Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDân vẫn đi kiện về vụ thảm sát Thiên An Môn sau...

Dân vẫn đi kiện về vụ thảm sát Thiên An Môn sau 33 năm

Năm 2022 đánh dấu cột mốc 33 năm ngày xảy ra Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, hay còn gọi là “Sự kiện Lục Tứ”. Hôm qua ngày 1/6, “Các bà mẹ Thiên An Môn” đã đăng một bài tế văn để chỉ trích việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng súng đạn và xe tăng tàn sát nhân dân. Họ nhấn mạnh rằng, truy cứu trách nhiệm của chính quyền năm đó theo luật pháp là quyền hợp pháp của họ. Người nhà các nạn nhân sẽ kiên trì tìm kiếm công bằng và công lý tới cùng.

Trong phong trào dân chủ năm 1989, sinh viên ở Bắc Kinh đã biểu tình chống lại sự đàn áp, nạn tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đòi quyền dân chủ. Họ đã tuyệt thực ở Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện, và được đông đảo nhân dân Trung Quốc ủng hộ.

Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA), nhân kỷ niệm 33 năm ngày Sự kiện Lục Tứ, “Phong trào Các bà mẹ Thiên An Môn” đã đăng một bài tế văn trên Facebook vào chiều ngày 1/6.

“Các bà mẹ Thiên An Môn” (Tiananmen Mothers) được thành lập bởi gia đình của các nạn nhân trong vụ thảm sát ngày 4 tháng 6, nhằm đòi lại công bằng cho những người biểu tình ôn hòa năm xưa. Người khởi xướng phong trào này là bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin), nguyên là Phó giáo sư Khoa Triết học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bà Đinh cũng là mẹ của anh Tưởng Tiệp Liên (Jiang Jielian) – một học sinh trung học phổ thông tham gia cuộc biểu tình năm 1989 và qua đời khi mới 17 tuổi.

Trước thềm ngày 4/6 hàng năm, ĐCSTQ đều cử người theo dõi các thành viên chủ chốt của “Các bà mẹ Thiên An Môn” và ngăn cản họ liên lạc với thế giới bên ngoài.

Gần đây, bà Trương Tiên Linh (Zhang Xianling), một trong những người sáng lập “Các bà mẹ Thiên An Môn”, cho biết, bà nghi ngờ chính quyền đã thay đổi phương pháp giám sát trong năm nay. Cụ thể là từ cử người theo dõi sang ngăn họ trả lời các cuộc gọi từ nước ngoài, khiến các nhà dân chủ không thể liên lạc với bên ngoài. Điện thoại di động của rất nhiều thành viên, bao gồm cả bà Trương, đều không thể nhận các cuộc gọi từ hải ngoại.

Sau đây là toàn văn bài viết:

Ngày này 33 năm trước, tại Trung Quốc đã xảy ra một vụ thảm án gây chấn động cả trong và ngoài nước. Đảng cầm quyền và chính phủ Trung Quốc đã cho quân đội dùng súng thật, đạn thật tàn sát những người vô tội ở thủ đô Bắc Kinh; [chính quyền] hoàn toàn coi nhẹ mạng sống của hàng trăm nghìn sinh viên và người dân bình thường trên phố Trường An; thậm chí điều động xe tăng đè bẹp đám đông, khiến hàng chục nghìn người thương vong.

Vụ giết người hàng loạt này do một tay chính phủ làm ra, nó xảy ra trong tình huống người dân thủ đô không hề hay biết. Khoảng 10 giờ tối ngày 3/6, quân đội giới nghiêm đã tiến vào Quảng trường Thiên An Môn từ mọi hướng với xe tăng và xe bọc thép, dọc đường đi [họ] bắn quét và truy sát khiến học sinh, sinh viên và người dân thành phố bị thương vong nặng nề.

Khi các sinh viên xếp hàng để di chuyển từ Quảng trường Thiên An Môn tới khu Lục Bộ Khẩu và Tây Đơn vào sáng sớm ngày 4/6, quân đội đã sử dụng hơi cay có độc để làm tê liệt thần kinh, khiến các sinh viên và người dân tại hiện trường bị khó thở và ngạt thở, họ ngã xuống đất và không thể di chuyển. Một hàng xe tăng cán qua đám đông, hơn một chục người thiệt mạng hoặc bị thương nặng tại chỗ.

Trong số 203 nạn nhân mà chúng tôi tìm thấy cho đến nay, có 61 sinh viên đại học và nghiên cứu sinh, 14 học sinh tiểu học và trung học, mất tích 14 người, người trẻ nhất mới 9 tuổi và người già nhất là 66 tuổi.

Các cuộc tuần hành, thỉnh nguyện và biểu tình với sự tham gia của hàng triệu sinh viên và người dân vào tháng 4 và tháng 5 năm 1989 là quyền lợi của công dân Trung Quốc được ghi trong Hiến pháp và pháp luật, là hành vi hợp pháp; không có bất kỳ hành vi nào vi phạm Hiến pháp. Từ đầu đến cuối, phong trào luôn tuân thủ các nguyên tắc hòa bình, lý tính và bất bạo động. Trước khi quân đội đàn áp, trật tự xã hội hoàn toàn ổn định, học sinh, sinh viên và người dân thủ đô có ý thức giữ gìn trật tự xã hội tốt.

Các yêu cầu của sinh viên và công chúng trong các cuộc biểu tình chỉ là: chống nạn tham nhũng hủ bại, chống thói mua quan bán chức, yêu cầu tự do ngôn luận, yêu cầu công bố tài sản của quan chức, và phải để cho nhân dân thiết lập một cơ chế giám sát sự liêm khiết của các quan chức chính phủ. Những yêu cầu này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp. Khi hai bên có sự bất đồng, [những người biểu tình] cũng chỉ yêu cầu chính phủ thông qua các thủ tục pháp lý, thông qua bàn bạc và đối thoại, để những khác biệt giữa hai bên có thể được giải quyết một cách hợp lý trong phạm vi của Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên, đảng cầm quyền và chính phủ Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ những yêu cầu hợp lý của người dân, và áp dụng một phương thức hoàn toàn đi ngược lại với nền văn minh hiện đại. Đó là lợi dụng công quyền, dùng súng ống và xe tăng giết hại nhân dân Trung Quốc một cách dã man, tàn bạo. Tiếp đó là hành động giống như phát xít, điều tra toàn diện nhân dân, khiến cả xã hội kinh hoàng, ai ai cũng trong nguy hiểm.

Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Phong trào sinh viên năm đó chỉ là đề xuất kiến nghị, để đảng cầm quyền và chính phủ phục vụ nhân dân một cách liêm khiết hơn. Có cần thiết phải dùng đến quân đội đàn áp không? Có thể tùy tiện tước đoạt mạng sống của công dân vô tội? Phong trào sinh viên ở Bắc Kinh đã lan rộng ra cả nước, và đó cũng là cách mà người dân bày tỏ những mong muốn tốt đẹp của mình đến chính phủ. Định nghĩa của các vị về “nhân dân” là gì? Lẽ nào nhân dân trong nước đề xuất ý kiến lại biến thành phe đối lập? Đảng cầm quyền và chính phủ Trung Quốc lấy cớ “trấn áp bạo loạn phản cách mạng” để biện minh cho trách nhiệm và tội ác giết người, không phải là quá dã man hay sao?!

Việc điều động quân đội để giết học sinh, sinh viên và dân thường trong thời bình chắc chắn là một hành động tàn bạo phản nhân loại! Trước những sinh mạng bị bắn chết trong vụ thảm sát ngày 4 tháng 6, những luận điệu thoái thác, phớt lờ sự thật của đảng cầm quyền và chính phủ Trung Quốc là nhạt nhòa và vô nhân đạo, không thể vượt qua sự tra khảo của lịch sử.

Trong 33 năm qua, đã có 64 thành viên trong nhóm người nhà của các nạn nhân “Lục Tứ” lần lượt qua đời. Năm nay, chúng tôi có thêm hai thành viên đã tạ thế, là Duẫn Mẫn (Yin Min) và Lưu Can (Liu Gan). Lưu Can, thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm của chúng tôi, đã từ trần vào cuối tháng 4 năm nay ở tuổi 97.

Yêu cầu chính quyền năm đó chịu trách nhiệm về vụ thảm sát theo quy định của pháp luật là quyền hợp pháp của chúng tôi. Trong 33 năm qua, chúng tôi đã đưa ra ba yêu cầu về “sự thật, bồi thường, giải trình trách nhiệm” một cách hòa bình và lý tính; [chúng tôi] yêu cầu được đối thoại với chính phủ thông qua các thủ tục pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ thảm sát ngày 4/6. Vì kêu gọi lương tri cho những người thân đã khuất, vì đòi lại công bằng và công lý, chúng tôi sẽ tiếp tục vững bước!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới