khiến tăng trưởng còn thấp hơn.

“Lạm phát tăng cao càng được duy trì lâu, thị trường đầu tư càng lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ không thể kiềm chế nó mà không gây ra suy thoái. Như Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã chỉ ra, việc đưa lạm phát về mục tiêu 2% sẽ gây ra ‘một số đau đớn'”, ông Shane Oliver từ Công ty quản lý đầu tư AMP Capital nhận xét.

Trong khi đó, đã xuất hiện những quan điểm tích cực từ các nhà phân tích khác. Cố vấn kinh tế cấp cao Vicky Redwood của Capital Economics cho biết bà tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ có thể kéo giảm lạm phát mà không để xảy ra suy thoái. Nữ chuyên gia đánh giá, việc tăng lãi suất theo kế hoạch ở nhiều nền kinh tế lớn, chẳng hạn như ở châu Âu, Anh và Mỹ, sẽ đủ sức để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

“[Nhưng] nếu kỳ vọng lạm phát và lạm phát tỏ ra cứng đầu hơn chúng ta dự đoán, và kết quả là lãi suất cần phải tăng cao hơn nữa, thì một cuộc suy thoái là điều rất có thể xảy ra”, bà Vicky Redwood nhận định.

Nữ chuyên gia cũng lưu ý, một cuộc suy thoái theo kiểu sốc Volcker là hoàn toàn có thể xuất hiện. Lịch sử cho thấy cú sốc Volcker đã xảy ra khi Chủ tịch Fed Paul Volcker tăng lãi suất lên mức kỷ lục 20% vào những năm 1980 để chấm dứt lạm phát hai con số ở Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới