Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác Quốc đảo Thái Bình Dương cân nhắc chiến lược với TQ

Các Quốc đảo Thái Bình Dương cân nhắc chiến lược với TQ

Giới chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận rõ ý chí và khả năng cân nhắc thiệt hơn của các đảo quốc Thái Bình Dương khi đưa ra quyết định liên quan vấn đề an ninh.

Tâm điểm chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới nam Thái Bình Dương đổ dồn về hội nghị tại Fiji giữa ông và đại diện của 10 nước trong khu vực, nơi Bắc Kinh đề xuất một thỏa thuận hợp tác an ninh quy mô lớn. Mặc dù đã gửi đi nhiều thông điệp tốt đẹp và mang tính trấn an trước hội nghị ngày 30.5, Trung Quốc vẫn không đạt được thỏa thuận chung như kỳ vọng.

Cân nhắc và lựa chọn

Bình luận với Thanh Niên hôm qua, tiến sĩ Denghua Zhang (chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trường Châu Á và Thái Bình Dương, ĐH Quốc gia Úc) cho rằng phía Trung Quốc luôn nêu rõ muốn thể hiện các cam kết và hỗ trợ đối với khu vực, tuy nhiên hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc – Quần đảo Solomon và cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung đã gây ra những lo ngại về ẩn ý lẫn ý nghĩa đối với an ninh khu vực của thỏa thuận mà Bắc Kinh đề xuất với các đảo quốc Thái Bình Dương. “Đây là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc không thể ký kết một thỏa thuận toàn diện với 10 nước đối tác ở Thái Bình Dương như kỳ vọng trong chuyến công du của ông Vương”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, tiến sĩ Bryce Wakefield (Giám đốc điều hành quốc gia của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Úc) nói với Thanh Niên rằng nên xem việc từ chối ký thỏa thuận đó là một dấu hiệu rất rõ về việc các đảo quốc Thái Bình Dương có ý chí riêng để hành động và lựa chọn rõ ràng trong quan hệ đối ngoại của riêng họ cũng như phản ứng với những mối lo ngại cụ thể tại khu vực. PGS Jingdong Yuan (chuyên gia chính sách đối ngoại, an ninh Trung Quốc và châu Á – Thái Bình Dương, tại ĐH Sydney, Úc) có cùng quan điểm khi cho rằng các đảo quốc này đều có sự độc lập trong lựa chọn và họ nhận thức được những định hướng an ninh như vậy có thể mang lại điều gì cho họ.

Đánh giá kỹ hơn về lý do, tiến sĩ Wakefield nói rằng các đảo quốc Thái Bình Dương thận trọng về sự phụ thuộc vào Trung Quốc liên quan thỏa thuận trên. Ông phân tích: “Ngay cả khi một số nước mà Trung Quốc tiếp cận thoải mái ký kết thỏa thuận phát triển song phương, phần lớn quốc gia đều có cân nhắc lo ngại về các điều khoản an ninh của một thỏa thuận toàn diện hơn. Trung Quốc đang cố gắng thể hiện đây là bước đầu của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, thực tế là các nước như Samoa – vốn đã ký thỏa thuận riêng với Trung Quốc – cũng nói một thỏa thuận toàn diện hơn cần được thảo luận ở Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF). Điều này gợi ý rằng bất kỳ thỏa thuận đa phương rộng lớn nào với các điều khoản an ninh mạnh mẽ cũng là bất khả thi”. Ông chỉ ra PIF hoạt động trên cơ sở đồng thuận và diễn đàn này có sự tham gia của Úc, New Zealand lẫn một số nước công nhận Đài Loan nên sẽ không bao giờ đồng ý một thỏa thuận như Trung Quốc đưa ra.

“Điều này có nghĩa thỏa thuận trước đó của Solomon là một ngoại lệ chứ không phải điềm báo chắc chắn về sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc trên toàn khu vực. Hầu hết các đảo quốc Thái Bình Dương đều thận trọng hơn so với Solomon trong cuộc chơi này”, theo tiến sĩ Wakefield.

Gia tăng cạnh tranh chiến lược

Liên quan phản ứng của các nước, giới chuyên gia cho rằng Úc, New Zealand và đồng minh có lẽ sẽ thở phào sau những lo ngại. Theo tiến sĩ Zhang, khu vực Thái Bình Dương đang ngày càng bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc truyền thống và Trung Quốc. Ông Zhang đánh giá chuyến công du của ông Vương là một dấu hiệu nữa cho thấy sự tham gia và gắn bó nhanh chóng của Bắc Kinh với khu vực. Trong khi đó, Úc và đồng minh cũng không khoanh tay đứng nhìn. Đơn cử như việc tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã tới Fiji chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ an ninh tại Nhật Bản. Ông Zhang nhận định với Thanh Niên, trong thời gian tới các cường quốc truyền thống sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện trong khu vực để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong khi đó, tiến sĩ Wakefield cho rằng mặc dù thỏa thuận chung nói trên không được ký kết sẽ được Úc, New Zealand và Mỹ hoan nghênh nhưng nó không nhất thiết được xem là chiến thắng cho những nước này. Ông đánh giá ngoại giao con thoi chủ động của Ngoại trưởng Wong là kết quả đáng hoan nghênh của chính phủ mới ở Úc, nhưng theo ông có lẽ đã quá muộn để tạo ra bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào. Dù vậy, tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese mới đây khẳng định các lãnh đạo Thái Bình Dương có phản ứng rất tích cực về động thái tái cam kết của Úc ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới