Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTỉ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Hiển muốn làm cao tốc Vành...

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Hiển muốn làm cao tốc Vành đai 4 – Hà Nội

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng nhận được đề xuất đầu tư của một loạt tập đoàn: VinGroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển)…

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng (bên trái) và Chủ tịch T&T Group, Đỗ Quang Hiển.

Sáng 16.6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án).

Nghị quyết nêu rõ, đây là Dự án vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Mục tiêu nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại…

Về quy mô, tuyến đường dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả… Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 85.813 tỉ đồng.

Trong 7 dự án thành phần, dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chiều dài dự kiến của dự án thành phần 3 là 100 – 120 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 56.536 tỉ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 29.447 tỉ đồng, còn lại vốn ngân sách T.Ư và vốn ngân sách địa phương. Cơ quan có thẩm quyền là UBND Hà Nội.

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và UBND TP.Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án như: Tập đoàn Vingroup – CTCP (Nhà đầu tư đề xuất dự án) hiện do tỉ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch HĐQT; Tập đoàn T&T của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển); Tập đoàn Him Lam do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT, Công ty CP DIC…

Các nhà đầu tư đều có cam kết đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của Dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Như vậy, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp Dự án sẽ được bảo đảm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo, việc đánh giá cụ thể năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục thực hiện tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, qua kết quả tính toán sơ bộ về phương án tài chính có các thông số bảo đảm khả thi, thời gian hoàn vốn 21 năm. Do đó, việc áp dụng phương thức đầu tư PPP đối với dự án thành phần 3 là có cơ sở.

Về thẩm quyền, phương thức đầu tư, Quốc hội giao UBND TP.Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án. Trong đó, Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới