Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiWashington “đu dây”, Đài Loan nóng

Washington “đu dây”, Đài Loan nóng

Eo biển Đài Loan tăng nhiệt – Đó là một cách nói diễn đạt tình trạng căng thẳng mấy ngày này trước những động quân sự thái ăn miếng, trả miếng giữa hai bờ eo biển Đài Loan – Trung Quốc.

Tổng thống Biden: “Trung Quốc không có quyền giành Đài Loan bằng vũ lực”

Thì vẫn, eo biển Đài Loan là một điểm nóng từ nhiều năm nay, và ngày càng nóng. Lý do đơn giản là một bên Đài Loan thì muốn tự trị độc lập vĩnh viễn, một bên – Bắc Kinh, thì luôn khẳng định đây là phần lãnh thổ thiêng liêng, phải thu hồi; thậm chí, thu hồi bằng vũ lực, nếu không đạt được mục tiêu bằng một giải pháp “mềm”.

Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế, Trung Quốc, mấy năm nay tăng chi tiêu quân sự, nâng cấp khí tài, đầu tư mạnh vào hải quân và không quân…Đành là tham vọng của Bắc Kinh thì khôn cùng; họ còn muốn lật đổ vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Nhưng một trong những lý do thôi thúc họ tăng cường sức mạnh quân sự, là Đài Loan. Cần phải chuẩn bị sẵn sàng để khi cần là ra tay; đã ra tay là Đài Loan không kịp trở tay – Chắc chắn, đó là điều Trung Nam Hải nung nấu bấy nay.

Đài Loan bé như con kiến so với Trung Quốc bao la, mênh mông, vậy mà Trung Quốc không thể dễ dàng bắt nạt, chưa nói tới nuốt gọn. Lý do ít nhất 2 điều.
Thứ nhất, tận dụng được viện trợ của Mỹ cùng một chính sách ban đầu có phần độc tài của ông Tưởng Giới Thạch, hòn đảo nhỏ này sớm hóa “rồng”. Nhờ đó, Đài Loan có điều kiện mua sắm vũ khí Mỹ, tăng cường sức mạnh phòng thủ, phát triển công nghiệp quốc phòng. Tới nay, Đài Loan đã tự chế được những khí tài hiện đại khiến bất kỳ ai, dù là Trung Quốc, trước khi ra đòn, cần phải cân nhắc.

Thứ hai, đằng sau Đài Loan, là Mỹ. Vì những tính toàn thực dụng, Mỹ hóa ra cũng “đu dây” trong quan hệ tay ba: với Đài Loan và Trung Quốc.

Với Trung Quốc, Nhà Trắng duy trì quan điểm “một Trung Quốc”; công nhận chính sách Một Trung Quốc và thừa nhận đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc…

Còn với Đài Loan, dù không còn ràng buộc về mặt pháp lý hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị tấn công từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1979, tuy nhiên, trái với ý Bắc Kinh, Mỹ vẫn viện trợ, bán vũ khí, kể cả các loại chiến đấu cơ, tên lửa tối tân, khiến Trung Quốc nhiều phen nổi giận. Năm ngoái, vin vào “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, Mỹ đã bán cho Đài Loan “một hệ thống bắn chính xác tầm xa” trị giá 346 triệu USD; một số tên lửa cho hải quân trị giá 1,4 tỷ USD. Thương vụ lớn này dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Bắc Kinh hẳn biết, các thiết bị chính xác, các tên lửa tầm xa đó sẽ nhằm vào ai, nếu không phải là các mục tiêu bờ bên kia eo biển – phần đất liền của Trung Quốc!

Đặc biệt, gần đây, trong chuyến công du tới Châu Á dự Hội nghị thượng đỉnh “Bộ Tứ”, trong một cuộc họp báo tại Tokyo, ông Biden tuyên bố rằng: “Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan”. Như lường trước sự cay cú của Trung Quốc với tuyên bố này, người đứng đầu Nhà Trắng giải thích thêm: Mỹ chấp nhận chính sách “một Trung Quốc”, nhưng ý tưởng kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực là không phù hợp…”

Bất chấp những lời cảnh cáo của ông Biden, những ngày này, cùng với cáo buộc Washington “thông đồng” với Đài Bắc, liền sau cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, Trung Quốc đã điều 22 máy bay cùng nhiều máy bay điện tử và thiết bị chống ngầm tới khu vực phía Đông Bắc quần đảo Pratas (quần đảo Đông Sa) mà Đài Loan đang quản lý. Động thái gây hấn này khiến Bộ Quốc phòng Đài Loan phải điều máy bay chiến đấu bám theo và cảnh cáo.

Vấn đề đặt ra là: Nếu Trung Quốc liên tục thực hiện sự quấy nhiễu đó, Đài Loan liệu có đủ máy bay, đủ người lái để mà canh, mà bám, mà cảnh báo mãi, hay sẽ tới lúc cảm thấy “bở hơi tai” như Nhật Bản từng gặp?

Đó là chưa kể, bám đuổi nhau liên tục trên không như thế, ai dám cam đoan không xảy ra một sự cố nào đó có thể khơi mào một cuộc chiến thật sự?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới